Đơn giản hóa thủ tục đăng ký với xe chuyển nhượng qua nhiều người:

"Giấc mơ xe chính chủ" đã thành hiện thực

Thứ Ba, 23/04/2013, 18:55

Bắt đầu từ 15/4/2013, Thông tư số 12/2013/TT-BCA của Bộ Công an "sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 20 Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 quy định về đăng ký xe" chính thức có hiệu lực. Theo đó, từ ngày 15/4/2013 đến ngày 31/12/2014, thủ tục giải quyết đăng ký xe đối với trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người sẽ được thực hiện theo hướng nhanh gọn với thủ tục đơn giản nhất. Nghĩa là cùng với việc giảm lệ phí trước bạ xuống 2% đối với ôtô, xe máy đăng ký lần thứ hai trở đi, hàng triệu người ngày ngày đang sử dụng những chiếc xe không mang tên mình sẽ được sở hữu xe chính chủ với chi phí rẻ nhất và thủ tục nhanh nhất…

 I- Cho tới bây giờ, dù đã 18 năm rồi nhưng anh Hiếu vẫn nhớ cái cảm giác sung sướng khi được ông bố mua cho chiếc xe cubtom 70 model 82-92 màu xanh cửu long. Dù là xe cũ nhưng ngày ấy, gia đình Hiếu đã phải bỏ ra 22 triệu đồng mới mua được chiếc xe ấy. Bây giờ, 22 triệu đã có thể mua được chiếc xe Honda wave mới tinh, nhưng ngày đó, chỉ có thể mua được xe cũ đã đi được 3 năm, bởi khi ấy để mua được chiếc Dream II hoặc cubtom "đập hộp" thì phải có khoảng 36 tới 38 triệu đồng. 22 triệu bây giờ nếu quy ra "đô" cũng chỉ hơn 1.000 USD, nếu quy ra vàng thì chỉ nửa cây, nhưng ngày ấy, 22 triệu là bằng 2.000 USD, nếu tính bằng vàng là hơn 4 cây vàng, còn vào trong Hà Đông mua đất ít nhất cũng được 40m2. Dài dòng một chút như vậy để thấy chiếc xe máy ngày ấy là cả một tài sản rất có giá trị mà không phải ai cũng mua được.

Của một đống tiền như vậy nhưng mua xong lại không nghĩ tới việc phải đi sang tên đổi chủ, bởi người bán chiếc xe ấy cũng là mua lại từ một người khác. Vì thế sau khi trả tiền, cùng với việc giao xe cùng tờ giấy đăng ký, người mua và người bán chỉ viết với nhau một tờ giấy với nội dung: "Tôi là…, số chứng minh thư…, vào ngày… bán cho ông… chiếc xe máy mang biển số… với số tiền là 22 triệu đồng. Hai bên đã bàn giao xe cùng giấy tờ và đã nhận đủ tiền" rồi hai bên cùng ký tên. 

Sau này, khi đã mua thêm được một chiếc xe khác, Hiếu nhường lại chiếc xe ấy cho bố làm phương tiện đi làm hàng ngày cho tới khi ông về hưu. Về hưu rồi, không đi lại hàng ngày nữa nhưng ông vẫn không muốn bán, phần vì tiếc cái xe tốt quá bởi sau 21 năm "chinh chiến" trên khắp các nẻo đường, nhưng ngoài thay xăm lốp, nhông xích, riêng củ máy vẫn chưa hề phải sửa chữa gì. Vả lại bây giờ bán cái xe cũng chẳng được bao nhiêu tiền nên ông bảo giữ lại để "làm kỷ niệm thời thắt lưng buộc bụng mấy năm trời mới mua nổi cái xe".

"Năm ngoái, khi Nghị định 71 có hiệu lực, thấy báo chí liên tục đưa ra mổ xẻ chuyện xử phạt người điều khiển xe không chính chủ, trong đó xe máy từ 800 ngàn tới 1 triệu đồng, cụ bảo tôi xem làm thủ tục đi sang tên đổi chủ cái xe sang tên ông cho chính chủ để sang năm thằng cu con nhà tôi đi học, ông còn có xe hàng ngày đưa đón cháu, chứ không đi ra đường mỗi lần chẳng may người ta lại phạt cho cả triệu bạc thì quá đi thuê xe ôm".   

Cũng muốn ông bố đứng tên chiếc xe kỷ niệm ấy, Hiếu tìm tới con phố ở khu Hoàng Cầu để tìm chủ cũ. Nhưng tới địa chỉ ấy thì chủ cũ đã chuyển nhà đi từ lâu rồi. Quay về, lục tung cả nhà lên cũng chẳng thấy tờ giấy mua bán xe cách đây 18 năm đâu nữa vì có lẽ sau vài lần chuyển nhà, tờ giấy ấy đã bị vứt đi, may mà còn giữ được cái đăng ký xe. Vậy là dù có muốn cũng rất khó để có thể đăng ký lại để có xe chính chủ.

Người dân đến đăng ký xe tại Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Hà Nội.

II- Nhưng câu chuyện của anh Hiếu chỉ là một trong rất nhiều người đang sử dụng xe không chính chủ ở Hà Nội này.

Trong khi theo quy định thì ôtô, xe máy không chỉ là tài sản có giá trị mà còn có thể là phương tiện thực hiện các hành vi phạm tội, là nguồn gây hậu quả liên quan đến tính mạng, tài sản của người dân nên việc đăng ký chính chủ ngoài giúp người dân bảo vệ quyền sở hữu chính đáng của mình thì cũng là để cơ quan chức năng quản lý tốt hơn, dễ truy tìm chủ sở hữu khi chiếc xe đó liên quan tới một vụ án...

