Giá dầu vững đà… tăng

Thứ Năm, 04/01/2018, 11:07
Những ngày cuối năm 2017, giá dầu thô tăng lên ngưỡng cao nhất trong vòng hơn 2 năm qua do sự cố đường ống dẫn dầu thô ở Libya và Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC) tăng cường cắt giảm sản lượng khai thác.

Các nhà phân tích cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu mỏ cao trong năm 2018, trong khi kỳ vọng OPEC vào sự tuân thủ mạnh mẽ của OPEC và các đồng minh sẽ hỗ trợ cho giá dầu trong năm tới vì nguồn cung sẽ bị thắt chặt.

Cơ quan truyền thông Sputnik của Nga ngày 26-12-2017 đưa tin: đường ống dẫn dầu nối các giếng khai thác ở phía Tây Bắc Libya với trạm phân phối ở cảng Es Sider trên Địa Trung Hải đã phát nổ. Một nguồn tin quân sự trong nước cho hay, nguyên nhân vụ nổ là do một vụ tấn công có chủ đích của các tổ chức phiến quân đặt bom phá hoại đường ống này.

Tờ The Libya Times dẫn nguồn tin riêng tiết lộ: các chiến binh của Lữ đoàn tự vệ Benghazi có thể là tác giả của vụ nổ. Trong khi đó, một số nguồn tin khác nhận định: nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể đã tấn công đường ống dẫn dầu. Đây là tuyến dẫn dầu quan trọng, có lưu lượng lớn.

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC) cho hay, tính từ ngày 26-12, lượng dầu truyền tải qua đây buộc phải giảm 70.000 - 100.000 thùng mỗi ngày vì vụ nổ. Chủ tịch NOC Mustafa Sanalla trả lời Reuters: “Dự kiến việc sửa chữa sẽ mất khoảng một tuần kể từ ngày 27-12-2017 và sẽ hoạt động trở lại trong tháng 1-2018”.

Trong khi đó, cũng vào thời điểm cuối năm. Giá dầu thô Mỹ vượt 60 USD/thùng - ngưỡng cao nhất kể từ giữa năm 2015 sau khi báo cáo của Công ty Dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy số lượng giàn khoan Mỹ không đổi, giữ ở mức 747 giàn. Điều này khiến nhà đầu tư kỳ vọng rằng Mỹ đang thắt chặt sản lượng khai thác.

Mức giá này phần nào phản ánh triển vọng lạc quan khi các nước sản xuất dầu mỏ trở về từ hội nghị diễn ra ở Vienna, Áo, vào 30-11-2017. Kết quả của hội nghị này là họ sẽ mở rộng hiệp định với các nước sản xuất dầu mỏ không thuộc khối OPEC như Nga. Việc này nhằm giữ sản lượng đầu ra bị hạn chế cho đến hết năm sau. Mặt khác, giá tăng cũng phần nào cho thấy nỗi sợ rằng tình trạng căng thẳng trong khu vực giữa Saudi Arabia và hai thành viên khác của OPEC là Iran và Qatar có thể trở nên xấu đến mức phá vỡ nguồn cung từ vùng sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Ngoài quyết sách của tổ chức OPEC và yếu tố địa chính trị, có một vài lý do khác khiến giá dầu vững đà tăng. Sự tăng trưởng đồng bộ của nền kinh tế toàn cầu có nghĩa là nhu cầu dầu mỏ cũng tăng theo.

Cảng xuất khẩu dầu Es Sider của Libya.

Tuy vậy, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng đã đưa ra khuyến cáo thị trường bằng tuyên bố: giá dầu cao có vẻ sẽ làm giảm lượng tiêu thụ dầu thô năm tới. Điều này hoàn toàn có thể, tuy nhiên, mức giá hiện nay vẫn thấp hơn một nửa so với mức giá đỉnh điểm năm 2008. Do đó, nhu cầu tiêu thụ của người dùng không có dấu hiệu dừng lại. Nhu cầu toàn cầu tăng lên và nguồn cung từ OPEC giảm có thể buộc Mỹ phải khai thác dầu đá phiến nhiều hơn, đây là vấn đề đáng lo ngại đối với các nước đầu cơ tích trữ dầu mỏ.

Neil Atkinson, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường dầu của IEA nhận định quá trình tái cân bằng đang diễn ra chậm. “Điểm mấu chốt ở đây là quá trình tái cân bằng diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng của các nước khai thác, xuất khẩu dầu khí khi họ ký thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Trữ lượng dầu thô thừa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trung bình 5 năm vẫn đang giảm từ từ. Năm 2018 có thể sẽ là khoảng thời gian đầy thách thức đối với các quốc gia khai thác dầu thô. Nhưng nhìn chung xu hướng hiện tại thị trường có thể sẽ được tái cân bằng trong năm tới”.

Trong bối cảnh như vậy, một số ngân hàng lớn đã nâng dự báo giá dầu thế giới năm 2018, trong khi một số khác tỏ ra thận trọng hơn. Hãng tin Bloomberg cho biết, trong số các ngân hàng đã cập nhật dự báo giá dầu năm 2018 tính đến thời điểm này, Goldman Sachs tỏ ra lạc quan hơn cả.

Báo cáo của Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu Brent năm 2018 thêm 7%, lên mức 62 USD/thùng, trên cơ sở cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC và đối tác. Năm vừa qua, mức giá trung bình của dầu Brent vào khoảng 54 USD/thùng. Một ngân hàng khác lạc quan về giá dầu năm tới là JPMorgan Chase, với quan điểm cho rằng “những yếu tố nền tảng vững vàng và tương quan cung cầu thắt chặt”, cũng như quyết tâm của OPEC nhằm giải quyết tình trạng dầu thừa sẽ đẩy giá dầu lên.

Trái với quan điểm của các ngân hàng trên, Citigroup tỏ ra khá bi quan khi cho rằng, đà rút ngắn khoảng cách giữa nhu cầu và nguồn cung dầu của thế giới sẽ đuối dần trong năm tới, và sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có thể lại tăng vọt, khiến thế giới một lần nữa rơi vào tình trạng thừa mứa dầu.

Tổ chức OPEC và Nga hiện chiếm khoảng 40% sản lượng dầu toàn cầu. Việc lần đầu tiên Nga hợp tác thực sự với OPEC đã giúp lượng dầu thừa trên toàn cầu giảm một nửa trong thời gian một năm qua. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng dầu/ngày của OPEC, Nga và một số nước khác lẽ ra đã hết hạn vào cuối tháng 3-2017, nhưng vào hôm 30-11-2017, các bên đã nhất trí gia hạn thỏa thuận đến hết năm 2018.

Theo một cuộc khảo sát của Reuters gồm 32 nhà phân tích và kinh tế học, giá dầu thô được dự báo sẽ giao dịch ở mức trung bình 55,78 USD/thùng trong năm 2018, dự báo trung bình cho dầu Brent lên 59,88 USD/thùng.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.