Gina Haspel - Người phụ nữ đầu tiên làm giám đốc CIA?

Thứ Ba, 20/03/2018, 20:30
Ngày 13-3-2018, cái tên Gina Haspel đã bay xa khắp thế giới cùng với thông tin về việc Tổng thống Mỹ bất ngờ sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson… qua Twitter.

Bà được Tổng thống Trump đề cử thay thế ông Mike Pompeo khi ông này thế chỗ ông Tillerson ở Bộ Ngoại giao sau khi được Quốc hội phê chuẩn. Xung quanh việc đề cử bà, dư luận đang bàn tán theo chiều không thuận lợi bởi những việc làm trong quá khứ của bà.

Gina Haspel sinh ngày 1-10-1956 (năm nay 62 tuổi), gia nhập Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từ năm 1985 và đã trải qua một số nhiệm vụ quan trọng. Trong suốt sự nghiệp tại CIA, cho đến trước năm 2017, Haspel đã trải qua các chức vụ như Phó Giám đốc Cục tình báo bí mật quốc gia, Phó Giám đốc Cục này phụ trách tình báo đối ngoại và hoạt động bí mật, sau đó là Thư ký trưởng cho Giám đốc Cục Tình báo bí mật quốc gia.

Tháng 2-2017, Haspel được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc CIA, trở thành người phụ nữ đầu tiên “phá trần kính” (glass ceiling), có nghĩa là vượt qua định kiến kỳ thị nữ giới trong hệ thống chức vụ ở CIA cũng như nhiều cơ quan tình báo, an ninh khác của Mỹ. Haspel nhận được sự kính trọng rộng rãi trong các đồng nghiệp cùng cơ quan, đồng thời bà nhận được sự nâng đỡ rất lớn từ Tổng thống Trump và Giám đốc CIA Mike Pompeo, nhờ đó việc bổ nhiệm bà làm Phó Giám đốc CIA không gây phản ứng tiêu cực nào từ bên trong.

Tuy nhiên, cũng chính vì sự kiện bổ nhiệm Phó Giám đốc CIA, lý lịch quá khứ của Haspel đã được dư luận soi kỹ, và một đợt sóng dư luận nhiều chiều cũng xuất hiện xung quanh việc bổ nhiệm bà. Sau đó, mọi chuyện đâu cũng vào đấy khi dư luận lắng xuống. Trong lần bổ nhiệm này, dư luận lại một lần nữa nổi lên về những việc Haspel đã làm. Vấn đề được quan tâm nhiều nhất chính là việc bà từng tham gia vào chương trình tra tấn đầy tai tiếng của CIA trong giai đoạn đầu cuộc chiến chống khủng bố.

Trong 8 năm qua, các lãnh đạo CIA đã tìm mọi cách bảo vệ những người của cơ quan này từng tham gia vào chương trình tra tấn (nay đã bị cấm) trước sự công kích của dư luận và cả sự chế tài của Quốc hội. Đến thời Tổng thống Trump, tra tấn không còn bị xem là “tội lỗi”.

Bà Gina Haspel.

Haspel đã tham gia trực tiếp vào chương trình “luân chuyển tù nhân”, trong đó các phiến quân, nghi can khủng bố bị bắt được vận chuyển giao cho chính phủ các nước hợp tác với Mