Đức: Cơ quan mật vụ bị chỉ trích vì theo dõi các nghị sĩ

Chủ Nhật, 26/02/2012, 15:45

Berlin vừa nổ ra một vụ bê bối lớn liên quan đến cơ quan mật vụ, sau khi báo chí công bố danh sách 27 trong tổng số 76 nghị sĩ của đảng cánh tả (DL - Die Linke) đang nằm dưới sự giám sát bí mật của Cơ quan bảo vệ hiến pháp (BfV), tên gọi của Cơ quan Phản gián Đức. Ngoài ra, các chi nhánh tại địa phương của BfV cũng rất tích cực theo dõi lãnh đạo của DL tại 11 chính quyền địa phương khác. Đã có những cơ sở ban đầu cho thấy, cơ quan an ninh của Đức còn "quan tâm" đến các nhà lập pháp từ nhiều đảng phái khác.

Tại phiên họp toàn thể của Quốc hội Đức mới đây, người đứng đầu DL là Gregor Gysi đã chính thức gửi những lá thư kiến nghị lên Thủ tướng Angela Merkel, Tổng thống Christian Wulff và Chủ tịch Quốc hội Norbert Lammert.

Nội dung chủ yếu là yêu cầu phải ra lệnh cho cơ quan mật vụ chấm dứt ngay việc theo dõi các nghị sĩ DL do điều này vi phạm hiến pháp cơ bản của Liên bang. Ông Gysi còn nhấn mạnh thêm rằng, nhiệm vụ của Quốc hội là kiểm soát hoạt động của các cơ quan mật vụ chứ không phải ngược lại.

Tuy nhiên, hoạt động theo dõi nghị sĩ của mật vụ Đức lại nhận được sự bao che, nếu như không nói là ủng hộ của phe cầm quyền. Như Chủ tịch Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) Hermann Grohe còn công khai yêu cầu cần tiếp tục theo dõi DL do đảng này là nguồn gốc "mối đe dọa nền dân chủ của chúng ta".

Quan điểm trên cũng nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Nội vụ Hans-Peter Friedrich, người không loại trừ khả năng xem xét lại các căn cứ của việc theo dõi các nghị sĩ từ DL. 

Theo các nhà quan sát, chuyện mật vụ theo dõi các nghị sĩ Quốc hội, dù với bất cứ một biện minh nào, chắc chắn là chuyện đi ngược lại quy định của pháp luật.

Đầu tiên, DL là một đảng hợp pháp, đang nắm giữ một tỉ lệ đại biểu có ảnh hưởng đáng kể trong Quốc hội. Trong cuộc bầu cử năm 2009, DL nhận được 11,9% số phiếu bầu, qua đó có được số nghị sĩ nhiều thứ tư trong Quốc hội.

Thứ hai, DL đang có đại diện tại 13 trong tổng số 16 nghị viện địa phương, có mặt trong một loạt cơ quan chính quyền các bang (kể cả Berlin), tham gia vào các chính phủ liên minh. Chưa kể DL còn có các nghị sĩ  trong thành phần Nghị viện châu Âu.

Nhưng điều nực cười nhất là ở chỗ: BfV có trách nhiệm phải thường xuyên báo cáo trước một ủy ban đặc biệt của Quốc hội chuyên trách giám sát các cơ quan mật vụ. Trong ủy ban bao gồm những nghị sĩ có ảnh hưởng quan trọng này còn có Wolfgang Neskovic, một chính trị gia của DL, đảng đang bị BfV theo dõi.

Danh sách các nghị sĩ bị theo dõi được tiết lộ bao gồm gần như toàn bộ giới lãnh đạo cao cấp của DL và các nghị sĩ của họ trong Quốc hội - như Chủ tịch Gregor Gysi và các quan chức phó của ông, Chủ tịch Ủy ban về lao động và các vấn đề xã hội Katja Kipping, các nghị sĩ đại diện của DL về các chính sách liên quan đến châu Âu, ngân sách, đối ngoại, hưu trí v.v… Chiếc lưới giám sát của mật vụ Đức có vẻ "ưu tiên" các nghị sĩ có xuất thân từ Đông Đức cũ.

