Giả thuyết về “cơn mưa đỏ” ở Ấn Độ

Thứ Tư, 29/03/2006, 08:15

Nỗ lực tìm ra bí ẩn của những "cơn mưa đỏ" từng xảy ra trong suốt hai tháng liền tại Ấn Độ đã dẫn tới một phát hiện gây chấn động: trong các phần tử thu thập được từ cơn mưa, các nhà khoa học đã tìm ra dấu vết của cuộc sống ngoài hành tinh.

Nhà vi sinh vật học Milton Wainwright từ Trường đại học Tổng hợp Sheffield (Anh), người đang nghiên cứu các mẫu vật từ cơn mưa, đã khẳng định: "Đó hoặc là những tế bào sống, hoặc là những thành phần gì đó siêu tự nhiên".

Cơn mưa trước đó vào ngày 25/7/2001 tại thị trấn Kottayam (bang Kerala) đã được các nhà khí tượng học đánh giá là một hiện tượng khác thường. Khi đó, từ bầu trời đột ngột rót xuống những dòng nước đỏ như máu. Chúng làm vấy bẩn lên quần áo và xé rách lá cây.

Các nhà khoa học ngay lập tức không thể xác định được những gì đang có trong nước mưa. Người dân bước đầu chỉ được giải thích đó là do bụi đỏ được gió đưa lên từ vùng bán đảo Arabia. Nhưng nhà vật lý Godfrey Louis từ Trường đại học Tổng hợp Mahatma Gandhi đã không hài lòng với giả thuyết này.

Cùng với trợ lý của mình, ông đã lang thang khắp bờ biển khu vực này, hỏi hàng trăm nhân chứng và đọc lại tất cả những tờ báo cũ ở địa phương, Louis mới xác định được, những cơn mưa kiểu trên đã kéo dài khoảng 2 tháng với những khoảng thời gian ngắt quãng ngắn, đồng thời trên một diện tích nhỏ. Đây là điều khác thường so với giả thuyết bụi do gió mang tới, vì thông thường nó chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và bao phủ một diện tích rộng.

Bang Kerale, nơi diễn ra những "cơn mưa đỏ".

Louis nhanh chóng thu thập các mẫu bụi từ những cơn mưa này. Dưới ống kính hiển vi, các hạt thành phần của chúng có kích thước từ 4 - 10 micromet (tức là hoàn toàn không giống với kích thước các hạt bụi hay cát thông thường). Chúng cũng không giống với bất kỳ một loại vật chất nào trên trái đất, mà có vẻ như là những vi sinh vật. “Có lẽ đó là những vi sinh vật có nguồn gốc ngoài hành tinh - Louis khẳng định - Cùng lắm đó là một dạng sự sống ngoài trái đất”.

Ban đầu, những kết luận của Louis không nhận được sự quan tâm (thậm chí còn bị đả kích) của giới khoa học. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi cùng với việc xuất hiện và phổ biến của giả thuyết Panspermia - theo đó cuộc sống trên trái đất nảy sinh là nhờ sao chổi đã gieo rắc các vi sinh vật vào khí quyển.

Thế là sự kiện mưa đỏ tại Ấn Độ lại được tập trung nghiên cứu lại, điển hình gần đây nhất là những phát hiện của Wainwright. Kết luận của ông cũng nhận được nhiều ý kiến tương đồng từ các nhà khoa học khác. “Chúng hoàn toàn không phải là cát - chuyên gia về thiên thạch Monica Greidy của Anh nhận định - Những hạt phân tử của chúng khiến người ta gợi nhớ đến các tế bào sống. Ít nhất là chúng có lớp màng mỏng bên ngoài.

Còn chuyên gia sinh học phân tử Jeffrrey Walker lại nói: “Thành phần của chúng hoàn toàn không có silic, nhưng lại có các yếu tố cấu thành vi sinh vật như cácbon, oxy và sắt. Đã xác định được 95% thành phần hóa học của các phân tử này. Phần nhỏ còn lại hiện vẫn là điều bí ẩn”. Bên trong các hạt thành phần, cũng theo Walker, còn có những phần “hình nang” nào đó, nhưng chúng không giống như các nhân tế bào.

Sự kiện mưa đỏ tại Ấn độ lại trở thành một đề tài tranh luận nóng thực sự của giới khoa học. Giả thuyết về các loại bụi phấn thực vật trên trái đất đã bị bác bỏ, do không phát hiện ra dấu vết ADN, đặc trưng về di truyền cho mọi sự sống trên trái đất. “Các vi khuẩn ngoài hành tinh không nhất thiết phải có ADN - Godfrey Louis nói - Cuộc sống ngoài trái đất có thể có tính chất rất khác thường mà chúng ta không thể biết được”.

Theo Louis, ông có những lý lẽ để cho rằng, những vật chất trên là “món quà” từ vũ trụ do thiên thạch hay các mảnh sao chổi đưa đến. Louis đã tìm ra những nhân chứng khẳng định, không lâu trước những cơn mưa bí ẩn, người ta nghe thấy những tiếng động rầm rầm, khiến thú nuôi trong chuồng chạy tán loạn.

Từ các bằng chứng, nhà bác học này xác định được, vật thể từ ngoài vũ trụ (theo giả thuyết) bay từ hướng bắc tới hướng nam. Sau đó nó nổ tung và gieo rắc những chất lạ vào các đám mây mưa. Louis cũng ước tính, những cơn mưa đỏ đã đổ xuống đất gần 500.000 m3 nước (mỗi mét khối chứa khoảng 100 gram các chất lạ). Như vậy, trọng lượng chung của khối vật chất ngoài không gian này phải không dưới 50 tấn.

Godfrey Louis còn tiết lộ với phóng viên tờ New Scientist rằng ông đã nuôi cấy các “hạt thành phần ngoài hành tinh” này trong điều kiện thuận lợi và chúng đã bắt đầu “phân chia”. Hiện chưa thể kiểm chứng những gì mà Louis đã nói, nhưng các bước thử nghiệm và phân tích tiếp theo của giới khoa học đã được khẩn trương tiến hành. Những kết quả mới sẽ hy vọng làm rõ hơn bản chất hiện tượng này trong một tương lai gần

Quỳnh Lai (Tổng hợp)
.
.