G20 giữa tâm khủng hoảng thương mại

Thứ Hai, 03/12/2018, 14:50
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2018, tổ chức tại Argentina được cho là hội nghị G20 đặc biệt nhất trong các lần tổ chức, bởi những vấn đề về thách thức và cơ hội được đề cập trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều xáo trộn. Chiến tranh thương mại, quan hệ Mỹ-Trung, Mỹ-Nga và những dự cảm không tốt đẹp khi hội nghị kết thúc vào ngày 1-12 đang khiến toàn thế giới “đứng ngồi không yên”.

Tại sao Hội nghị G20 năm nay có thể là hội nghị quan trọng nhất trong nhiều năm qua. Theo các nhà phân tích, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20, từ ngày 30-11 tới 1-12) tại Argentina diễn ra trong bối cảnh những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang ở thời điểm “nguy kịch”. Đây có thể trở thành một hội nghị G20 quan trọng nhất kể từ Hội nghị thượng đỉnh năm 2009 diễn ra tại London (Anh) trong “cơn bão” khủng hoảng tài chính quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh năm ngoái diễn ra tại Hamburg (Đức) là hội nghị đáng nhớ nhất do những chia rẽ giữa các nước lớn trong G20, đặc biệt giữa Mỹ và các nước EU chủ chốt, liên quan đến những vấn đề như thương mại quốc tế, di cư và biến đổi khí hậu. Chủ đề tương tự này dường như cũng trở thành tâm điểm tại các cuộc họp trong năm nay, với việc quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington bị bế tắc nhiều tháng qua.

Công tác an ninh được tăng cường tại hội nghị G20. Ảnh: Reuters.

Câu hỏi đặt ra đối với G20 năm nay là liệu G20 có thể thay thế G7 như một diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế quốc tế và quản trị kinh tế toàn cầu, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009? Đã một thập kỷ trôi qua kể từ khi G20 được nâng cấp từ một diễn đàn của các bộ trưởng tài chính trở thành diễn đàn của các nguyên thủ quốc gia hiện nay, một bước tiến được chào đón với sự phô trương đáng kể, trong đó có cả người mà sau này trở thành Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khi ông tuyên bố rằng “G20 dự báo sự quản trị hành tinh của thế kỷ 21”.

Song, sự thật là cho đến nay diễn đàn này đã thất bại trong việc nhận thức quy mô đầy đủ của tham vọng vốn đang chịu sức ép trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế.

Điểm nhấn của sự thất bại là những hội nghị G20 không có cơ chế chính thức để đảm bảo thực thi những thỏa thuận của các nhà lãnh đạo thế giới. Những quốc gia bên ngoài G20 cũng quan ngại về sự đoàn kết của tổ chức này, vốn được Mỹ đề xuất thành lập ban đầu vào những năm cuối của thập kỷ 90 cùng các nước trong G7.

Trong khi các nước được lựa chọn tham gia theo tiêu chí như dân số, GDP..., thì những nước chỉ trích cho rằng tổ chức này đã bỏ sót Nigeria, đôi khi còn được gọi là “người khổng lồ của châu Phi”, quốc gia có dân số lớn gấp 3 lần dân số của Nam Phi.

Trong báo cáo chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), IMF đánh giá các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung châu Âu trên thực tế đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại. Cùng với đó, kịch bản Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận vẫn đang là yếu tố làm lung lay niềm tin thị trường. IMF cũng khuyến cáo các mức thuế mà Mỹ đe dọa áp dụng đối với ôtô nhập khẩu từ tất cả các quốc gia (ngoại trừ Canada và Mexico) nếu có hiệu lực có thể “thổi bay” 0,75% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong ngắn hạn.

Các hoạt động đầu tư sẽ tiếp tục thu hẹp nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump kiên quyết hiện thực hóa lời đe dọa này và kích động những quốc gia khác có biện pháp đáp trả nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ.

Trong bối cảnh những mâu thuẫn và rạn nứt trong quan hệ thương mại ngày càng trầm trọng, công bằng mà nói Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lại không có những phản ứng kịp thời cũng như cải tổ kịp thời để thể chế này ngày một mạnh mẽ hơn. Vấn đề đặt ra là WTO có thể đề ra mục tiêu cải cách gì để phù hợp với trật tự thế giới mới? Điều này phụ thuộc rất lớn vào kết quả cuộc gặp thượng đỉnh hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc kinh tế số 1 và số 2.

Hội nghị G20 lần này một lần nữa cho thấy thương mại tự do, chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế vẫn được coi là xu hướng chủ đạo. Ảnh: Puerto Vallarta News.

Để cải thiện tình hình, theo các chuyên gia, các thành viên WTO và các nhà lãnh đạo thế giới cần hành động một cách quyết đoán và nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán. Nỗ lực tập thể này có thể là chất xúc tác cần thiết cho quá trình chuyển đổi của WTO và nhiều người kỳ vọng sẽ thấy được những dấu hiệu đầu tiên của tương lai này trong hội nghị thượng đỉnh G20 lần này.

Phản ứng trước những ý kiến trái chiều, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bảo vệ quan điểm rằng nền kinh tế số một thế giới vẫn giữ cam kết về thương mại tự do với điều kiện phải là sự “có đi có lại”, đem đến một mối quan hệ thương mại cân bằng chứ Mỹ sẽ không đánh đổi lợi ích quốc gia để hệ thống tự do thương mại hoạt động khi người lao động và các doanh nghiệp nước này bị ảnh hưởng.

Có thể thấy rõ những tranh cãi không hồi kết tại hội nghị lần này một lần nữa cho thấy các nền kinh tế lớn trên thế giới đang đứng trước bài toán khó là làm sao dung hòa được lợi ích quốc gia và những cam kết hợp tác thúc đẩy tự do thương mại vì lợi ích chung. Nếu như các cường quốc đều tìm mọi cách tăng kim ngạch xuất khẩu, song dựng lên những rào cản đối với hàng nhập khẩu, giữ thị phần trong nước cho các doanh nghiệp nội địa, là những minh chứng rõ nét về xu hướng theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Và chính những căng thẳng kinh tế và địa chính trị là mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng toàn cầu.

Ngày càng nhiều nước quay trở lại chính sách thúc đẩy sản xuất hàng hóa công nghiệp để thế chân hàng nhập khẩu, thắt chặt quy định về tỷ lệ nội địa hóa và trợ giá hàng xuất khẩu, dựng lên các rào cản thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Trong khi đó, thành quả của toàn cầu hóa không được phân chia đồng đều giữa các khu vực, các nền kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới xu hướng phản đối tự do hóa thương mại gia tăng mạnh ở nhiều khu vực trên thế giới, nhất là tại các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ và châu Âu.

Hội nghị G20 lần này một lần nữa cho thấy thương mại tự do, chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế vẫn được coi là xu hướng chủ đạo giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các thỏa thuận song phương, nội khối, đa phương phải là những cam kết mở, minh bạch và phù hợp với những quy tắc của WTO, qua đó ngăn chặn các nguy cơ chiến tranh thương mại.

Hoa Vinh
.
.