Được biết, tạp chí có uy tín Spiegel đã khai thác được danh sách các mục tiêu theo dõi của BfV. Chính quyền Đức hiện vẫn chưa có phản ứng thừa nhận, nhưng cũng chưa có tuyên bố bác bỏ về danh sách trên.

Bộ trưởng Nội vụ Friedrich chỉ giải thích, những thông tin trên vẫn đang được giữ bí mật. Cũng theo lý giải của ông này, vụ việc trên chỉ liên quan đến hoạt động "quan sát" chứ không phải theo dõi.

Cụ thể theo như định nghĩa của cơ quan mật vụ, theo dõi được coi là hành động bám sát trực tiếp của các điệp viên, nghe trộm hay sử dụng một số phương tiện chuyên dụng khác. Còn đối với các nghị sĩ Đức, BfV chỉ "quan sát" dựa trên các nguồn thông tin mở như các bài phát biểu, trả lời phỏng vấn v.v…

Nhưng giải thích của người đứng đầu Bộ Nội vụ lại mâu thuẫn hoàn toàn với ý kiến của Hans-Werner Wargel, đứng đầu chi nhánh của BfV tại Hạ Saxonia, người đã thừa nhận trong một bài phỏng vấn rằng, có nhiều khi sử dụng phương tiện của cơ quan mật vụ để giám sát các nghị sĩ cánh tả.

Vụ bê bối theo dõi của BfV (chắc chắn có được sự chấp thuận của hai đảng CDU/CSU cầm quyền) đã phải đón nhận sự phản đối ngay cả từ đối tác của phe Tự do trong cùng liên minh.

Bộ trưởng Tư pháp Sabine Leutheusser-Schnarrenberger từ đảng này, là người nổi tiếng với những chỉ trích gay gắt đối với bất kỳ một hành vi vi phạm pháp luật nào, trong một bài trả lời phỏng vấn của tờ Sueddeutsche Zeitung đã gọi hành động theo dõi các nghị sĩ là điều "không thể dung thứ". Các đại diện cao cấp của đảng Dân chủ Xã hội lại gọi âm mưu trên là "điên khùng và vô lý".

Trên thực tế, không chỉ có các nghị sĩ của DL là đối tượng rình mò của BfV trong Quốc hội Đức. Hãng tin Dapd nhân vụ việc này cũng nhắc lại rằng, đảng Xanh ngay từ năm 2009 đã đưa ra yêu cầu phải công khai chuyện theo dõi của mật vụ.

Theo trả lời của chính phủ khi đó, trong giai đoạn từ năm 1987 đến 2002, phía cơ quan mật vụ đã "để mắt" tới 30 nghị sĩ cánh tả, chưa kể 10 nghị sĩ khác từ đảng Xã hội Dân chủ (SPD) và cả CDU.

Với vụ bê bối mới này, một loạt đại diện các đảng phái và tổ chức đã nhận xét rằng, BfV vẫn hành xử theo tư duy của thời Chiến tranh lạnh, khi vẫn coi nhiệm vụ ưu tiên của họ là theo dõi các chính trị gia cánh tả.

Đó là một nguyên nhân quan trọng khiến họ gặp thất bại trong cuộc chiến với chủ nghĩa cực hữu đang bùng phát rất nguy hiểm. BfV không những không phát hiện ra, mà còn có hiện tượng một số chi nhánh của họ đã che giấu những phần tử tân phát xít từng gây ra nhiều vụ sát nhân khủng bố trong suốt 10 năm qua. Bình luận về tình trạng này, đồng Chủ tịch Jurgen Trittin của đảng Xanh trong Quốc hội Đức đã nhận xét: "Cơ quan mật vụ đã đui mù trong quan hệ với cánh hữu và ngu ngốc trong quan hệ với cánh tả"

Thái Quân (tổng hợp)
.
.