EU sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc?

Thứ Năm, 29/09/2005, 09:46

Được áp đặt từ năm 1989 sau sự kiện Thiên An Môn, lệnh cấm vận vũ khí mà Liên minh châu Âu (EU) "dành" cho Trung Quốc đến nay đã bước sang năm thứ 16. Tuy nhiên, những dấu hiệu về một sự dỡ bỏ lệnh cấm vận đang dần rõ nét sau nhiều cố gắng của phía Trung Quốc cũng như sức hấp dẫn lớn của quốc gia này đối với nhiều nước châu Âu.

Tại một hội nghị song phương cấp cao diễn ra tại La Haye, Hà Lan vào cuối tháng 12/2004, cả Trung Quốc và EU đều đã tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ hợp tác. Và thậm chí hai bên đã ký với nhau một tuyên bố chung, trong đó đề cập tới việc không phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt nhằm ngăn chặn việc vũ khí có thể rơi vào tay các tổ chức khủng bố cũng như các chính quyền thù địch.

Tuy nhiên, EU vẫn khẳng định sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm vận buôn bán vũ khí đối với Trung Quốc mà họ áp đặt trong thời gian qua bất chấp việc Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã gọi hành động này là “biểu hiện của sự phân biệt đối xử về mặt chính trị”.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là tất cả các thành viên của EU đều nhất trí với việc kéo dài lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc. Bởi vì, trong nội bộ EU không ít quốc gia, đặc biệt là Pháp, rất ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, và Đức cũng thế. Lý do của việc ủng hộ này rất đơn giản: Những nước này có nhiều cơ sở cũng như tiềm lực sản xuất vũ khí. Cho nên, nếu lệnh cấm vận được dỡ bỏ thì họ sẽ thu được không ít lợi nhuận từ việc xuất khẩu sang Trung Quốc.

Andrew Kennedy - Trưởng ban châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hoàng gia Anh cho rằng, việc dỡ bỏ là không hề đơn giản bởi sự phản đối của nhiều nước EU, trong đó có những nước là thành viên mới của tổ chức này, chẳng hạn như Ba Lan, do những ảnh hưởng của Mỹ. Andrew Kennedy giải thích: “Về mặt chiến lược, Mỹ xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh về khả năng phát triển và chế tạo vũ khí hiện đại. Bản thân lực lượng quốc phòng của Trung Quốc cũng đang hùng mạnh. Đó chính là lý do để Mỹ muốn tiềm lực quốc phòng của Trung Quốc không thể vượt qua được mình”.

Giới quan sát cho rằng, nếu EU không dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí thì, bằng cách này hay cách khác, Trung Quốc cũng vẫn sẽ có những loại vũ khí tối tân nhất và điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của người Trung Quốc.

Trong buổi làm việc với người đồng cấp, Thủ tướng Hà Lan Jan Peter Balkenende, cho biết châu Âu vẫn đang cân nhắc việc xóa bỏ lệnh cấm vận. Tuy nhiên, việc chấm dứt sớm hay muộn còn phụ thuộc vào hành động của phía Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực nhân quyền.

Thủ tướng Jan Peter Balkenende cũng cảnh báo rằng, một khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ thì hệ thống pháp luật khác cũng sẽ được đưa vào thay thế để đảm bảo một cách chắc chắn rằng những vũ khí do châu Âu sản xuất sẽ không được mua bán tràn lan. Những vũ khí đó cũng sẽ chỉ được sử dụng cho các hoạt động phòng vệ chính đáng chứ không phải để đem đến những điểm nóng, các khu vực xung đột... cả ở Trung Quốc lẫn trong khu vực và trên thế giới nhằm bành trướng sức mạnh. Được biết, hiện nay, Tập đoàn Vũ trụ và Quốc phòng lớn nhất châu Âu EADS đang lên kế hoạch thảo luận các hợp đồng quân sự tương lai với Trung Quốc một khi lệnh cấm vận vũ khí được EU dỡ bỏ

Đỗ Công Định (Tổng hợp)
.
.