Giàu như… khủng bố

Thứ Tư, 18/02/2015, 13:20
Một tổ chức khủng bố, cũng giống như bất cứ cơ sở kinh doanh nào, cũng cần nguồn tài chính để tồn tại. Tiền mặt được sử dụng để tài trợ cho những hoạt động chung như: trả lương cho các nhà tuyên truyền và đội ngũ chiến binh, phát triển các trại huấn luyện, mua vũ khí và các loại vật liệu phá hoại... và nhiều hơn nữa.

Nhưng không giống như các doanh nghiệp hợp pháp, các tổ chức khủng bố không thể dựa vào các khoản vay hoặc phát hành cổ phiếu, trái phiếu để tài trợ cho các hoạt động của họ. Thay vào đó, họ chuyển nỗ lực tài chính cho các hoạt động ngầm trên và xung quanh luật tài chính của nền kinh tế thế giới.

Cuối năm 2014, tạp chí Forbes của Mỹ bên cạnh thông lệ công bố danh sách các tỉ phú USD là “bảng vàng” nêu tên những nhóm khủng bố giàu nhất thế giới cùng cách kiếm tiền của họ. Danh sách này được thiết lập dựa trên những cuộc phỏng vấn với các chuyên gia an ninh, chuyên gia chống khủng bố, cũng như từ báo cáo phân tích của các tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế, các học viện và tổ chức chính phủ, và các nhà nghiên cứu, phân tích trong lĩnh vực này.

Đứng đầu danh sách bình chọn của Forbes là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), với thu nhập hằng năm vào khoảng 2 tỉ USD, nhưng theo ước tính của một số chuyên gia, con số này có thể là 3 tỉ USD. Cũng như nhiều trường hợp ở Trung Đông, khu vực của dầu mỏ và rất nhiều dầu mỏ. Qua việc chiếm các khu vực rộng lớn của Iraq và Syria, IS cũng nắm quyền kiểm soát nhiều mỏ dầu và khí đốt.

Theo ước tính của các chuyên gia, IS hiện kiểm soát khoảng 60% trữ lượng dầu mỏ của Syria, và có thể có trong tay một phần trữ lượng dầu và khí đốt của Iraq, đó là những nhà máy lọc dầu lớn nhất của nước này ở miền Bắc Iraq. Đường dây buôn lậu dầu mỏ của IS hoạt động dựa vào một mạng lưới trung gian và những đường vòng dẫn đến các nhà máy chế xuất lậu ở vùng Kurdistan hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Địa bàn này đã ra đời từ rất lâu, từ những năm 90 thế kỷ XX, khi Iraq bị cấm vận, thị trường chợ đen đã nở rộ.

Hiện nay, trong khu vực kiểm soát của mình, IS mỗi ngày bán ra hàng chục ngàn thùng dầu thô và giá bán thấp hơn giá thị trường từ 40 – 75%. Vì vậy, “hút đến đâu, bán hết đến đấy”, theo các chuyên gia, IS bỏ túi khoảng 3 triệu USD mỗi ngày. Nhưng đó chỉ mới tính khoản thu nhập từ dầu mỏ.

Một “nguồn thu nhập nổi bật” khác của IS đến từ các vụ cướp bóc. Chiến binh IS luôn vét sạch mọi thứ tại những nơi chúng chiếm đóng, từ ngân hàng tới các kho vũ khí, lương thực và vật tư cho tới những cổ vật trong các viện bảo tàng. Chúng từng lấy được một số cổ vật có niên đại 8.000 năm, trị giá khoảng 63 triệu USD.

Bên cạnh đó, trong vụ cướp Ngân hàng Trung tâm Mosul (Central Bank of Mosul) – thành phố lớn thứ hai của Iraq, IS đã lấy đi khoảng nửa tỉ tiền mặt và vàng. Ngoài ra, IS còn tiếp tục “khai thác” những di tích khảo cổ đang bị chiếm đóng thuộc di sản của Iraq và Syria và đem bán chúng thông qua trung gian trong các cuộc đấu giá bí mật ở các nước phương Tây.

Binh lính của IS tiệc tùng tại một nhà hàng năm sao ở thành phố Raqqa, Syria. Ảnh: SORH.

