Đức: Củng cố liên minh cầm quyền

Thứ Hai, 25/01/2010, 14:45
Sau một thời gian dài bị chỉ trích trong cách thức điều hành chính phủ bởi chính những thành viên các đảng phái trong liên minh cầm quyền, mới đây Thủ tướng Angela Merkel đã quyết định tổ chức một hội nghị nhằm khai thông những bế tắc trong liên minh cầm quyền mới, đồng thời xua tan những lời đồn thổi về khả năng ra đi của bà.

Theo giới quan sát, sẽ không có gì thay đổi sau hội nghị này vì bà Merkel vẫn tỏ ra là người vượt trội hơn tất cả những ai muốn nhăm nhe tới chiếc ghế Thủ tướng Đức hiện nay.

Sau chiến thắng tại cuộc bầu cử Quốc hội ngày 27/9/2009, đảng CDU (Liên minh dân chủ Công giáo) của bà Merkel đã liên minh với hai đảng khác là Liên minh xã hội Công giáo tại Bavaria (CSU) và đảng Tự do (FDP) để thành lập liên minh cầm quyền mới. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, những bất đồng trong liên minh cầm quyền này ngày càng lớn, thậm chí ngay kể cả trong hàng ngũ đảng CDU cũng có những ý kiến không ủng hộ phong cách lãnh đạo của bà Merkel. Những người chỉ trích bà Thủ tướng cho rằng chính phủ liên minh đang mất dần sự ủng hộ của người dân Đức do hai vấn đề chính. Thứ nhất liên quan tới việc quân đội Đức tham gia chiến trường Afghanistan và thứ hai là chính sách giảm thuế.

Trước hết, liên quan tới hành động gây tranh cãi trong Quốc hội Đức về việc quân đội nước này phạm phải sai lầm tại Afghanistan, ngày 16/12/2009, một ủy ban điều tra Quốc hội đã được thành lập để làm rõ vụ đánh bom thảm khốc tại Afghanistan từng khiến một bộ trưởng và người đứng đầu Bộ Tham mưu quân sự mất chức hồi tháng 9/2009. Vụ đánh bom trên do quân đội Đức tiến hành theo yêu cầu của NATO nhằm triệt hạ những phần tử khủng bố Taliban, đã làm 142 dân thường Afghanistan thiệt mạng.

Sau vụ việc trên, phe đối lập tại Quốc hội Đức cho rằng đó là một "hành động chiến tranh" vì nó đã gây nhiều thương vong nhất được ra lệnh bởi một sĩ quan Đức kể từ sau Thế chiến II. Hành động này đi ngược hoàn toàn với sứ mệnh được Quốc hội Đức đề ra cho quân đội nước này: duy trì hòa bình và tái thiết Afghanistan.

Phe đối lập và báo chí của phe này cho rằng, một số tài liệu liên quan tới các cuộc điều tra về vụ đánh bom của quân đội Đức tại Afghanistan hôm 4/9 đã bị giấu nhẹm. Chính những tiết lộ này đã khiến Tổng tham mưu trưởng quân đội, tướng Wolfgang Schneiderhan, Bộ trưởng Lao động Franz Josef Jung (vốn là Bộ trưởng Quốc phòng vào thời điểm diễn ra vụ đánh bom) và Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Đức, Peter Wichert, buộc phải từ chức.

Từ sau vụ bê bối trên, Thủ tướng Angela Merkel chưa hề có phát biểu chính thức nào. Cho nên phe đối lập và nhiều phương tiện truyền thông Đức được thể càng làm mọi chuyện thêm om sòm. Và chính vì vụ Kunduz mà chiến lược tăng quân của Đức tại Afghanistan hiện cũng đang bị đặt vấn đề. Không chỉ có phe đối lập mà ngay cả trong hàng ngũ liên minh cầm quyền cũng bắt đầu có những ý kiến phản bác mạnh mẽ chính sách của Thủ tướng Merkel, xuất phát từ việc Chính phủ Berlin đang xem xét gửi thêm quân tới Afghanistan. Về mặt chính thức, Berlin muốn chờ kết quả Hội nghị quốc tế về Afghanistan, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 1/2010, mới đưa ra quyết định có nên tăng cường thêm quân hay không.

