Đức: Triển khai hệ thống dữ liệu chống khủng bố

Thứ Ba, 19/09/2006, 08:00
Chính phủ Đức đã đồng ý triển khai những nỗ lực chống khủng bố của họ bằng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc nội khổng lồ mới. Hệ thống này được mong đợi sẽ giúp báo động cho các cơ quan cấp nhà nước và liên bang về những đối tượng được xem như mối đe dọa tiềm năng.

Các viên chức an ninh hữu quan hy vọng thông tin đến từ hệ thống mới thiết lập này cho phép ngăn chặn hay ít ra là giảm thiểu được những vụ tấn công khủng bố trong tương lai.

Chỉ 3 tuần sau một âm mưu đánh bom bất thành các chuyến tàu khu vực Đức của một số tên khủng bố người Liban, các viên chức an ninh nội vụ liên bang và quốc gia Đức hồi tuần qua đã nhất trí cao với một dự luật kiến tạo một hệ thống CSDL – giúp các viên chức an ninh “chộp trúng” những tên khủng bố tiềm năng trước khi chúng kịp ra tay. Việc thành lập một hệ CSDL như thế từng là chủ đề gây tranh luận sôi nổi tại Đức kể từ sau những vụ khủng bố nhằm vào nước Mỹ (ngày 11/9/2001) gây chấn động cả thế giới.

Không chỉ tranh luận, cuộc chạy đua chống khủng bố của các quốc gia phương Tây càng ráo riết hơn, khi các âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào công chúng tại những nơi công cộng ngày càng chứng tỏ mức độ tinh vi và thâm độc của chúng, tuy rằng những kẻ chủ mưu ngày càng bị dính lưới an ninh chống khủng bố nhiều hơn.

Ông Wolfgang Schauble, Tổng trưởng Nội vụ Liên bang, phát biểu với Đài Phát thanh Đức ARD: “Đây là một ngày tốt lành cho cuộc chiến chống khủng bố. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, và hiện nay chúng ta cần có một giải pháp chống khủng bố căn cơ và mang tính lập hiến hơn. Giải pháp mới này thuyết phục được tất cả các quan chức ngành an ninh nội vụ của từng tiểu bang nước Đức. Thông qua thỏa thuận đạt được bởi Bộ Nội vụ Đức và các Tổng trưởng nội vụ tại 16 tiểu bang nước Đức, tên họ, ngày sinh và địa chỉ của những tên nghi can khủng bố sẽ được đưa vào hệ thống CSDL giúp các cơ quan tuần tra biên phòng, tình báo và hành pháp dễ truy cập nhất”.

Điểm cần bàn luận chính trong dự luật này là CSDL có nên ghi thêm cột tôn giáo của đối tượng bị theo dõi hay không – một trong những vấn đề nhạy cảm nhất nếu xét trên phương diện lịch sử Thế chiến II của nước Đức. Tuy nhiên, theo quy ước, thông tin nhạy cảm đó sẽ không được cấp trong CSDL truy cập trực tiếp. Điều đó có nghĩa là các viên chức có thể yêu cầu bổ sung thông tin phụ từ các cơ quan khác, chẳng hạn “tư cách thành viên trong các tổ chức khủng bố, tình trạng sở hữu vũ khí - dữ liệu viễn thông - Internet, tài khoản ngân hàng và các hộp ký quỹ an toàn, hoàn cảnh gia đình, tôn giáo, học vấn, báo mất thẻ nhận dạng và chi tiết đi du lịch nước ngoài”.

Thông tin đó tất nhiên bao gồm cả những tiết lộ đối tượng có qua huấn luyện tại một trại bọn khủng bố Al-Qaeda trong thời gian nào hay không. Ông Schauble, thuộc đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo bảo thủ, nói rằng thỏa hiệp mới sẽ không xâm phạm luật bảo vệ dữ liệu riêng tư của nước Đức. Tự thân hệ thống CSDL cho phép các cơ quan tình báo, an ninh và cảnh sát Đức trao đổi thông tin nhanh chóng. Những cơ quan này hy vọng, trong những khoảnh khắc trước khi những vụ tấn công khủng bố xảy ra, họ có thể can thiệp kịp thời, chặn đứng và bắt giữ bọn khủng bố tiềm ẩn.

Để trấn an giới chỉ trích, nhiều giới hạn quan trọng đã được đặt ra đối với việc xử lý CSDL. Chẳng hạn, một khi hầu hết những người có thể sử dụng CSDL sẽ bị hạn chế truy cập thông tin bổ sung (luôn bị đặt trong tình trạng giấu kín) thì chính cảnh sát viên cũng bị cấm truy cập. Thật vậy, đa số trường hợp “được phép” phải là trưởng một cơ quan điều tra, khi yêu cầu truy cập phải nêu rõ lý do, nếu chính đáng mới (chẳng hạn chống khủng bố) được cấp thông tin.

Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp (nguy cơ khủng bố quá cao), một số thủ tục cung cấp dữ liệu thông tin ẩn sẽ được cân nhắc theo hướng nhanh hơn. Dự luật theo mong đợi sẽ được nội các của Thủ tướng Đức Angela Merkel thông qua vào tháng 10-2006, trước khi đem ra bỏ phiếu tại Nghị viện Đức. Nếu mọi việc suôn sẻ, dự luật này sẽ được thi hành kể từ đầu năm sau

Lê Đoàn (Tổng hợp)
.
.