Gia đình nạn nhân vụ khủng bố 11-9 kiện Arập Xêút

Thứ Tư, 28/09/2016, 22:45
15 năm sau sự kiện khủng bố 11-9-2001, những mất mát đau đớn của thân nhân, gia đình các nạn nhân xấu số vẫn chưa được bù đắp, và họ vẫn đau đáu theo đuổi cuộc đấu tranh pháp lý với Arập Xêút - quốc gia được cho là phải chịu trách nhiệm vì một công dân của mình đã thừa nhận là kẻ chủ mưu gây ra thảm kịch này. Thế nhưng, vì lợi ích quốc gia, chính quyền Mỹ vẫn chưa chấp nhận yêu cầu chính đáng của họ, khiến cho cuộc đấu tranh đầy cảm xúc của họ chưa thể kết thúc.

Ngày 22-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dùng quyền phủ quyết của mình để chặn việc ban hành một đạo luật mang tên Đạo luật Công lý chống những người tài trợ cho khủng bố (JASTA) vừa được hai viện quốc hội thông qua. Đây là lần thứ 12 ông Obama sử dụng quyền phủ quyết của tổng thống để bác bỏ những đạo luật, nghị quyết của quốc hội.

Bước tiếp theo, Quốc hội Mỹ có thể “áp đảo” lệnh phủ quyết của tổng thống nếu trong cuộc bỏ phiếu lại vào tuần này, 2/3 số đại biểu của mỗi viện bỏ phiếu thuận.

JASTA là một đạo luật rất ngắn gọn, chỉ vỏn vẹn 4 trang giấy được cho là sẽ gây ra những hậu quả lớn đến quan hệ đối ngoại của Mỹ. Đạo luật này sửa đổi và thay thế một đạo luật đã được ban hành vào năm 1976 trong đó cho phép các quốc gia khác được miễn trừ trách nhiệm nếu công dân của mình gây ra tội ác trên đất Mỹ. JASTA thay đổi điều đó, buộc các quốc gia phải đối mặt các vụ kiện tại Tòa án Liên bang Mỹ nếu được chứng minh có vai trò trong một vụ tấn công khủng bố giết chết người Mỹ trên đất Mỹ.

Cuộc chiến giằng co xung quanh đạo luật JASTA ở Mỹ cho đến nay vẫn chưa kết thúc mặc dù đa số nghị sĩ quốc hội ủng hộ và thông qua nó. Những người ủng hộ JASTA lập luận rằng đạo luật sẽ bít chặt những lỗ hổng đã tạo cơ hội cho những hoạt động lợi dụng pháp luật làm ăn phi pháp, cũng như mặc nhiên cho phép những kẻ phải chịu trách nhiệm vì hành động gây chiến ung dung ngoài vòng pháp luật.

Nhưng các luật sư của Nhà Trắng phản bác lại rằng mặt trái của các quy định trong đạo luật là chúng sẽ phá vỡ lá chắn chủ quyền quốc gia, một nguyên tắc bất di bất dịch của luật pháp quốc tế trong đó bảo đảm quyền miễn trừ của một quốc gia trong bất kỳ hành động nào. Đồng thời JASTA còn có thể tạo ra một làn sóng các quốc gia từ bỏ nguyên tắc miễn trừ quốc gia đó để tiến hành nhiều vụ kiện đòi công lý cho chính công dân của mình từng bị nước Mỹ tàn sát trên khắp thế giới. Số này nhiều vô kể.

Người thân gia đình nạn nhân 11-9 biểu tình đòi Arập Xêút trả lại công lý.

Lâu nay, Arập Xêút luôn bác bỏ cáo buộc mình có vai trò trong âm mưu khủng bố 11-9, và cuộc điều tra do Ủy ban 11-9 tiến hành cũng “không tìm được bằng chứng chứng minh Chính phủ Arập Xêút hay quan chức nào của chính phủ này tài trợ cho khủng bố Al-Qaeda”. Thế nhưng, câu chữ trong báo cáo của Ủy ban 11-9 lại để ngỏ khả năng có những quan chức cấp thấp hơn trong Chính phủ Arập Xêút “có thể đã có vai trò nhất định”.

Chính phủ Arập Xêút đã ra sức vận động hành lang, thuê hàng loạt công ty tư vấn vận động các nghị sĩ ở cả hai viện Quốc hội Mỹ để đạo luật này không được thông qua, nhưng rốt cuộc không thay đổi được gì. Và khi đạo luật JASTA được quốc hội thông qua, Chính phủ Arập Xêút lại liên tục gọi điện thoại cho một số nghị sĩ chủ chốt trong việc soạn thảo và thông qua đạo luật JASTA đề nghị cho ban hành đạo luật và yêu cầu không bỏ phiếu áp đảo lệnh phủ quyết của Tổng thống Obama.

Việc Tổng thống Obama phủ quyết đạo luật JASTA là một bước ngoặt mới trong qua điểm chống khủng bố của nước Mỹ. Nếu như trước đây, việc đưa ra báo cáo về vụ khủng bố 11-9 trong đó có những thông tin về sự liên quan của Arập Xêút bị thành phần ủng hộ vương quốc này trong quốc hội phản đối mạnh khiến cho báo cáo bị tạm dừng công bố một thời gian, thì nay tình hình ngược lại, đa số nghị sĩ trong quốc hội thuộc cả hai đảng ủng hộ các gia đình nạn nhân kiện Arập Xêút, còn Tổng thống Obama thì chống lại vụ kiện này.

Sự “trở gió” kỳ lạ này đã được Tổng thống Obama lý giải trong tuyên bố kèm theo lệnh phủ quyết của mình. Trong tuyên bố, ông Obama cho rằng việc ban hành đạo luật JASTA “sẽ gây tổn thất cho lợi ích của nước Mỹ. Nó sẽ không thể bảo vệ được người Mỹ khỏi các cuộc tấn công khủng bố, đồng thời cũng không giúp nước Mỹ phản ứng tốt hơn đối với các cuộc tấn công khủng bố đó”.

Ông Obama cho rằng, JASTA sẽ khiến các quan chức, quân nhân và thậm chí cả doanh nhân Mỹ làm ăn ở nước ngoài đứng trước nguy cơ đối mặt nhiều vụ kiện.

Theo các nhà phân tích, những lợi ích bị tổn hại mà ông Obama đề cập trong tuyên bố của mình bao gồm các mối quan hệ ngoại giao, lợi ích kinh tế, quân sự, địa chính trị có được trong mối quan hệ với Arập Xêút. Chưa kể vương quốc này hiện đang là một trong những “mối” khách hàng mua sắm vũ khí lớn nhất của Mỹ, Riyadh còn đang nắm giữ trong tay nhiều tài sản có giá trị ở Mỹ.

Trong chiến dịch vận động hành lang trước khi JASTA được thông qua, Riyadh đã dọa sẽ bán tháo tất cả những tài sản đó trước khi chúng có thể bị phong tỏa do các vụ kiện của gia đình nạn nhân 11-9. Riyadh là một trong những đồng minh quan trọng của Mỹ trong khối Arập và khu vực Trung Đông, nếu để quốc gia này bị kiện ra tòa án, khi đó quyền kiểm soát không còn nằm trong tay cơ quan hành pháp nữa, tổn hại về quan hệ ngoại giao là khó tránh khỏi.

Lợi ích quốc gia, kể cả an ninh quốc gia của nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ lớn, thử thách lớn của việc ban hành đạo luật JASTA, cho phép gia đình các nạn nhân 11-9 kiện Arập Xêút.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.