Dự thảo thỏa thuận Brexit: Chê nhiều hơn khen

Thứ Hai, 19/11/2018, 12:01
Sau gần 6 giờ thảo luận căng thẳng, chiều muộn 14-11 (giờ Anh), chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May cuối cùng cũng đã nhất trí về dự thảo thỏa thuận về việc nước này rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit. Đây được coi là bước đột phá đầu tiên có tính quyết định đến tương lai của nước Anh. Tuy nhiên, chặng đường để nước Anh thực sự rời khỏi EU còn nhiều chông gai.

Với vẻ mặt mệt mỏi xuất hiện trước dinh thự số 10 Phố Downing ngay sau khi kết thúc buổi thảo luận, bà May tuyên bố rằng dự thảo thỏa thuận Brexit đạt được hôm 13-11 tại Brussels (Bỉ) cuối cùng đã được các thành viên Chính phủ Anh thông qua.

Bản dự thảo dày 585 trang, quy định những nguyên tắc về vấn đề chia tách, trong đó có quy chế tài chính, tình hình công dân châu Âu ở Anh, công dân Anh trong EU cũng như vấn đề gai góc liên quan đến biên giới Bắc Ireland đã được công bố tại Brussels ngay sau tuyên bố của bà May khoảng nửa giờ. Theo người đứng đầu Chính phủ Anh, dự thảo lần này là văn bản đầy đủ nhất, đảm bảo chặt chẽ lợi ích của nước Anh.

Tối 14-11, trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit, ông Michel Barnier tuyên bố Brussels và London đã đạt được “tiến triển mang tính quyết định”, mở ra con đường dẫn đến hoàn tất một thỏa thuận giữa EU và nước Anh. Tuyên bố của ông Barnier được đưa ra trong cuộc họp báo diễn ra chưa đầy 1 giờ sau khi Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May cho biết đã nhận được sự ủng hộ của nội các nước này đối với dự thảo thỏa thuận “ly hôn” với EU.

Phát biểu với báo giới, ông Barnier khẳng định nước Anh và EU đã tìm ra giải pháp để tránh một “biên giới cứng” với Ireland - vấn đề khó khăn nhất trong quá trình đàm phán Brexit, đồng thời cho phép toàn bộ nước Anh ở lại trong Liên minh Thuế quan. Với trách nhiệm của một nhà đàm phán của EU, ông Barnier tuyên bố hai bên đã đạt được “tiến triển quyết định”, cụm từ rất được EU trông đợi để có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

Nói về “bước đi quyết định” mang tính mở đường cho thỏa thuận Brexit được chính thức thông qua trong thời gian sắp tới, Thủ tướng May cho biết, vẫn còn nhiều thách thức lớn. Thách thức lớn nhất là thuyết phục Quốc hội Anh phê chuẩn dự thảo thỏa thuận này.

Tờ Libération nhận định rằng, mặc dù dự thảo thỏa thuận lần đầu tiên được thông qua hướng tới Brexit mà 52% người Anh mong muốn trong cuộc trưng cầu dân ý cách đây hơn 2 năm, thế nhưng với quyết định “miễn cưỡng” của các thành viên nội các, rõ ràng hiện ở Anh không ai còn chờ đợi điều này.

Cho dù đạt được thỏa thuận với EU, song nước Anh sẽ rất khó khăn khi “ly hôn” với EU. Ảnh: Washington Post.

Ngay cả những người lúc đầu ủng hộ Brexit nhất thì nay cũng chê bai cái gọi là thỏa thuận làm cho nước Anh phải lệ thuộc hoặc đặt nước Anh vào tình trạng “nô lệ” của EU. Thậm chí, cựu Thủ tướng Tony Blair cũng đánh giá thỏa thuận này là một thỏa thuận tệ nhất từ trước đến nay bởi với lý do giành lại quyền kiểm soát thì chính nước Anh lại đang đánh mất tất cả quyền kiểm soát của mình trước đây.