Phương tiện huy động vốn tiếp theo của IS là bắt cóc người nước ngoài và đòi tiền chuộc. Ước tính rằng, trong năm qua, các chính phủ khác nhau đã trả tổng cộng khoảng 125 triệu USD tiền chuộc các con tin bị tổ chức này bắt cóc.

Bên cạnh các nguồn dự trữ năng lượng, IS cũng kiểm soát các vùng nông nghiệp lớn, là những nguồn thực phẩm và nước quan trọng, cũng như các nhà máy, nhà máy điện, đập nước và nhiều cơ sở chiến lược khác.

Ví dụ, đập Tabqa trên bờ sông Euphrates, con đập lớn nhất của Syria, cơ sở cung cấp điện cho thành phố Aleppo, hay hồ Assad, hồ chứa nước lớn nhất nước, cũng đã rơi vào tay IS. Tổ chức này cũng nắm trong tay 5 thành phố có sản lượng nông nghiệp lớn nhất Iraq, cung cấp khoảng 40% lúa mì và các loại ngũ cốc trong nước.

Vị trí tiếp theo sau IS trong danh sách của Forbes là phong trào Hồi giáo Hamas ở khu vực Bờ Tây và Dải Gaza, với mục tiêu là đấu tranh vũ trang chống lại Nhà nước Israel và thành lập Nhà nước Hồi giáo Palestine từ Địa Trung Hải tới sông Jordan. Thu nhập bình quân hằng năm của tổ chức này vào khoảng 1 tỉ USD, chủ yếu hình thành từ các khoản tài trợ của các quốc gia Vùng Vịnh cũng như qua các tổ chức và quỹ từ thiện.

Cũng nhờ những khoản tài chính này mà Hamas, chỉ trong chưa đầy một thập niên đã biến mình từ một tổ chức thành một “tập đoàn” có thu nhập cao. Khoảng 15% nền kinh tế của Gaza nằm trong túi của Hamas, thông qua thuế và các khoản thu đối với các loại hàng hóa và hàng tiêu dùng nhập khẩu vào Dải Gaza, như thuốc lá và xăng, và lệ phí cấp giấy phép cho xe ôtô, xe máy và thậm chí cả các loại xe 2 bánh dùng để chở hàng như xe bò hay xe ngựa.

Trái với những gì được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, Hamas không kiếm tiền từ buôn lậu thông qua các đường hầm bên dưới biên giới Ai Cập và tổ chức này kiếm tiền thông qua một hệ thống thuế phức tạp, nhằm mục đích nắm giữ phần lớn viện trợ quốc tế chảy vào Gaza. Ví dụ, Hamas đánh thuế chuyển đổi từ ngoại tệ sang đồng shekel, và thu hàng chục triệu USD.

Bên cạnh đó, Hamas còn vận hành hàng trăm doanh nghiệp, trong đó kiểm soát hàng loạt các lĩnh vực, từ bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, khách sạn và du lịch cho tới trại nuôi cá và các phòng tiệc. Thu nhập của Hamas là từ các loại thuế, phí, cước và các cơ sở kinh doanh mà họ vận hành – cả trực tiếp và gián tiếp – ước tính vào khoảng nửa tỉ USD.

Một nguồn thu nhập khác đến từ các doanh nghiệp và tổ chức tư nhân trên khắp thế giới. Trong những năm gần đây, người ủng hộ chính là Qatar – quyên tặng hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng của Forbes thuộc về Taliban, với thu nhập khoảng 400 triệu USD/năm. Nguồn tài chính của tổ chức này đến từ hoạt động buôn bán ma túy, chủ yếu là thuốc phiện và hêrôin, phí tài trợ và các loại thuế, các khoản hỗ trợ tài chính là viện trợ. Tiếp sau là Al-Qaeda, với thu nhập vào khoảng 150 triệu USD/năm, thu được từ nguồn hỗ trợ tài chính, viện trợ, bắt cóc đòi tiền chuộc và buôn bán ma túy.

Ngay sau Al-Qaeda là Lashkar-e-Taiba, một tổ chức khủng bố ở Pakistan, mỗi năm kiếm được khoảng 100 triệu USD từ các khoản viện trợ và hỗ trợ tài chính.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.