EU hoài nghi về khả năng lãnh đạo liên minh của Séc

Thứ Sáu, 16/01/2009, 11:00
Từ ngày 1/1/2009, Cộng hòa (CH) Séc chính thức đảm nhận chức vụ Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) đến hết tháng 6/2009. Phần lớn báo chí châu Âu đều tỏ ra hoài nghi về khả năng lãnh đạo một EU đang bị khủng hoảng thể chế và kinh tế của CH Séc, một quốc gia vốn không tin tưởng mấy vào EU.

Nhiệm vụ sắp tới của CH Séc được báo hiệu nhiều cam go vì hiện tại Praha không chỉ đối mặt với những phân rẽ chính trị nội bộ mà còn cả với những thách thức quốc tế lớn.

Sẵn sàng lâm trận

Phát biểu với báo giới trước ngày nhận chức Chủ tịch luân phiên EU từ tay Pháp, Trưởng đoàn Ngoại giao CH Séc cho rằng Chính phủ Séc, sau hai năm chuẩn bị kỹ càng, đã sẵn sàng tiếp nhận trọng trách này. 4 mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Séc trong 6 tháng nhiệm kỳ này là kinh tế, năng lượng, châu Âu và thế giới.

Mặc dù vậy, đối với một quốc gia thành viên EU chưa đầy 5 năm lại không thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu và chưa thông qua Hiệp ước Lisbonne (Hiến pháp EU) như CH Séc thì dù chuẩn bị kỹ đến mấy nhiệm vụ Chủ tịch luân phiên EU không hề đơn giản. "Đây giống như lần thứ hai chúng tôi gia nhập EU"- Ngoại trưởng Séc cho biết.

Chính phủ Séc đã bắt đầu công tác chuẩn bị đón nhận chức vụ Chủ tịch luân phiên EU từ năm 2006. Hơn 1.500 người đã được huy động và chi phí khoảng 72 triệu euro (trong khi Pháp phải tốn 190 triệu euro). Từ nay đến tháng 6/2009 sẽ có khoảng 300 cuộc họp và hội nghị diễn ra trên khắp lãnh thổ Séc và đây là cách mà giới chức Praha cho là để giới thiệu hình ảnh Séc với thế giới.

Trong vài tuần tới, Séc sẽ tổ chức khoảng 15 hội nghị cấp bộ châu Âu và khoảng 30 hội nghị khác với ngân sách 124,5 triệu euro. Người Séc cũng hy vọng tổ chức hội nghị đầu tiên có sự hiện diện của tân Tổng thống Mỹ Barack Obama, bàn về kế hoạch kết nạp thành viên mới thuộc khu vực Đông Âu.

Lễ chuyển giao chính thức quyền Chủ tịch luân phiên EU giữa Pháp và CH Séc sẽ diễn ra ngày 7/1 tới đây với một đêm gala tại Nhà hát Quốc gia Praha.

Hoài nghi

Việc đảm nhiệm chức vụ này đối với Thủ tướng Mirek Topolanek là rất khó khăn sau khi hình ảnh của Séc không mấy tạo được ấn tượng tốt tại Brussels do quan điểm hoài nghi về EU của Tổng thống CH Séc Vaclav Klaus. Tháng 12/2008, chuyến thăm Praha của Chủ tịch Nghị viện EU Hans Pottering đã xảy ra một sự cố ngoại giao giữa phái đoàn châu Âu và Tổng thống Klaus. Từ đó đến nay, CH Séc đã tìm mọi cách để làm dịu những lo ngại về khả năng chèo lái con thuyền EU đang trong tình trạng khủng hoảng kinh tế và thể chế.

Ngoài ra, tình hình quốc tế hiện nay cũng rất phức tạp: khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới, vấn đề khu vực Trung Đông, cuộc xung đột khí đốt giữa Nga và Ukraina... nên vai trò lãnh đạo EU của Séc trong thời gian tới bị nhiều giới truyền thông săm soi.

Tờ tuần báo Pháp Le Courrier cho rằng vấn đề chính trị nội bộ của Séc hiện đang có vấn đề thì làm sao có thể làm tốt được công việc của cả châu Âu. Tờ báo này dẫn chứng rằng Tổng thống CH Séc Vaclav Klaus từng khẳng định rằng Chủ tịch EU chẳng qua chỉ là một chức vụ bình thường, nếu không muốn nói là bù nhìn vì thực chất theo ông việc lãnh đạo EU là do các nước lớn.

Tuy nhiên, Le Courrier lại cho rằng một quốc gia thành viên dù lớn mạnh cũng chưa chắc đảm bảo tốt vai trò lãnh đạo. Bằng chứng là sáng kiến về Hiến pháp mới của EU lại xuất phát từ một thành viên nhỏ, Bồ Đào Nha và nay hiến pháp này có tên gọi Hiệp ước Lisbonne.

Đúng vào ngày Séc nhận chức Chủ tịch luân phiên EU, không giống như tất cả các tòa nhà công khác, Phủ Tổng thống Klaus không treo cờ EU đúng như ông này từng tuyên bố cách đây vài tuần.

Chưa hết, tờ Le Courrier còn cho biết Chính phủ Séc hiện giờ vẫn chưa thể xác định được quan điểm quốc gia đối với EU, đảng phái lớn nhất hiện nay tại Séc là ODS cũng đang bị chia rẽ, tổng thống thì luôn xung đột với thủ tướng. Trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu dịu bớt, EU đang cần một đầu tàu mạnh về mọi mặt để kéo con tàu này ra khỏi vùng giông bão.

Tuy nhiên, do Séc chưa là thành viên của khu vực đồng tiền chung châu Âu nên các cuộc thảo luận về kinh tế trong thời gian tới của khối này được dự báo sẽ tổ chức tại các nước thành viên sử dụng đồng euro.

Thử thách quốc tế đầu tiên của Séc với vai trò Chủ tịch luân phiên Eu là cuộc xung đột tại Trung Đông và vấn đề khí đốt giữa Nga và Ukraina. Một vấn đề lớn khác là việc Nga vừa tuyên bố ngưng cung cấp khí đốt cho Ukraina hôm 1/1 vừa qua. Điều này sẽ gây ra những thay đổi lớn đối với vấn đề năng lượng tại châu Âu.

"CH Séc là một quốc gia trung bình, nên kỳ chủ tịch luân phiên lần này sẽ không thể bằng kỳ chủ tịch vừa qua của Pháp" - Phó thủ tướng Séc Alexandr Vondra thừa nhận. Tuy nhiên, ông này cũng cho rằng: "Khi bị đánh giá thấp, người ta dễ dàng làm lên điều ngạc nhiên nhưng nếu được đặt quá nhiều kỳ vọng và khi chúng tôi không đạt được thì đó mới là điều đáng sợ".

Thực lòng các nước thành viên của EU đều không muốn Séc làm chủ tịch khối này trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đây là nguyên tắc nên không thể không chấp nhận. Người ta chỉ còn biết hy vọng CH Séc sẽ đảm nhận tốt chức vụ này, miễn sao EU không có vấn đề gì xảy ra trong thời gian tới.

Ngoài vấn đề khủng hoảng kinh tế và thể chế trong EU, lo sợ chính của Thủ tướng Topolanek trong 6 tháng tới là những tình huống quốc tế bất ngờ yêu cầu một khả năng phản ứng nhanh, một hành động tức thì và một chính sách ngoại giao mềm dẻo

Nguyễn Bảo (Tổng hợp)
.
.