Dư luận quốc tế: Trung Quốc ngang ngược ở Biển Đông

Thứ Hai, 20/06/2011, 08:20

Vấn đề căng thẳng trên Biển Đông chủ yếu do Trung Quốc ngang ngược xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của dư luận trong khu vực và trên thế giới. Nhìn chung, dư luận đánh giá hành động của Trung Quốc là sai trái.

Hôm thứ Hai 13/6, Thượng nghị sĩ (TNS) Mỹ Jim Webb - Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương của Thượng viện Mỹ - đã trình Thượng viện xem xét một nghị quyết lên án hành động của Trung Quốc trên biển Đông. Đây là hành động mạnh mẽ nhất của một nghị sĩ Mỹ liên quan đến tình hình biển Đông, cho thấy Trung Quốc đang bị thế giới lên án vì hành động sử dụng vũ lực một cách ngang ngược và tầm thường của mình.

Trước đó, ngày 10/6, phát biểu trước báo chí, TNS Webb đã trực tiếp lên án các hành động của Trung Quốc. Ông nói: "Hành động liên tục dùng vũ lực của Trung Quốc là điều rất đáng quan ngại". Ông Webb cho rằng, nước Mỹ "có lợi ích chiến lược trong việc thúc đẩy một giải pháp hòa bình, đa phương tiến tới giải quyết các tranh chấp" nhằm bảo đảm tự do thương mại và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Lập luận của TNS Webb dựa trên sự kiện các tàu hải giám và ngư chính của Trung Quốc đã 2 lần uy hiếp và cắt các cáp tàu thăm dò địa chấn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam). Lần thứ nhất là vào ngày 26/5/2011, tàu hải giám số 84 của Trung Quốc đã ngang nhiên xâm phạm vùng lãnh hải Việt Nam và cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam; lần thứ hai là vào ngày 9/6, tàu ngư chính 311 của Trung Quốc đã cho tàu cá xông vào phá cáp thăm dò của tàu Viking II ở bên trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ngoài ra, ông Webb cũng dẫn thêm sự kiện tháng 3/2011, các tàu Trung Quốc ngang nhiên vào vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines để uy hiếp và đuổi các tàu của Philippines ra khỏi vùng biển của mình. Và 2 ngày sau khi cắt cáp tàu Bình Minh 02, các tàu ngư chính Trung Quốc được trang bị vũ trang còn nổ súng bắn uy hiếp ngư dân Việt Nam trong vùng biển gần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam…

Trên tờ Asia Times ngày 10/6, cây bút David Brown viết rằng, những gì Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 10 tại Singapore hôm 3/6 hoàn toàn không giống như những hành động thực tế của Trung Quốc trên biển Đông. Tại Đối thoại Shangri-la, Bộ trưởng Lương Quang Liệt một mực khẳng định: "Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định thông qua hợp tác an ninh… Trung Quốc quyết tâm theo đuổi chính sách thúc đẩy quan hệ hữu nghị tốt đẹp với các nước láng giềng"…

Thậm chí trong cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh, ông Liệt vẫn khẳng định mong muốn giải quyết các tranh chấp trên biển Đông một cách hòa bình. Nhưng trên thực tế, các tàu hải giám và ngư chính của Trung Quốc lại ngang ngược xâm phạm sâu vào lãnh hải của Việt Nam phá cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam.

Theo phân tích Giáo sư Carlyle A. Thayer (Giáo sư chính trị học tại Học viện Quốc phòng Australia đồng thời là Giáo sư Khoa Xã hội học và Nhân văn tại Đại học New South Wales, chuyên gia Việt Nam học, kiêm Giám đốc Diễn đàn Nghiên cứu Quốc phòng Australia), việc Trung Quốc hành động một cách ngang ngược trong thời gian gần đây là cố tình làm cho các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam thấy rằng họ "quản lý vùng biển này", rằng "vùng biển này là của họ", việc họ đi vào vùng biển này để "giám sát" và "thực thi pháp luật" là "chuyện bình thường", còn việc Việt Nam và các nước khác khai thác tài nguyên trên thềm lục địa của mình là "không thể chấp nhận được". Đó không là gì khác hơn kiểu hành xử "mạnh được yếu thua", "ta mạnh thì ta làm gì tùy thích".

Trong một bài xã luận đăng ngày 10/6, tờ Daily Youmuri của Nhật Bản viết rằng: "Trung Quốc sẽ không có được lòng tin của cộng đồng quốc tế nếu những điều họ nói không giống những gì họ làm".

Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb phát biểu trước báo giới về tình hình Biển Đông.

Cũng trong bài viết trên Asia Times, David Brown cho rằng Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào để khẳng định chủ quyền trên biển Đông. Điều này cũng được Giáo sư Thayer khẳng định khi trả lời phỏng vấn báo chí. Trong khi Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ chứng cứ lịch sử hàng trăm năm (từ thế kỷ XVII) và đã từ lâu khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì Trung Quốc chỉ dựa vào cái gọi là "đường 9 đoạn", hay "đường lưỡi bò" để đòi chủ quyền hơn 80% diện tích biển Đông!? Về vấn đề này, rõ ràng là Trung Quốc đã chà đạp Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Theo UNCLOS, hạn chót là tháng 6/2009 các quốc gia ven biển phải hoàn tất tuyên bố xác định quyền lãnh hải. Đến nước này thì Trung Quốc mới vẽ bừa một bản đồ "đường lưỡi bò" mà không thèm quan tâm đến những tiêu chí và quy định nghiêm ngặt của UNCLOS về tuyên bố chủ quyền.

Theo Giáo sư Thayer, lợi thế của Việt Nam là dựa vào luật pháp quốc tế và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền, và hiện đang được xem là nạn nhân của kiểu hành xử bạo ngược của Trung Quốc.

Tuy nhiên, để giải quyết tình hình căng thẳng trên biển Đông một cách phù hợp và có lợi cho mình, thì Việt Nam cần phải làm nhiều việc để ngăn chặn hành động của Trung Quốc.

Những sự kiện sắp tới, như Diễn đàn khu vực châu Á (ARF), Hội nghị thường niên Đại hội đồng LHQ vào tháng 9 tới, Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM),… đều là cơ hội tốt để Việt Nam tranh thủ đưa vấn đề biển Đông ra thảo luận nhằm đa phương hóa việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông, nếu cần, Việt Nam cũng có thể kiện Trung Quốc ra tòa án LHQ để buộc nước này phải tuân thủ luật pháp và công ước quốc tế

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.