Ethiopia – Eritrea: Chỉ vì không mua láng giềng gần

Thứ Sáu, 18/11/2005, 07:10

Theo TTXVN, tình trạng căng thẳng vùng biên giới EthiopiaEritrea vốn đã âm ỉ từ nhiều năm qua, đang có nguy cơ bùng phát thành cuộc xung đột vũ trang. Liên minh châu Phi (AU) và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đang kêu gọi cả hai nước "kiềm chế tối đa", cùng ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra những giải pháp thỏa đáng, tạo ra hòa bình và ổn định có lợi cho sự phát triển của hai nước.

Eritrea vốn là một tỉnh của Ethiopia trước đây. Sau 30 năm chiến tranh đòi độc lập và tách khỏi Ethiopia; năm 1993, Ethiopia đã đồng ý để Eritrea tách ra thành một quốc gia độc lập. Đây là vùng có vị trí chính trị chiến lược và kinh tế xung yếu, án ngữ con đường giao thông chính đi qua Biển Đỏ nối từ châu Phi sang Trung Đông và đường tới kênh đào Sue. Song do việc phân định đường biên giới giữa Ethiopia và Eritrea chưa rõ ràng cùng với nhiều vấn đề khác đã khiến quan hệ hai nước ngày càng rạn nứt và dẫn tới bùng nổ cuộc xung đột tranh chấp khu vực đường biên giới chung vào tháng 5/1998.

Cuộc chiến tranh này đã có lúc lên tới đỉnh điểm, hai nước đều huy động nhiều loại vũ khí hiện đại, tiêu tốn rất nhiều tiền của mặc dù cả hai nước đều nằm trong danh sách các nước nghèo nhất châu Phi. Cuộc chiến làm hơn 80.000 người thiệt mạng, nhiều người mất nhà ở và hơn 70.000 người vẫn phải sống trong các trại tị nạn.

Sau nhiều nỗ lực ngoại giao, sự trung gian hòa giải của nhiều nước, tổ chức quốc tế, tháng 6/2000, hai bên ký Hiệp định ngừng bắn; tháng 12/2000 ký Hiệp định hòa bình. Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đã được triển khai tại khu đệm ở dọc biên giới hai nước, vào sâu lãnh thổ Eritrea 25 km để giám sát việc thực hiện Hiệp định hòa bình.

Theo Hiệp định hòa bình (tháng 12/2000), một ủy ban độc lập có nhiệm vụ điều hành khu vực tranh chấp (khu vực an ninh tạm thời) giữa Ethiopia và Eritrea và khoảng 3.200 binh sĩ LHQ tuần tra tại vùng đệm (rộng 25km dài 1.000km). Tuy nhiên, Eritrea không chấp nhận phán quyết của ủy ban này, theo đó thành phố Bátmê phải được trao cho Eritrea.

Bất bình trước việc LHQ thất bại trong việc áp đặt phán quyết của Ủy ban Biên giới của HĐBA, Eritrea đã ra lệnh cấm máy bay của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ bay vào khu vực vùng đệm thuộc lãnh thổ nước này. Tháng 10/2005, Tổng thống Eritrea, Ixaia Aphiuê gửi thư cho HĐBA LHQ yêu cầu được nhận lại thành phố Bátmê và một số vùng đất khác. Ngày 5/10, Chính phủ Eritrea ra lệnh cấm bay của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ bay tuần tra khu vực đệm thuộc lãnh thổ nước này.

Ngày 2/11, Tổng Thư ký LHQ K.Annan bày tỏ lo ngại sâu sắc trước báo cáo của phái đoàn LHQ tại EthiopiaEritrea. Ethiopia có 72 triệu dân đã triển khai nhiều chốt phòng vệ lấn vào khu đệm, điều hai sư đoàn mạnh, trong đó có nhiều xe tăng và tên lửa phòng không hướng về bên kia biên giới. Phía Eritrea có khoảng 4 triệu dân cũng huy động một số sư đoàn với xe tăng và vũ khí hạng nặng dọc theo biên giới, sẵn sàng đánh trả. Ngày 12/11, Tư lệnh Ligaila cho rằng bầu không khí biên giới hai nước chỉ cần một động thái nào đó của một trong hai bên là "chiến tranh biên giới có thể lại bùng phát".

Trước đó, Hy Lạp trình HĐBA LHQ bản dự thảo nghị quyết yêu cầu Ethiopia và Eritrea phải chấp nhận phán quyết của Ban Biên giới của Hội đồng. Dự thảo nghị quyết cũng yêu cầu Eritrea phải bãi bỏ ngay lập tức các hạn chế bay đối với máy bay trực thăng của LHQ và sự di chuyển của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại vùng đệm; đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp xử lý nếu Eritrea không tuân thủ các yêu cầu này. Ngày 12/11, việc Eritrea tố cáo với LHQ rằng, quân đội Ethiopia đã giết hại 40 thường dân Eritrea càng làm mối quan hệ hai nước thêm căng thẳng

P.V
.
.