Để chứng minh cho nhận định trên, tờ Libération cho biết, trong suốt ngày 14-11, cả Nghị viện và phủ Thủ tướng Anh đã bị những người phản đối và những người từng ủng hộ Brexit bao vây biểu tình phản đối dự thảo thỏa thuận. Người biểu tình cũng yêu cầu các bộ trưởng của chính phủ Thủ tướng Theresa May từ chức.

Cũng trong thời gian này, nhiều tin đồn về một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại bà May tại Nghị viện Anh xuất hiện. Bà May bị chỉ trích là đã cố gắng thuyết phục 21 bộ trưởng nội các về những nhượng bộ đối với EU.

Cho đến nay, trong số 650 nghị sỹ của Nghị viện Anh thì đa số đều chống lại Brexit. Hiện chưa có gì chắc chắn để bà May thuyết phục được đa số nghị sỹ ủng hộ thỏa thuận. Ngày 15-11, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố, các nghị sĩ nước này đang đối mặt với khả năng Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào, hoặc sẽ không có Brexit nếu Quốc hội không thông qua dự thảo thỏa thuận vừa đạt được với EU.

Phát biểu trước Quốc hội Anh, Thủ tướng May nêu rõ các nhà lập pháp có thể chọn ra đi mà không đạt được thỏa thuận, hoặc Anh không rời EU, hoặc tất cả cùng nhau đoàn kết và ủng hộ một thỏa thuận tốt nhất có thể đem ra đàm phán.

Chính trường Anh đang lâm vào một cuộc khủng hoảng với việc nhiều thành viên trong nội các liên tiếp tuyên bố từ chức, một ngày sau khi công bố dự thảo thỏa thuận Brexit. Thứ trưởng phụ trách Brexit Suella Braverman đã trở thành quan chức thứ 4 trong Chính phủ Anh thông báo từ chức nhằm phản đối dự thảo thỏa thuận trên.

Trong thư gửi Thủ tướng May, bà Braverman cho rằng “những nhượng bộ” được đưa ra với EU trong thỏa thuận khung “không tôn trọng ý nguyện của người dân”. Ngoài ra còn có trợ lý Bộ trưởng Giáo dục Anne-Marie Trevelyan cũng từ chức để phản đối thỏa thuận Brexit. Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí của Anh Esther McVey, Bộ trưởng Brexit Dominic Raab và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách Bắc Ireland Shailesh Vara đã lần lượt tuyên bố từ chức.

Có lẽ chỉ có giới doanh nhân Anh “hài lòng” hơn cả sau thỏa thuận trên. Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI), nhóm vận động hành lang doanh nhân chính, hoan nghênh thỏa thuận là một sự tiến bộ. Trong một tuyên bố, Chủ tịch CBI Carolyn Fairbairn chỉ ra rằng dự thảo thỏa thuận vừa đạt được đã đảm bảo một sự chuyển tiếp cho đến hết năm 2020 và đây là “ưu tiên cao nhất” đối với giới doanh nhân. Trong khi đó, Hiệp hội Tài chính Anh cũng đánh giá thỏa thuận trên “là một bước đi quan trọng nhằm tránh nguy cơ ra đi một cách rối loạn và thiệt hại”.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Hiệp hội Stephen Jones nhận định “còn nhiều khó khăn” ở phía trước, đồng thời cảnh báo ngành tài chính nên “tiếp tục lên kế hoạch nhằm giảm thiểu mọi sự ngắt quãng từ một kịch bản không đạt thỏa thuận cuối cùng”...

Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính nếu Brexit diễn ra mà không có thỏa thuận, nước Anh sẽ thiệt hại tới 7,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tương đương 4 năm tăng trưởng kinh tế. Lường trước những khó khăn trên, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 13-11 đã công bố những thông tin chi tiết về công tác chuẩn bị dự phòng cho kịch bản không thuận nhằm bảo vệ lợi ích cũng như tính toàn vẹn của EU.

Hoa Vinh
.
.