Dự thảo hiến pháp Iraq và “cuộc chiến” không cân sức của người Sunni

Thứ Năm, 08/09/2005, 16:46

Sau 3 lần trì hoãn, cuối cùng bản dự thảo Hiến pháp Iraq cũng đã được trình lên Quốc hội lâm thời nước này ngày 29/8 để chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra ngày 15/10. Tuy nhiên, những bất đồng giữa người Sunni với 2 cộng đồng Shiite và Kurd xung quanh các điều khoản về phân chia quyền lực chính trị và quyền lợi dầu mỏ, và quy định về thể chế Nhà nước Iraq vẫn chưa giải quyết xong.

Người Kurd và Shiite sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi nắm quyền kiểm soát các kho dầu mỏ lớn ở hai miền Nam - Bắc, đồng thời, việc thành lập Nhà nước liên bang Iraq sẽ khiến cho nước này dần dần tan rã, bởi các quy định trong Hiến pháp sẽ tạo điều kiện cho người Shiite và người Kurd gia tăng dần quyền tự trị của mình và tiến tới tách hẳn ra để bảo toàn lợi ích kinh tế riêng. Rốt cuộc, người Sunni chẳng còn lại gì ngoài những hoang mạc khô cằn và một ít đất nông nghiệp ở miền Trung. Chỉ có một số nhượng bộ nhỏ là, các bên đồng ý lấy luật đạo Hồi Sharia là nền tảng pháp luật quốc gia; và người Kurd, người Shiite “an ủi” người Sunni bằng lời hứa chia sẻ một phần quyền lợi dầu mỏ. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi người Kurd và người Arập Shiite tỏ vẻ vui mừng sau khi bản Hiến pháp được trình lên Quốc hội, còn người Sunni thì phản đối quyết liệt.

Ngày 29/8, hơn 1.000 người Sunni ở thành phố

Khoảng 6 triệu bản dự thảo Hiến pháp đang được in để phân phát cho dân chúng Iraq và gần 250 điểm đăng ký cử tri khắp Iraq cũng đang được gấp rút chuẩn bị cho kịp thời hạn chót đăng ký ngày 7/9.

Tikrit, quê hương ông Saddam Hussein, đã xuống đường để phản đối. Còn các quan chức và nghị sĩ Sunni trong Quốc hội thì tuyên bố sẽ vận động một chiến dịch nói “không" với Hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý kiến sắp tới. Theo quy định luật pháp tạm thời, nếu 2/3 dân chúng tại 3 tỉnh bất kỳ bỏ phiếu “không” thì bản Hiến pháp sẽ bị hủy bỏ. Nhưng, người Shiite và Kurd đã tuyên bố sẽ bằng mọi giá thúc đẩy việc thông qua bản hiến pháp này.

Liệu người Sunni có thực hiện được ý đồ của mình hay không, khi mà họ bị lấn át ngay cả trong việc thiết lập các trung tâm đăng ký cử tri; Phó tổng thống Ghazi Al-Yawer (người Sunni) than phiền với báo chí rằng thị trấn quê hương ông (gần thành phố Mosul) có 300.000 dân nhưng chỉ được lập có một trung tâm đăng ký bỏ phiếu. Còn tại tỉnh Al Anbar (người Sunni chiếm đa số), chỉ có 19 trung tâm đăng ký được thành lập so với con số 26 dự kiến. Các nhà quan sát cho rằng, người Sunni đang trong một cuộc chiến không cân sức với người Shiite và người Kurd khi hai cộng đồng lớn này đang nắm quyền lực trong tay, có đầy đủ các phương tiện về chính trị, quân sự lẫn truyền thông và báo chí để tạo nên một sức ép áp đảo từ nay cho đến ngày trưng cầu ý dân.

Trong khi đó, trên các đường phố Baghdad và các thành phố lớn khác như Mosul, Basra, một làn sóng bạo lực đổ máu đã xảy ra giữa các lực lượng người Shiite và người Kurd chống người Sunni. Các lực lượng bán quân sự người Kurd và người Shiite từng tham gia trong thành phần an ninh và Cảnh sát Iraq đã tổ chức một đợt bắt cóc, tấn công khủng bố nhắm vào người Sunni tại các thành phố lớn ở miền Bắc (Mosul) và Nam Iraq (Basra). Đêm 29/8, AK-47 đã nổ liên tục tại Thánh đường Umm Qura ở Baghdad khi hàng trăm người Sunni tụ tập để cầu nguyện và lên án hành động dã man của các phần tử bán quân sự đã giết chết 30 người Sunni thuộc bộ lạc Dulaimi ở một thị trấn gần biên giới Iran. Khả năng các cuộc đụng độ nhỏ có thể dẫn đến xung đột lớn là điều không nằm ngoài suy đoán của các nhà quan sát tình hình Iraq

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.