Đừng nhìn Cảnh sát Giao thông như thế!

Thứ Tư, 03/06/2009, 23:45
Trong các "binh chủng" của Lực lượng Công an, có lẽ Cảnh sát Giao thông (CSGT) là bị dân và báo chí "soi" nhiều nhất. Cũng là điều dễ hiểu bởi đây là lực lượng hàng ngày trực tiếp ra đường tiếp xúc, va chạm với dân.

Cảnh sát Giao thông - Nghề nguy hiểm

Mọi người vẫn chỉ nhìn CSGT bằng con mắt tiêu cực, nào là CSGT "ăn" tiền mãi lộ, CSGT đánh dân, CSGT... không thuộc luật. Những hiện tượng này là có, nhưng chỉ nhìn CSGT như thế thì thật không công bằng. Với thực tế đường sá chật chội, phương tiện giao thông ngày càng nhiều và đặc biệt là ý thức của người tham gia giao thông còn rất kém như hiện nay. Vì vậy, CSGT ngày càng vất vả và trở thành "nghề nguy hiểm".

Cho tới bây giờ, nhiều người chắc vẫn chưa quên màn "diễn xiếc" của Thượng sĩ Nguyễn Việt Anh, chiến sĩ Đội CSGT số 3 - Phòng CSGT Hà Nội vào ngày 12/6/2007. Sau khi ra hiệu lệnh dừng chiếc xe taxi vượt đèn đỏ, tài xế taxi thay vì chấp hành lệnh đã phóng xe đâm thẳng vào CSGT khiến Thượng sĩ Nguyễn Việt Anh phải nhảy lên nắp capô.

Nhưng gã tài xế "điên" này vẫn tiếp tục nhấn ga chạy tiếp với mục đích hất Thượng sĩ Việt Anh xuống đường để bỏ chạy. Chỉ tới khi những người đi đường cùng vây lại, gã mới chịu dừng.

Màn "xiếc" bất đắc dĩ của CSGT Nguyễn Việt Anh.

Tưởng rằng đây chỉ là chuyện "có một không hai", nhưng mới đây thôi, cảnh này lại tái diễn trên Quốc lộ (QL) 1A. Sáng 10/5/2009, trong khi đang làm nhiệm vụ trên tuyến QL1A (đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ), Tổ CSGT gồm 3 đồng chí đã ra hiệu lệnh dừng xe đối với xe ôtô BKS 99K-3299 vi phạm chạy quá tốc độ. Đồng chí Thiếu tá Trần Minh Thu (Tổ trưởng) đến kiểm tra xe ôtô thì bất ngờ, người lái xe tăng ga đâm thẳng vào đồng chí Thu làm đồng chí Thu phải nhảy lên nóc capô xe.

Lái xe chẳng những không dừng lại mà còn phóng nhanh hòng tẩu thoát. Bằng các biện pháp nghiệp vụ và được sự hỗ trợ của nhân dân, đồng đội, sau quá trình truy đuổi khoảng hơn 500m tổ CSGT đã khống chế chiếc xe vi phạm. Tại Cơ quan Công an, đối tượng lái xe đã khai nhận là Nguyễn Xuân Thành (thường trú tại Đông Anh, Hà Nội). Khi kiểm tra, Thành không xuất trình được bằng lái hay bất kỳ giấy tờ nào về xe ôtô.

Ngoài những vụ việc hy hữu như trên, có một thực tế đáng báo động là người vi phạm giao thông ngày càng manh động, vì vậy tình trạng CSGT trong khi làm nhiệm vụ bị người vi phạm giao thông chống đối, hành hung ngày càng trở nên phổ biến.

Không chỉ bị người vi phạm giao thông chống đối, có trường hợp CSGT còn bị người bị tai nạn hành hung. Ngày 2/5, tại địa bàn huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa 2 xe máy làm 4 người bị thương, phải nhập viện. 

