Giải pháp nào cho các căn cứ quân sự Mỹ trên đất Anh hậu Brexit?

Thứ Tư, 06/07/2016, 16:25
Nước Mỹ đang đối mặt với những thách thức an ninh quốc gia lớn nhất trong nhiều thập niên sau khi nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), đẩy khối này vào khủng hoảng - Đó là lời cảnh báo của Giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA) John Brennon.

Phát biểu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) ở Washington hôm 29-6, ông Brennon đánh giá: sự kiện Anh rời khỏi EU là một “cú sốc” với các hệ lụy không chỉ đối với nước Anh mà ngay cả với nước Mỹ. Ông Brennon nói, trong 36 năm kể từ khi bước vào làm việc trong chính quyền, ông chưa bao giờ chứng kiến nhiều thách thức đặt ra đối với an ninh nước Mỹ như hiện nay.

Đáng chú ý trong các thách thức đó là việc một số định chế và mối quan hệ từng là trụ cột của hệ thống quốc tế đang căng thẳng nghiêm trọng. Việc nước Anh ra đi đã đẩy EU vào giai đoạn tự soi rọi lại chính mình, và giai đoạn này có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Ông Brennon cũng cảnh báo hiệu ứng dây chuyền của việc nước Anh ra đi, nó có thể khiến cho những người hoài nghi châu Âu ở Đan Mạch, Pháp, Italia và Hà Lan yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý về nhiều vấn đề của EU. Thái độ này đang khiến EU ngày càng khó ra quyết định và đồng thuận hơn. Trước đây chưa từng có quốc gia nào rời khỏi EU, vì vậy sự kiện này làm cho tương lai EU trở nên không chắc chắn.

Mặc dù vậy, ông Brennon cũng khẳng định rằng, quan hệ tình báo gữa Anh và Mỹ vẫn tiếp tục và sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể vì EU không phải là một thành tố trong cơ cấu chống khủng bố, cho nên việc Anh không còn là thành viên EU sẽ không ảnh hưởng mấy.

Ngày 27-6, ông Brennon đã có cuộc trao đổi với đồng nghiệp cùng cấp ở London và hai bên đã tái khẳng định với nhau rằng quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan tình báo CIA và MI-6 sẽ chỉ ngày càng phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Các mối quan hệ này đang và sẽ luôn đóng vai trò cốt lõi trong việc bảo đảm an ninh chung.

Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ tấn công sân bay Ataturk ở Istanbul. Mối đe dọa từ IS là thách thức lớn nhất cho an ninh quốc gia Mỹ.

Một số người ở Washington hy vọng một khi không còn ràng buộc gì với EU, nước Anh sẽ có điều kiện quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề về an ninh của nước Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề này còn tùy thuộc vào việc ai sẽ là thủ tướng mới của nước Anh.

Thách thức lớn nhất về an ninh của nước Mỹ chính là những mối đe dọa khủng bố đến từ IS. Trong một loạt sự kiện khủng bố đã xảy ra trong thời gian qua, ông Brennon đặc biệt quan tâm đến những vụ khủng bố do những phần tử có liên quan đến IS tiến hành. Vụ thảm sát tại một hộp đêm ở Orlando, bang Florida ngày 12-6 vừa qua do Omar Mateen thực hiện, giết chết 49 người và 53 người bị thương.

Cảnh sát cho biết, ngay sau khi bắt đầu cuộc thảm sát, Mateen đã gọi điện vào đường dây nóng 911 và tuyên bố có liên hệ với IS. Tuy nhiên, sau đó CIA lại xác định không có bằng chứng nào về mối quan hệ giữa Mateen và IS. Thêm vụ khủng bố gần đây nhất tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, làm chết 41 người, ông Brennon cũng quan ngại về mối đe dọa từ IS.

Brennon cho rằng, những trường hợp khủng bố hành động đơn độc đang đặt ra thách thức không nhỏ cho Cục Điều tra liên bang (FBI) trong việc ngăn chặn hành động khủng bố xảy ra. Những phần tử đơn độc này thường bị ảnh hưởng bởi mạng Internet và có khả năng mua vũ khí một cách dễ dàng để thực hiện hành động khủng bố trước khi âm mưu khủng bố bị phát hiện.

Nhằm đối phó với những mối đe dọa khủng bố đó, ông Brennon cho rằng nước Mỹ phải nỗ lực gấp đôi nhằm phát hiện ra những gì bọn chúng đang làm, chặn đứng các cuộc tấn công khủng bố, truy đến tận nguồn gốc phát sinh ra khủng bố, những kẻ chỉ đạo và dàn dựng các cuộc tấn công.

Một thách thức khác đối với an ninh quốc gia Mỹ đến từ việc sử dụng các cơ sở quân sự ở Anh. Việc Anh rời khỏi EU đang tạo ra hiệu ứng đô-mi-nô, với việc đảng Quốc gia Scotland (SNP) – đảng chủ trương độc lập tách khỏi nước Anh, ủng hộ gia nhập EU nhưng chống NATO – đang dự định sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về việc tách ra khỏi nước Anh.

Nếu SNP thành công, Scotland tách khỏi nước Anh, vấn đề rắc rối sẽ phát sinh đối với việc sử dụng căn cứ tàu ngầm của Anh và Mỹ ở Faslane, vì khi đó, Hải quân Hoàng gia Anh và Hải quân Mỹ không còn được sử dụng căn cứ Faslane nữa. Đối với nước Anh, điều đó dẫn đến việc phải tìm kiếm một căn cứ mới thay thế, có thể sẽ gây tốn kém và làm đảo lộn nhiều chương trình quốc phòng.

Riêng đối với Mỹ, việc không còn được sử dụng căn cứ ở Faslane có ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lược an ninh vùng Bắc Đại Tây Dương, nhất là trong tình hình quan hệ với nước Nga đang căng thẳng trở lại như thời Chiến tranh lạnh, và tầm quan trọng của cái gọi là “Khoảng trống Greenland - Iceland - Anh”, trong đó có Scotland.

Việc thương lượng với người Soctland về vấn đề tách-nhập có thể kéo dài tương tự như thương lượng giữa Anh và EU. Trên thực tế, người Scotland chưa đòi hỏi Anh và Mỹ phải rời khỏi Faslane ngay tức thì, có thể đến năm 2020. Do đó, Washington và London có đủ thời gian để tìm kiếm một phương án thay thế Faslane.

Một trong các phương án được cân nhắc là cho hạm đội Tridents của Anh trú đóng tại Kings Bay, bang Georgia, căn cứ đóng quân của lực lượng Trident thuộc hạm đội Đại Tây Dương của Mỹ. Việc này sẽ tạo điều kiện cho việc điều chuyển tàu ngầm Tridents vào hạm đội số 3 của Mỹ ở vùng bờ biển phía tây, phù hợp với chiến lược “xoay trục sang châu Á”.

Một phương án khác là cả Anh và Mỹ đều trả tiền cho Scotland để được sử dụng căn cứ Faslane, như cách Mỹ thường làm đối với các căn cứ quân sự trên khắp thế giới. Do những tổn thất về kinh tế từ việc tách khỏi nước Anh, Scotland có thể sẽ cần một nguồn tài chính mới để bù đắp, vì thế có thể sẽ chấp thuận cho Anh và Mỹ thuê căn cứ Faslane. Phương án này hoàn toàn khả thi.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.