Giả thuyết về sự biến mất của một thành phố cổ cách đây 3.500 năm

Thứ Ba, 08/05/2007, 13:30
Theo sự mô tả của lịch sử nước Ấn Độ, bầu trời đột nhiên lóe sáng, những ngọn lửa không khói lơ lửng trên thành phố rồi một tiếng nổ lớn xảy ra làm nhà cửa sụp đổ và chôn vùi mọi thứ.

Theo sử sách, cách đây khoảng 3.500 năm bầu trời một thành phố cổ của Ấn Độ bỗng phát ra một tiếng nổ lớn kèm theo ánh sáng chói lòa và ngọn lửa đỏ rực không có khói. Nhiệt độ cao làm cho nước bốc hơi và  đá bị nung chảy, nhà cửa sụp đổ, mọi sự sống lập tức biến mất trong vài giây. Thành phố cổ này đã đi vào huyền thoại với tên gọi là "Đồi chết".

Năm 1922, nhà khảo cổ học Ấn Độ R.Banecgi đã phát hiện một thành phố chết trên hòn đảo nằm giữa dòng sông Inđơ. Theo số liệu thu được từ cuộc khai quật thì thảm họa diễn ra chỉ trong nháy mắt. Căn cứ vào các xương sọ tìm thấy được, các nhà khảo cổ khẳng định rằng ngay trước thời điểm xảy ra thảm họa, mọi sinh hoạt của người dân vẫn bình thường, không hề có dấu hiệu của một trận dịch lớn cũng như một vụ tắm máu.

Các nhà khảo cổ cũng nhận thấy thành phố bị hủy diệt không phải do nước sông dâng, núi lửa phun hay thiên thạch rơi xuống. Tuy vậy, những phiến đá đã ghi lại dấu tích của một đám cháy cực nhanh và một tiếng nổ lớn. Toàn thành phố bị đổ sập trong nháy mắt.

Thành phố được đặt tên là “Đồi chết” làm chúng ta liên tưởng đến hai thành phố Hirôsima và Nagasaki Nhật Bản sau khi Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử vào năm 1945. Nhưng ở “Đồi chết”, người ta hoàn toàn không tìm thấy hoạt tính phóng xạ. Thường thì hiếm khi xảy ra sự việc một thành phố bị hủy diệt trong chốc lát như thành phố cổ Môhengiô Đarô. Theo sự mô tả của lịch sử nước Ấn Độ, bầu trời đột nhiên lóe sáng, những ngọn lửa không khói lơ lửng trên thành phố rồi một tiếng nổ lớn xảy ra làm nhà cửa sụp đổ và chôn vùi mọi thứ.

Nhiều giả thiết đặt ra về nguyên do của sự hủy diệt ở “Đồi chết” trong đó có giả thiết thiên về hiện tượng của trái đất. Họ cho rằng người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã nhiều lần mô tả về “những chiếc giỏ tròn” trên bầu trời đêm, còn người Nhật thì nói về những ngọn lửa rực sáng. Sử sách cũng ghi lại những hiện tượng phát quang trên bầu trời Ai Cập, Êtiôpia, Tây Tạng, sa mạc Sahara, Scốtlen, Đức, Hy Lạp, đảo Xixilia...

Chúng ta cũng biết rằng sự phát sáng của không khí là do trong khí quyển tích tụ các chất nitơ, ôzôn, các hợp chất cacbonat, hydrô... được hình thành dưới tác dụng của bức xạ mặt trời, các tia vũ trụ và điện từ trường đối với không khí.

Ngoài ra trong không khí hầu như luôn luôn có khả năng tự phát sáng, từ bên ngoài nhìn vào rất khó phát hiện, tuy vậy cũng có lúc đột ngột trở nên mạnh mẽ. Rõ ràng trong thời điểm diễn ra thảm kịch ở “Đồi chết”, sự phát sáng của không khí rất mạnh nên mới có thể được phát hiện ngay giữa buổi trưa nắng chói trên bầu trời.