Nhưng suốt một thời gian dài, do lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký từ lần thứ 2 trở đi quá cao và những thủ tục rắc rối hoặc những chính sách hạn chế phương tiện giao thông cá nhân như Hà Nội từng áp dụng cách đây 10 năm là quy định tại các quận nội thành mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy, khiến cho rất nhiều người có nhu cầu sau khi bỏ tiền ra mua xe lại phải bỏ tiền thuê người ở ngoại thành đứng tên đăng ký hộ. Vì thế, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng 10 triệu xe máy không chính chủ. 

Sau khi Nghị định 71 có hiệu lực, trong đó tăng mức xử phạt chủ phương tiện không chuyển quyền sở hữu, không ít người muốn sang tên chính chủ chiếc xe của mình. Tuy nhiên, lúc này đã phát sinh nhiều rắc rối khi người thì không tìm được chủ cũ, người thì gặp được chủ nhưng lại bị đòi phải chi tiền mới chấp nhận làm giấy mua bán, mà nhiều khi cái phần tiền đòi "bồi dưỡng" ấy bằng cả cái xe nên đành chịu cảnh xe không chính chủ… 

Hiện có hàng triệu xe không chính chủ hàng ngày đang tham gia giao thông trên đường.

III- Tuy nhiên, từ ngày 15/4 tới, tất cả những rắc rối ấy sẽ được giải quyết theo hướng thông thoáng nhất.

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Thông tư 12 đã đơn giản hóa thủ tục đăng ký xe đối với trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người, trong đó quy định với từng trường hợp cụ thể.

Thứ nhất, với trường hợp đăng ký sang tên xe trong cùng tỉnh, người đang sử dụng xe có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng, hồ sơ gồm:

- Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đang sử dụng xe thường trú.

- Chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe theo quy định.

- Chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng.

- Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký xe).

Với người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển nhượng xe, hồ sơ gồm:

- Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này) có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú.

- Chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe theo quy định.

- Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe, (trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký xe).

Thứ hai, việc đăng ký sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác được thực hiện như sau:

Nếu người đang sử dụng xe có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng, hồ sơ gồm:

- Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe, có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú.

- Chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng.

- Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký xe).

Nếu người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển nhượng xe, hồ sơ gồm:

- Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú.

Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký xe).

Hồ sơ đăng ký xe (nơi chuyển đến) gồm: giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú. Chứng từ nộp lệ phí trước bạ theo quy định. Phiếu sang tên di chuyển, kèm theo hồ sơ gốc của xe.

Đại tá Nguyễn Hữu Dánh cho biết, Thông tư cũng quy định trách nhiệm của người đang sử dụng xe, của cơ quan đăng ký xe và của Công an xã, phường. Trong đó Công an cấp xã, phường có trách nhiệm tiếp nhận giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký của người đang sử dụng xe. Kiểm tra, xác minh địa chỉ đăng ký thường trú của người đang sử dụng xe. Sau khi kiểm tra xác minh, nếu đúng thì xác nhận địa chỉ đăng ký thường trú của người đang sử dụng xe. Thời gian giải quyết không quá 3 ngày làm việc.

Với cơ quan đăng ký xe, sau 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo và niêm yết công khai, cơ quan đăng ký xe sẽ cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe cho người đang sử dụng xe hoặc sang tên, di chuyển xe theo quy định.

Đại tá Nguyễn Hữu Dánh cũng lưu ý rằng việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký xe đối với trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người sẽ được áp dụng trong thời gian từ ngày 15/4/2013 đến ngày 31/12/2014.

Không yêu cầu người tham gia giao thông  chứng minh là "chủ sở hữu phương tiện"

Đó là yêu của của Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTATXH đối với lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng Cảnh sát khác khi được huy động tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Theo đó, trong quá trình thực thi nhiệm vụ thì không dừng xe trên đường hoặc khi xử lý các vi phạm khác về giao thông đường bộ, không yêu cầu người điều khiển phương tiện phải chứng minh là xe đi mượn, xe của gia đình… để kiểm soát phát hiện vi phạm và xử phạt hành vi "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định".

Trong quá trình thực hiện công tác đăng ký, sang tên, di chuyển xe, lực lượng CSGT cũng không xử phạt các trường hợp làm thủ tục sang tên, di chuyển theo quy định của Thông tư số 12/2013/TT-BCA ngày 1/3/2013 của Bộ Công an quy định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 20 Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10//2010 quy định về đăng ký xe.

Đối với trường hợp phương tiện vi phạm hành chính về giao thông đường bộ mà bị tạm giữ, lực lượng CSGT sẽ xác định hành vi vi phạm "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định" thông qua xác minh hoặc qua cơ sở dữ liệu đăng ký xe chứ không yêu cầu người vi phạm hoặc chủ phương tiện phải chứng minh.

Nếu hết thời hạn tạm giữ phương tiện, nhưng không xác định có hành vi vi phạm "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định", thì người có thẩm quyền phải ra quyết định xử phạt đối với hành vi đã vi phạm và làm thủ tục trả phương tiện theo quy định.

Nguyễn Thiêm (nguyenthiemantg@gmail.com)
.
.