EU mở “hầu bao” chống dịch

Thứ Hai, 13/04/2020, 11:53
Họp tới lần thứ ba, tối 9-4, Bộ trưởng Tài chính của 27 nước Liên hiệp châu Âu (EU) mới đạt được thỏa thuận về phản ứng kinh tế chung ứng phó dịch bệnh COVID-19. Như vậy, 540 tỷ euro sẽ được huy động để giúp các nước cùng vượt qua giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” này.

Khác biệt đã được thống nhất

Thỏa thuận khẳng định sự đoàn kết và quyết tâm của các nước trong khu vực nhằm sớm vượt qua khủng hoảng bệnh dịch. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói rằng sự kiện này đánh dấu một ngày quan trọng đối với EU. Giữa đại dịch COVID-19, sự bế tắc trong các cuộc thảo luận về kế hoạch phục hồi được coi là mối đe dọa đối với sự gắn kết của khu vực đồng euro và nguy cơ tách khỏi EU.

Như dự tính, 540 tỷ euro tiền khẩn cấp ứng phó COVID-19 gồm 240 tỷ euro tiền vay từ Quỹ Cứu trợ khu vực đồng tiền chung euro, Quỹ Bảo lãnh vay 200 tỷ euro của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cho các doanh nghiệp và quỹ bảo lãnh tối đa 100 tỷ euro của Ủy ban châu Âu để hỗ trợ thất nghiệp một phần.

Kinh tế các nước châu Âu đang đi vào khủng hoảng trầm trọng.

Bộ trưởng Kinh tế Italy Roberto Gualtieri, nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch với hơn 18 nghìn người chết, hoan nghênh thỏa thuận này, cho đây là “một đề xuất đầy tham vọng” và Italy sẽ quyết tâm vượt qua khủng hoảng. Còn Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đánh giá thỏa thuận đạt được trong tối 9-4 đánh dấu “một ngày tuyệt vời cho sự đoàn kết của châu Âu.”

Trong 2 cuộc họp trước, bất đồng giữa các nước thành viên EU nảy sinh giữa Italy và Hà Lan đã ngăn cản thỏa thuận đạt được. Mâu thuẫn giữa hai nước là về các điều kiện gắn với kế hoạch cứu trợ nhằm giúp các nước vượt qua đại dịch và điều này đã ngăn cản tiến trình đạt được thỏa thuận trên. Italy và Tây Ban Nha kêu gọi tất cả các nước thành viên EU huy động nhiều chục tỷ euro để hỗ trợ cho kế hoạch phục hồi khổng lồ.

Trong khi đó, Đức và Hà Lan phản ứng thận trọng hơn bằng cách đề xuất sử dụng quỹ cứu trợ hiện nay của Eurozone còn gọi là Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) và cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ hơn thông qua Ngân hàng Đầu tư châu Âu. Quỹ này hiện có khoảng 410 tỷ euro (443 tỷ USD).

Không thể chờ đợi thêm

Tuy nhiên, theo thỏa thuận đạt được ngày 9-4, không có quyết định nào được đưa ra đối với việc phát hành trái phiếu “coronabonds” do Italy đề xuất nhằm hỗ trợ các nền kinh tế khu vực trong dài hạn sau khủng hoảng dịch bệnh. Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, một số nước tin rằng đề xuất phát hành nợ chung là công cụ kinh tế hiệu quả nhất. Vấn đề này sẽ được thỏa thuận thêm.

Trước đó, trước thềm cuộc họp lần thứ hai của nhóm Eurogroup vào ngày 9-4, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã nhắc lại quan điểm của chính phủ nước này đối với các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh COVID-19 gây ra là nếu EU không thể đưa ra được giải pháp chung, Italy sẽ phải tự hành động.

Thủ tướng Conte khẳng định: “Nếu châu Âu không đưa ra được các công cụ tài chính để đối phó với thách thức hiện nay, chẳng hạn như Eurobond, Italy sẽ buộc phải đối mặt với tình huống khẩn cấp và tái khởi động bằng chính nguồn lực của mình”. Ông Conte cho biết hành động đơn phương như vậy có thể sẽ ảnh hưởng tới toàn khối EU, “các phản ứng của các quốc gia riêng lẻ sẽ kém hiệu quả hơn so với hành động phối hợp chung của cả châu Âu và có thể gây nguy hiểm cho giấc mơ châu Âu”.

Hội nghị theo hình thức trực tuyến kéo dài xuyên đêm và căng thẳng.

Lợi suất trái phiếu của Chính phủ Italy đã giảm vào ngày 9-4. Trước đó, lợi suất trái phiếu của nước này đã tăng lên mức cao nhất trong 3 tuần do các nhà đầu tư chờ đợi để xem liệu các bộ trưởng tài chính châu Âu có thể đồng ý về gói giải cứu kinh tế hay không.

Trước mỗi khó khăn của EU, Đức luôn là “anh cả” tiên phong, lần này, sự hào phóng ấy cũng lại được thấy rõ. Phát biểu với báo giới tại Berlin trước thềm cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Eurozone nhằm thảo luận một kế hoạch cứu trợ kinh tế cho khu vực, Thủ tướng Merkel cho rằng EU đang đứng trước thử thách lớn nhất kể từ khi ra đời. Bà nêu rõ: “Chúng ta có một thách thức lớn về y tế đang ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia thành viên dù theo những cách khác nhau”.

Bà nhấn mạnh điều quan trọng là EU cần mạnh mẽ vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế do tác động của dịch COVID, đồng thời khẳng định Đức “sẵn sàng đóng góp” để thúc đẩy liên minh. Thủ tướng Merkel cũng kêu gọi châu Âu phải “tự chủ” trong sản xuất khẩu trang hoặc ít nhất là “tạo ra một trụ cột trong hoạt động sản xuất khẩu trang” ở Đức hoặc một nước nào đó trong EU.

Nhiều nước EU phải đóng cửa biên giới vì đại dịch Covid-19.

Đức hiện nay cũng bị tác động rất lớn từ dịch, COVID-19 sẽ khiến nền kinh tế Đức ghi nhận mức giảm hàng quý mạnh nhất kể từ năm 1970, trong khi tỷ lệ thất nghiệp và nợ công tăng mạnh. Nền kinh tế Đức sẽ sụt giảm nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020 sụt giảm 4,2%, trong đó riêng quý I giảm 1,9% và quý tiếp theo sụt giảm tới 9,8%. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất tính theo quý kể từ năm 1970 ở Đức và giảm gấp đôi so với quý I/2009 khi khủng hoảng tài chính thế giới hoành hành.

Một lần nữa, “tòa nhà EU” được xây dựng một cách bền bỉ từ năm 1957 đến nay lại bị chao đảo. Nhà triết học và sử gia người Hà Lan Luuk van Middelaar nhận định vẫn còn khá sớm để khẳng định EU đang phải đối mặt với mối nguy hiểm thực sự nghiêm trọng. Ông cho rằng châu Âu cần phải tổ chức và quy tụ các ý kiến và đôi khi phải cho mình thời gian.

Trong cuộc khủng hoảng đồng euro giai đoạn 2010-2012, cứ sau 3 tuần, người ta lại tuyên bố rằng EU “bị kết án tử hình” và mọi người đã lạm dụng lặp lại từ “cuộc khủng hoảng về sự tồn vong” nhiều lần khi đó. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, EU đã học được cách ứng biến và tìm ra giải pháp trước áp lực của các sự kiện, thỏa thuận đạt được ngày 9-4 sau bao “sóng gió” đã minh chưng điều đó.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.