General Motors phá sản: Tan tành giấc mơ Mỹ

Thứ Năm, 11/06/2009, 20:40
Ngày 1/6 vừa qua, Tập đoàn chế tạo ôtô hàng đầu của Mỹ và thế giới, General Motors, nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Như vậy, sau Tập đoàn Đầu tư Lehman Brothers, Ngân hàng Washington Mutual và doanh nghiệp điện tử WorldCom, đây là vụ vỡ nợ lớn hàng thứ tư của nước Mỹ từ xưa tới nay.

Khác với 3 vụ trước, General Motors là biểu tượng trong suốt một thế kỷ về sức mạnh công nghiệp của Mỹ. Sự phá sản của nó đồng nghĩa với sự tan biến những giấc mộng của một tầng lớp trung lưu Mỹ.

Ra đời năm 1908 và khai tử năm 2009, General Motors là nhà cung cấp những chiếc xe ôtô một thời nuôi dưỡng những giấc mơ của một tầng lớp trung lưu mà lối sống của họ đã ảnh hưởng khắp nơi trên thế giới. Ở thời vàng son nhất của GM, có được công việc tại đây là mơ ước của tất cả giới công nhân nước Mỹ.

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đã thổi bay mọi biểu tượng vững chãi của nền kinh tế thế giới. Ban đầu là lĩnh vực địa ốc, sau đó là giới tài chính, ngân hàng. Giờ đây nó giáng đòn quyết định vào những gì còn xót lại của ngành công nghiệp nước Mỹ. Mặc dù ngành chế tạo ôtô bây giờ không còn được coi là xương sống của nền kinh tế Mỹ nữa nhưng nó vẫn là một lĩnh vực chiến lược do số lượng nhân công trực tiếp và gián tiếp mà nó sử dụng. Các vụ phá sản của các tập đoàn lớn diễn ra liên tiếp khiến hàng chục nghìn công nhân mất việc có thể sẽ càng làm cho sự suy thoái kinh tế thêm trầm trọng và kéo theo sự sụp đổ của ngành công nghiệp miền Trung Tây nước Mỹ.

Chính vì thế mà Tổng thống Barack Obama đã phải làm tất cả để cứu lấy General Motors, bất chấp cả việc bị chỉ trích là bảo hộ mậu dịch. Sự phá sản của GM đánh dấu sự kết thúc một thời kỳ vàng son của công nghiệp Mỹ nhưng nó lại mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ của sự can thiệp chưa từng có của chính quyền liên bang Mỹ đối với các tập đoàn doanh nghiệp.

General Motors bị vỡ nợ vì tài sản chỉ còn 82 tỉ USD mà mắc nợ đến gần 173 tỉ vì vậy mới xin Tòa phá sản Manhattan thuộc New York bảo vệ để có điều kiện chấn chỉnh nhằm lập ra một Công ty GM mới.

Một mẫu xe của GM.

Theo kế hoạch được Tổng thống Barack Obama bố trí, chính quyền liên bang rót thêm 50 tỉ USD cấp cứu và làm chủ 60% phần vốn công ty. Công đoàn thợ thuyền UAW thì chuyển phần nợ về phúc lợi thành vốn và làm chủ 17,5% cổ phần.

Chính quyền Canada và chính quyền tỉnh Ontario, trung tâm công nghiệp xe hơi của Canada, cũng cho GM vay 9,5 tỉ USD và làm chủ khoảng 12% phần vốn, còn lại là của tư nhân. Với cơ cấu tài trợ đó, GM sẽ đóng cửa 13 hãng xưởng lớn nhỏ, chấm dứt sản xuất nhiều loại xe kém giá trị và tập trung cải thiện khả năng cạnh tranh của một số loại xe khác trên thị trường Bắc Mỹ, như Chevrolet, Cadillac, Buick và GMC.

Vì GM cũng là tổ hợp toàn cầu với khoảng 266.000 công nhân tại Mỹ và trên thế giới để ráp chế và bán xe tại 34 quốc gia nên kế hoạch chấn chỉnh dẫn tới việc bán lại hoặc đóng cửa nhiều hãng mà GM làm chủ, như xe Saab Thụy Điển, Opel tại Đức hay Vauxhall tại Anh. Chiều hướng chung là General Motors triệt thoái trên thế giới để lui về củng cố một cốt lõi mới có sức cạnh tranh cao hơn tại Bắc Mỹ, và việc này sẽ gây hậu quả lớn cho nhiều quốc gia khác.

Khi công bố tình trạng Chính phủ Mỹ sẽ nắm 60% cổ phần của Công ty General Motors mới, Tổng thống Barack Obama nói chính phủ là một "cổ đông bất đắc dĩ" và ông hứa sẽ không trực tiếp can thiệp vào công việc kinh doanh của công ty sản xuất xe hơi này, rồi trong 5 năm sẽ bán cổ phần thu hồi tiền về cho những người dân Mỹ đóng thuế.

Nhưng theo giới chuyên gia kinh tế, đây là những lời hứa rất khó giữ, dù là đối với một "cổ đông" bất đắc dĩ. Chính phủ Mỹ sẽ hành xử một cách khó khăn để không can thiệp, và trong 3 năm nữa đến kỳ bầu tổng thống, ông Obama sẽ phải trả lời rất nhiều câu hỏi về các lời hứa này.

Khi nói "Chính phủ Mỹ" có nghĩa bao gồm hành pháp và lập pháp. Liệu Nhà Trắng có thể tự kiềm chế không can thiệp vào các quyết định kinh doanh của GM hay không? Các đại biểu Quốc hội Mỹ sẽ tạo những thứ áp lực nào trên Ban giám đốc công ty này? Còn nhớ, khi các hãng xe hơi còn hoàn toàn độc lập, Chính phủ và Quốc hội vẫn tạo những áp lực trên hoạt động của họ, từ "khuyến khích" đến "ép buộc" bằng luật lệ. Nhưng khi Chính phủ Mỹ lại làm chủ đa số cổ phần trong Công ty GM, thì mỗi hành động trên đều có thể bị coi là "can thiệp" vào việc quản trị của công ty này.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng xe hơi tại Mỹ đã bất ngờ củng cố vị thế cho ngành xe hơi châu Âu, đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa Đức và Nga. Trong khi ấy, chính quyền Obama phải ôm lấy một số doanh nghiệp mà chưa biết có kiện toàn nổi không, và cũng bị dư luận trong nước đả kích vì sự ôm đồm bao biện ấy.

Liệu trong 5 năm nữa giá trị của GM có thể lên con số đó hay không? Và, khả năng ông Obama có được tái đắc cử nhiệm kỳ tới, năm 2012, nữa hay không, một phần còn tùy thuộc vào việc cứu vớt các doanh nghiệp tại các bang then chốt ở vùng Trung Tây nước Mỹ mà chính phủ của ông đang tiến hành

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.