Tuy nhiên, Horst Seehofer, Chủ tịch đảng CSU (đối tác chủ chốt trong liên minh cầm quyền với đảng CDU) là người đầu tiên lên tiếng phản đối kế hoạch tăng quân Đức tại Afghanistan. Sự không đồng ý của người đứng đầu một đảng phái lớn trong liên minh cầm quyền đang khiến Thủ tướng Merkel và Bộ trưởng Quốc phòng, Karl-Theodor zu Guttenberg, lúng túng hơn bao giờ hết và thổi bùng lên cuộc tranh luận về chính sách quân sự của Đức, điều mà bà Merkel muốn trì hoãn càng lâu càng tốt.

Sự dồn nén những bất đồng quan điểm trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Merkel còn được tích tụ thêm bởi những tranh cãi về chính sách thuế. CDU/CSU và FDP bất đồng về quy mô và thời điểm cắt giảm thuế, cách thức hạn chế thâm hụt ngân sách và một số đề xuất của FDP nhằm tạo điều kiện để các công ty tuyển và sa thải nhân công dễ dàng hơn.

Theo bà Merkel, chính phủ sẽ thực hiện cam kết tranh cử của CDU/CSU là giảm thuế tới 22,03 tỉ USD trong 4 năm tới, để kích thích sự phục hồi kinh tế, đồng thời giải quyết vấn đề cơ hội việc làm. Tuy nhiên, bà Merkel không đưa ra thời gian biểu cụ thể do vấn đề tài chính công chưa mạnh.

Trong khi đó, FDP muốn giảm thuế tới 35 tỉ euro và đã thể hiện quyết tâm xúc tiến kế hoạch này. FDP cũng yêu cầu cắt giảm chi tiêu nhà nước để kiểm soát thâm hụt ngân sách, có thể lên đến 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức vào năm 2010. Ngoài ra, trong một diễn biến khác, đảng FDP còn phản đối các gói kích thích kinh tế "quá hào phóng" của chính phủ. Nếu bà Merkel không giải quyết được những yêu sách trong nội bộ chính phủ của mình thì vô hình trung sẽ hình thành một sự chia rẽ chính trị ở Đức.

Sau nhiều tháng im hơi lặng tiếng, bà Angela Merkel, uy tín có phần giảm sút, đã bắt đầu lên tiếng kêu gọi lập lại trật tự trong liên minh cầm quyền. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất, 52% số người được hỏi cho rằng bà Merkel cần điều hành nội các cứng rắn hơn. Trong khi 61% cho rằng chính phủ liên minh bảo thủ - tự do đã khởi động không được tốt.

Sau cuộc gặp gần 3 tiếng đồng hồ tối 17/1 vừa qua với lãnh đạo các đảng trong liên minh cầm quyền, Thủ tướng Merkel dường như đã tìm được thỏa hiệp với hai đảng CSU và FDP bằng tuyên bố hoãn thực thi kế hoạch cải tổ chính sách thuế đến đầu năm 2011. Và như để ăn mừng cho chiến thắng này, thay vì nhâm nhi ly cà phê trong Phủ Thủ tướng, 3 người đứng đầu 3 đảng trong liên minh cầm quyền đã có buổi đại tiệc trong một nhà hàng ở Berlin.

Tuy nhiên, báo chí Đức ngày hôm nay vẫn tỏ ra nghi ngờ về kết quả này và cho rằng chỉ với vài tuyên bố ngắn ngủi sau cuộc gặp trên, những bất đồng trong liên minh cầm quyền tại Đức sẽ chưa thể kết thúc trong êm thấm như thế

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.