Kế hoạch 17 điểm của Hội nghị EU thu nhỏ:

Gập ghềnh “Con đường Balkan”đi tìm miền đất hứa

Thứ Năm, 29/10/2015, 11:45
Hội nghị thượng đỉnh thu nhỏ Liên minh châu Âu (EU) gồm lãnh đạo các nước nằm trên tuyến đường Balkan từ Thổ Nhĩ Kỳ đến biên giới Hungary và Slovenia cùng lãnh đạo 3 nước ngoài EU là Albania, Macedonia và Serbia đã thông qua kế hoạch 17 điểm giải quyết vấn đề người di cư.

Mặc dù được xem là thành công bước đầu nhằm giải tỏa căng thẳng cho cuộc khủng hoảng hiện nay, song việc thực hiện một giải pháp chung giữa các nước liên quan chưa được thông suốt lại trở thành một rào cản mới khi một số nước "không chấp nhận trở thành vùng đệm" mà chỉ đồng ý là nơi quá cảnh.

Nhanh chóng trục xuất người tị nạn bị bác đơn

Theo kế hoạch hành động, trước hết các nước nằm dọc tuyến di cư sẽ trao đổi thường xuyên thông tin về tình hình tại các nước này và phối hợp hành động với nhau. Lãnh đạo các nước cũng nhất trí tăng khả năng cung cấp nơi trú chân tạm, thức ăn, hỗ trợ y tế, nước uống và cải thiện điều kiện vệ sinh cho tất cả những người cần thiết.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker khẳng định  EU có kế hoạch bảo đảm tiếp nhận đến 100.000 người di cư tại các trạm trú chân dọc tuyến đường Balkan bắt đầu từ Hy Lạp. Trong đó, Hy Lạp có nghĩa vụ tăng khả năng tiếp nhận lên 30.000 người từ nay cho đến cuối năm 2015, và ủng hộ Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) trong trợ cấp và tổ chức đón nhận vào các gia đình Hy Lạp thêm ít nhất 20.000 người khác.

Cùng với quyết định trên, UNHCR cũng sẽ ủng hộ việc tăng khả năng tiếp nhận thêm 50.000 người tại tuyến Balkan. EU cũng sẽ khẩn cấp siết chặt kiểm soát biên giới với các nước ngoài liên minh, bao gồm phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ triển khai kế hoạch hành động đã được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh lần trước, tất cả các cơ quan châu Âu về người tị nạn sẽ tăng cường hoạt động tại địa bàn, ví dụ Cơ quan Giám sát biên giới châu Âu (Frontex) sẽ giúp Hy Lạp trong công tác đăng ký người di cư, còn EC sẽ cử 400 cảnh sát đến Slovenia để đảm bảo kiểm soát dòng người di cư.

Các nước tham gia cũng nhất trí nắm bắt và chia sẻ thông tin hàng tuần về tình trạng người tị nạn ở nước mình, đặc biệt là tại các khu vực biên giới. Cho tới nay, các nước hầu như không rõ số lượng người tị nạn có mặt ở khu vực biên giới hay các điểm kiểm soát và hậu quả là các nước tiếp nhận bị động khi người tị nạn ùn ùn kéo vào.

Cũng theo kế hoạch của EU, khối liên minh này sẽ nhanh chóng trục xuất người tị nạn bị bác đơn. Theo đó, các trường hợp không được chấp thuận tị nạn đến từ các nước như Afghanistan, Pakistan, Bangladesh và Iraq sẽ nhanh chóng bị trục xuất về quê hương. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên, những người di cư Afghanistan đến châu Âu bị đưa vào danh sách trục xuất về nước.

Ngoài tuyên bố về hành động, các ngân hàng như: Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) và Ngân hàng Phát triển Hội đồng châu Âu (CEB) cho biết sẵn sàng tài trợ cho việc giải quyết khủng hoảng di cư. Ngay trong tuần này, EC sẽ tổ chức các cuộc gặp với đại diện các định chế tài chính trên để thảo luận vấn đề người di cư.

Người tị nạn tìm mọi cách để đến được châu Âu.

Bất đồng trong giải pháp chung

Hy Lạp được xem là cửa ngõ vào châu Âu qua biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tổng số 643.000 người nhập cư trái phép vào EU kể từ đầu năm đến nay, 502.000 người đi qua các hòn đảo của Hy Lạp. Phần lớn muốn tới Đức hoặc Thụy Điển, hai quốc gia EU sẵn sàng đón tiếp người nhập cư.

"Con đường Balkan" dẫn tới châu Âu bắt đầu từ biên giới Hy Lạp với Macedonia, tới Serbia rồi rẽ đôi tới Croatia và Slovenia. Kể từ tuần trước đã có hơn 60.000 người tị nạn tới Slovenia và đợi chờ trong những điều kiện tồi tệ để tiếp tục hành trình tới Áo, sau đó tới Đức. Các quốc gia này đều được EU hỗ trợ để lập các chỗ ở tạm cho người nhập cư. Làn sóng người nhập cư gây khó khăn cho các nước Balkan và Đức, quốc gia hiện không còn kham nổi việc hỗ trợ người nhập cư.

Việc xóa bỏ "con đường Balkan" không dễ dàng chút nào khi lợi ích của các quốc gia điểm đến (Đức, Áo, Thụy Điển) và các quốc gia trung chuyển (Slovenia, Croatia, Hungary, Serbia, Bulgaria, Rumania và Albania) rất khác nhau. Trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng việc phân chia tốt hơn dọc tuyến đường Balkan sẽ là giải pháp tốt nhất. Thủ tướng Croatia Zoran Milanovic lại tuyên bố "không chấp nhận trở thành vùng đệm".

Các quốc gia Balkan khẳng định họ chỉ có thể là các nước quá cảnh. Ngay cả Hy Lạp cũng nhấn mạnh không có khả năng trở thành trung tâm "lưu giữ" người tị nạn Syria.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nhấn mạnh: Chính phủ Hy Lạp sẵn sàng mở 5 trung tâm đón tiếp để đăng ký người nhập cư nhằm xác định danh tính của họ, song từ chối lưu giữ tại các trại tạm cư. Ông Alexis Tsipras thậm chí còn cho rằng, EU khó có thể đi tới một giải pháp chung do nhiều nước không chịu hợp tác và bảo lưu chính sách của mình trong vấn đề người tị nạn.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban thì bảo vệ chính sách lập hàng rào chặn người nhập cư ở biên giới, cho rằng nước này không nằm trên tuyến lộ trình Balkan mà chỉ là “quan sát viên”. Theo ông, lỗi khủng hoảng là do chính các nước ký vào Hiệp ước Schengen đã không giữ các cam kết của mình. Theo đó, người tị nạn đặt chân tới nước EU nào đầu tiên phải nộp đơn xin tị nạn ở nước đó, song các nước “đầu vào“ của người tị nạn đã không thực hiện được điều này, do vậy không thể kiểm soát được người nhập cư.

Người tị nạn do vậy tiếp tục tìm cách thực hiện hành trình tới Áo, Đức hay các nước Bắc Âu. Thủ tướng Orban cũng kêu gọi chấm dứt chính sách “biên giới mở” và chính sách chào đón người tị nạn như hiện nay của Đức và Áo, cho rằng khủng hoảng chỉ có thể được giải quyết nếu bảo vệ được vùng ngoại biên EU, đặc biệt là khu vực giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.