EU kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ hay không?

Thứ Tư, 15/06/2005, 07:27
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 16 và 17/6/2005, Ngoại trưởng Anh Jack Straw vẫn nhấn mạnh, EU tiếp tục xem xét vấn đề kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ theo đúng lịch trình vào ngày 3/10. Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ được gia nhập EU hay không vẫn còn nhiều cản trở.

Việc đưa Thổ Nhĩ Kỳ (dân số 70 triệu) vào bản đồ EU sẽ mở rộng biên giới liên minh này đến IranSyria. Với nhiều công dân châu Âu, sự hiện diện của Thổ là điều “hơi kỳ kỳ”. Chỉ có "cái đầu" ngoảnh lên châu Âu lục địa còn "phần thân" vẫn nằm ở châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ có nền văn hóa đậm Á hơn Âu. Họ theo Hồi giáo trong khi hầu hết châu Âu theo Công giáo. Những nhóm chính khách châu Âu nói chung thuộc cánh hữu vốn lâu nay dị ứng đặc biệt với làn sóng di dân - chủ yếu người Hồi giáo - càng không ủng hộ tư cách thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Đúng như nhà phân tích Bulent Aliriza thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Washington DC) nói: “Có một thái độ chống nhập cư và chống Hồi giáo phổ biến ở châu Âu. Sự kết hợp Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quyết định quan trọng nhất và nhiều người châu Âu đang có cảm giác rằng quyết định này là thứ mà họ nuốt không nổi”. Cùng lúc, thành phần ái quốc Thổ Nhĩ Kỳ cũng không muốn đất nước họ bị cột vào cỗ xe EU.

Một cách tổng quát, việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU thật ra chỉ là ý đồ thuần túy của một số chính trị gia chóp bu. Dù là quốc gia Hồi giáo nhưng Thổ Nhĩ Kỳ (thành viên NATO) là đồng minh sống chết của phương Tây. Thập niên 1990, Thổ giúp Mỹ theo dõi Saddam Hussein, bảo vệ người Kurd-Iraq và đồng ý cho Mỹ lập căn cứ không quân trên lãnh thổ họ. Sau sự kiện khủng bố nước Mỹ 11/9/2001, Thổ Nhĩ Kỳ là cứ điểm chiến lược cho quân đội đồng minh tấn công Afghanistan...

Xét riêng yếu tố nội bộ, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang gặp rào cản, ít nhiều mang tính lịch sử. Năm 1923, Mustafa Kemal (được gọi là “Ataturk” - “cha đẻ của tất cả người Thổ”) thành lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, hủy bỏ chế độ quân chủ, thiết lập chế độ chính trị thế tục, thay chữ Arập bằng chữ Latin, giải tán tòa án tôn giáo...

 

Tuy nhiên, Hiến pháp Thổ có những điều khoản cho phép quân đội được quyền bảo vệ giá trị di sản Kemal. Cho nên, vai trò quân đội trong chính trường Thổ Nhì Kỳ là rất đáng kể. Cụ thể, Hiến pháp yêu cầu Nội các phải “xem xét thận trọng các quyết định” của Hội đồng an ninh quốc gia (NSC). Dù Chủ tịch NSC là tổng thống nhưng Hiến pháp 1982 quy định thành viên NSC phải là sĩ quan quân đội.

Do vậy, tướng nhà binh mạnh hơn chính trị gia trong những vấn đề liên quan đối sách quốc gia là điều thường thấy ở Thổ. Đã có bốn vụ chính biến mà quân đội trực tiếp tham gia. Cánh nhà binh từng lật đổ ba thủ tướng từ năm 1960 đến nay; và năm 1997, họ đã “điều hành” một vụ “cưỡng bức chính trị” khiến đảng Phúc lợi Hồi giáo (REFAH) bị rời khỏi chính trường. Tuy nhiên, cũng cần nói rõ rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xem họ là những người bảo vệ hơn là lãnh đạo nên sau các cuộc can thiệp, họ đều trao quyền lực lại cho phe dân sự.

Còn nhiều chi tiết dài dòng nhưng có thể tóm lược rằng vấn đề lớn đối với chính trị Thổ hiện tại (liên quan đến việc gia nhập EU) là những cản trở của cánh quân đội trong chiến dịch cải cách của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan (vừa gặp Tổng thống Bush tại Nhà Trắng hôm 8/6), cốt để chứng tỏ Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm gia nhập EU. Trong khi đó, không ít viên chức cấp cao quân đội thậm chí không muốn Thổ Nhĩ Kỳ quá thân thiện với Mỹ. Bản thân lịch sử EU cũng không mấy mặn mà với Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 1963, Thổ và Cộng đồng châu Âu (tiền thân EU) đã ký Hiệp ước liên kết nhưng Thổ không chính thức xin gia nhập EU cho đến năm 1987. Tuy nhiên, người ta bắt đầu dè chừng. Cuối thập niên 1990, trong Hội nghị Thượng đỉnh EU, Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker đã từng nói: “Một quốc gia (như Thổ) nơi mà tình trạng tra tấn còn phổ biến không thể có một ghế ở cái bàn Liên minh châu Âu”.

Jacques Delors - Chủ tịch Ủy ban châu Âu từ 1985-1995; cựu Tổng thống Pháp Valéry Giscard d'Estaing và nhiều lãnh đạo châu Âu khác cũng phản đối sự gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ. Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã “chiều” EU khá nhiều. Họ đã ký Điều 6 và 13 trong Hiệp ước châu Âu về nhân quyền; hủy bỏ án tử hình; áp dụng nhiều giải pháp tăng cường tính độc lập của bộ máy tư pháp; ngưng tra tấn tù nhân (hình sự lẫn chính trị)...

Dù vậy, việc phân bổ quyền lực giữa cánh dân sự và phe quân đội vẫn là vấn đề khó khăn trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong báo cáo tháng 3-2004, Hội đồng các vấn đề đối ngoại EU đã nhấn mạnh đến sự cần thiết cải cách hơn nữa, khi Thổ vẫn nằm dưới sự điều hành của “quyền lực rộng lớn một cách không chính đáng” của quân đội...

Thế cho nên, trở ngại còn nhiều lắm. Có khả năng việc bàn thảo tư cách thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 10/2005 sẽ kết thúc trong tình trạng không ngã ngũ

Mạnh Kim (Tổng hợp)
.
.