Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn

Thứ Hai, 21/12/2020, 15:53
Trung Quốc đang nỗ lực kết nối với toàn bộ thế giới thông qua các mạng lưới thương mại mới, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường các mối quan hệ tài chính và địa chính trị. Nhật Bản không theo cách Trung Quốc mà chỉ nhắm mục tiêu tăng cường sự hiện diện dài hạn và áp dụng kinh nghiệm của riêng mình ở Đông Nam Á.

Không nghi ngờ gì nữa, rằng châu Á đang rất cần phát triển cơ sở hạ tầng. Kể từ năm 2017, theo một ước tính nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng mỗi năm ở khu vực này tính đến năm 2030 sẽ là hơn 1.700 tỷ USD, con số này đã tăng gấp đôi so với trước đó. Một báo cáo có từ năm 2019 đã kết luận rằng “Những quốc gia có nhiều kết nối hơn với các dòng chảy thương mại, tài chính, con người và dữ liệu toàn cầu sẽ tăng 40% phát triển so với các quốc gia ít tương tác bên ngoài”.

Trong vài thập niên qua, Nhật Bản đã cung cấp các gói ngân sách và kinh nghiệm công nghệ dưới nhiều dạng khác nhau trên khắp Đông Nam Á và đáng chú ý là lợi nhuận hữu hình. Do các vấn đề nội địa như dân số lão hóa nên nhu cầu mở rộng ra hải ngoại đang không ngừng tăng. Trung Quốc là nước đến sau nhưng họ nhanh chóng bắt kịp đặc biệt là sau khi ra mắt “Vành đai và con đường” (BRI) vào năm 2013. Tuy nhiên khi so sánh về tương quan cơ sở hạ tầng thì một báo cáo nói rằng cho đến giữa năm 2019, Trung Quốc vẫn chưa theo kịp Nhật Bản tại Đông Nam Á.

Không thể phủ nhận một số yếu tố tích cực từ dự án “Vành đai và con đường” của Trung Quốc.

Trung Quốc có 255 tỷ USD đang chờ xử lý, trong khi Nhật Bản là 367 tỷ USD. Tuy nhiên, khi so sánh FDI mới chỉ nói lên một phần của câu chuyện. Khi xét đến yếu tố địa chính trị, thế giới đang hết sức quan tâm tới cái gọi là “bẫy nợ” do Trung Quốc gài ở cảng biển chiến lược Hambantota ở Sri Lanka, từ đây thúc giục các quốc gia phải cẩn trọng hơn khi tìm kiếm các lựa chọn thay thế.

Tại Đông Nam Á, dự án đường sắt liên kết Singapore - Côn Minh (SKRL) và đường cao tốc Jakarta - Bandung (JBHSR) đang làm dấy lên mối lo ngại về các khía cạnh kỹ thuật và nạn tham nhũng do dòng vốn nước ngoài quá lớn, hay nguy cơ châm ngòi cho khủng hoảng khu vực và song phương. Điều mà các chuyên gia cảnh báo rằng cuộc tranh giành quyền lãnh đạo sẽ rất rắc rối và có thể làm tan rã khu vực Đông Nam Á. Việc quan sát kỹ hơn những nỗ lực tương ứng của 2 siêu cường sẽ nhìn thấy được các xu hướng và mô hình hướng tới một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn hoặc ngược lại và cả cơ hội cho hợp tác. 

Toàn cầu hóa đã cho phép phát triển nhiều mô hình của phức hợp đa phụ thuộc hết sức phức tạp giữa các quốc gia mà nhiều mô hình trong số này lại không đối xứng và có vấn đề. Tuy nhiên, các cá nhân quốc tế vẫn có thể hưởng lợi từ cái gọi là “kết nối đa chiều”, tất cả được hỗ trợ bởi những thành tựu công nghệ. Có thể kể đến là cơ sở hạ tầng và đầu tư, xương sống tài chính và vật chất, lĩnh vực kỹ thuật số cũng bao gồm truyền thông đa tương tác.

Ngoài ra còn phải kể đến các dòng chảy vốn, hàng hóa, ý tưởng và con người. Có nhiều khía cạnh được đem ra phân tích chi tiết để hiểu về tương tác nguồn lực kinh tế và quyền lực mềm, cũng như tiêu cực bên trong chúng. Trước hết, một quốc gia sẵn lòng đầu tư và xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng thì phải tạo nên thiện chí tốt đẹp ở quốc gia được hưởng lợi, trong khi đó vẫn phát triển danh tiếng tốt trong hợp tác. Tuy nhiên, điều này có thể tạo ra sự bất bình đẳng nếu các cộng đồng dân cư địa phương không được tham gia hoặc không được hưởng lợi gì từ dự án xây dựng do tệ nạn tham nhũng.

Thứ hai, một quốc gia sẵn sàng đầu tư và chia sẻ phần cứng, phần mềm và kinh nghiệm công nghệ nhằm cung cấp cơ hội cho việc phát triển các ngành công nghiệp mới và truyền thông để cải thiện hình ảnh và danh tiếng. Nhưng, công nghệ và dịch vụ cũng làm phát sinh các hoài nghi từ nước sở tại, chẳng hạn như gián điệp kỹ thuật số hoặc các mục đích quân sự. Gần đây là cuộc chiến chống lại gã khổng lồ Huawei của Trung Quốc, trong khi vài quốc gia bày tỏ lo ngại với Mỹ thì vẫn có nhiều nước phớt lờ vì lợi ích kinh tế.

Thứ ba là quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi nhưng việc này cần phải có sự lắng nghe và tôn trọng các khác biệt văn hóa để xây dựng mối quan hệ lâu dài. Chiều hướng này bao gồm các luồng khách du lịch, sinh viên quốc tế, tham gia vào trao đổi văn hóa, đào tạo, học nghề và những sáng kiến tương tự. 

Trong nhiều thập niên, Thái Lan là trọng tâm của chiến lược Tokyo ở Đông Nam Á, điển hình là việc xây dựng các tuyến đường sắt ở Đông và Bắc Thái Lan đã đóng đinh cho mối quan hệ giữa 2 nước. Tuy nhiên đối thủ hùng mạnh như Trung Quốc có thể sẽ phá vỡ những kế hoạch này khi các liên kết đường bộ là lợi thế nhãn tiền. Trung Quốc và Nhật Bản cùng thiết lập sự hiện diện trên khắp Đông Nam Á. Các cộng đồng Hoa kiều hiện diện khắp nơi tại khu vực này. Hoa kiều ở Thái Lan đã xây dựng thành công cái gọi là “tình huynh đệ” với người bản xứ.

Mặt khác, dù không có kết nối trực tiếp nhưng thông qua ODA, hỗ trợ dân chủ quốc tế và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, Nhật Bản đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế và chính trị trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, cho dù là Trung Quốc hay Nhật Bản, chỉ cần các quốc gia trong khu vực có sự tỉnh táo nhất định trong lựa chọn đối tác trong các trường hợp cụ thể thì xét về tổng thể, sự cạnh tranh bao giờ cũng đem lại yếu tố tích cực nhiều hơn.

Văn Chương (Tổng hợp)
.
.