Nhận được tin, đồng chí Phạm Văn Hiển, CSGT Công an huyện Yên Châu, đến Bệnh viện huyện để điều tra xác minh làm rõ nguyên nhân. Khi tới nơi, anh Hiển bị Nguyễn Mạnh Thanh - một nạn nhân trong vụ tai nạn, đấm, đá liên tục vào mặt, người làm anh Hiển ngã gục ngay trước cửa phòng cấp cứu của bệnh viện...

Thống kê của C26 cho thấy tình trạng chống lại người thi hành công vụ đã trở thành một loại tội phạm khá phổ biến đối với lực lượng CSGT khi đang thi hành nhiệm vụ. Từ năm 2003 đến tháng 8/2007, toàn quốc xảy ra 309 vụ chống lại lực lượng CSGT làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), làm 5 đồng chí hy sinh, 183 đồng chí bị thương; lực lượng chức năng đã bắt giữ 323 đối tượng. Tuy nhiên, nếu tính tới thời điểm này, con số ấy còn lớn hơn nhiều.

Cần sự đánh giá khách quan với CSGT

Không thể phủ nhận, trong đội ngũ CSGT vẫn tồn tại một số cá nhân yếu kém về kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp. Những trường hợp như vậy nếu đúng sự thực cũng chỉ là con số rất nhỏ trong lực lượng CSGT. Tuy nhiên, có một thực tế là, người ta chỉ để ý đến một vài vụ việc đình đám rồi đưa ra cái nhìn thiếu thiện cảm với những chiến sĩ CSGT. Nếu  thử đứng ngoài trời giữa mùa hè nắng tới gần 400 suốt cả một ca trực với CSGT chắc chắn sẽ nhìn CSGT với con mắt... thiện cảm hơn.

Thực tế những năm qua, ngoài việc duy trì TTATGT, CSGT còn trực tiếp tham gia duy trì trật tự an toàn xã hội. Trong 20 năm qua (1987 - 2007), thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT đã bắt 18.032 tên tội phạm. Đã kiểm tra phát hiện lập biên bản 95.536 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng trốn thuế gian lận thương mại...

Nếu nói rằng giao thông ở Việt Nam lộn xộn, nhốn nháo nhất thế giới thì có lẽ cũng không có người phản đối. Trung bình hàng năm, đăng ký mới ôtô tăng 12%, môtô tăng 15% đến 17% so với năm trước, trong khi hạ tầng giao thông tăng không đáng kể, dẫn đến mật độ phương tiện tham gia giao thông ngày càng dày đặc, nhất là ở các thành phố lớn và các tuyến quốc lộ trọng điểm gây nên tình trạng phức tạp về TTATGT.

Nhưng, sâu xa hơn, thì phải nói ý thức của người tham gia giao thông mới là nguyên nhân chính. Thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho thấy vi phạm của người tham gia giao thông còn mang tính phổ biến, chủ yếu là các hành vi vi phạm về tốc độ, tránh vượt sai, vi phạm phần đường, làn đường, điều khiển xe sau khi sử dụng rượu bia, chở quá số người quy định, đặc biệt là xe ôtô chở khách, chở quá tải, không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy (từ khi thực hiện Nghị quyết 32/CP việc chấp hành đội mũ bảo hiểm đã tự giác hơn). Vì vậy, vào thời điểm này vẫn rất cần đội ngũ CSGT trên đường phố để đưa những văn hóa, ý thức cố hữu kia thích nghi và tuân thủ một cách nghiêm túc với luật pháp nhà nước.

Bảo đảm TTATGT là sự nghiệp của toàn dân chứ không phải của riêng CSGT. Vì vậy, để giảm thiểu tối đa va chạm giữa CSGT với người tham gia giao thông thì điều quan trọng nhất là ý thức của người tham gia giao thông phải được nâng lên.

Để hạn chế tiêu cực, lực lượng CSGT cũng đã có chủ trương tích cực đấu tranh chống mọi biểu hiện sai phạm để CSGT thực sự là những người đưa kỷ cương và sự tôn trọng luật pháp - một thứ văn hóa mà rất nhiều  người Việt Nam vẫn còn chưa mấy bận tâm

Nguyễn Bá Tám (Khoa CSGT - Trường Trung cấp CSND1)
.
.