Những chất hoạt hóa có sẵn trong không khí tích tụ lại đã gây nên hiện tượng phát sáng. Theo những bức tranh vẽ trên đá, thì loài người đã phát hiện ra điều này cách đây 50.000 năm. Hiện tượng không khí phát sáng được thể hiện trong các tác phẩm hội họa cổ đại.

Một cuốn sách cổ của Ai Cập ở thế kỷ XV trước Công nguyên đã mô tả: “Năm 22, vào 6 giờ sáng, tháng thứ 3 của mùa đông, trên bầu trời bỗng hiện ra một quả cầu lửa di chuyển chầm chậm về phía nam. Những người trông thấy đã vô cùng hoảng loạn”. Tất cả có hơn 15.000 tư liệu nói về hiện tượng phát sáng trong không khí.

Ngày 12/8/1983, từ đài quan sát Đakatekás ở Mêhicô, Giáo sư Bônin đã chụp được tấm ảnh đầu tiên về hiện tượng này. Đến nay thì đã có hàng trăm tấm ảnh như thế. Những cấu chất lý hóa (CCLH) có nhiều dạng.

Ở trạng thái lạnh chúng có thể tồn tại lâu dài không hao tổn năng lượng, không hấp thụ ánh sáng và để phân biệt với chớp hòn, người ta gọi chúng là chớp đen. Chúng có thể lượn lờ trong không khí và lơ lửng hồi lâu trên mặt đất. CCLH  có khả năng chuyển động rất nhanh, thay đổi độ phát sáng liên tục, từ đang sáng bỗng nhiên phụt tắt rồi lại phát sáng.

Các nhà khoa học đã phát hiện trên bầu trời cùng một lúc có hàng trăm, hàng nghìn vật thể phát sáng.

Ngày 21/9/1910, gần một triệu cư dân thành phố New York đã thấy hàng trăm CCLH bay trên thành phố suốt 3 giờ liền.

Tháng 9/1984, tại huyện Xarapun của nước Cộng hòa tự trị Udmut (Liên Xô cũ), trên bầu trời đêm đầy sao bỗng rực sáng khác thường. Từ trên cao những quả cầu trắng lấp lánh rơi xuống mặt đất sáng rực như ban ngày. Một số đường dây thông tin bị đứt. Các điều kiện khí quyển mà trong đó CCLH được hình thành làm xuất hiện những độc tố hết sức nguy hiểm trong không khí.

Như vậy có thể ở “Đồi chết”, con người đã bị nhiễm khí độc mà chết, do đó xương và sọ của họ không bị thương tổn. Tiếp theo đó là vụ nổ lớn trên không trung làm sập nhà cửa và vùi lấp các xác chết. Điều này rất dễ xảy ra khi cùng một lúc trong khí quyển có nhiều CCLH hay còn gọi là “sét đen”.

Khi một CCLH nổ sẽ kích thích những cái khác cùng nổ, sóng xung kích tràn tới bề mặt trái đất và tàn phá những gì nó gặp trên đường đi. Nhiệt độ trong không khí khi CCLH nổ là từ 10.000 đến 15.0000C. Những hòn đá nóng chảy được tìm thấy ở khu vực “Đồi chết” đã khẳng định điều đó.

Trong những đám cháy bình thường, nhiệt độ không thể vượt quá hàng nghìn độ C. Người ta tính rằng trong thời gian diễn ra thảm họa đã có từ 2.000 đến 3.000 hòn sét có đường kính 20-30cm và từ 500 đến 1.000 CCLH. Trong lịch sử đã diễn ra nhiều trường hợp như vậy.

Thảm họa ở Môhengiô Đarô hoàn toàn có thể là một hiện tượng tự nhiên của trái đất và một vấn đề đặt ra là cần ngăn chặn hậu quả của những vụ nổ tương tự. Phương pháp khoa học mà các nhà bác học đưa ra là có thể phun lên trời một chất có khả năng làm mất khả năng bùng nổ của các CCLH...

Anh Tú (Theo báo nước ngoài)
.
.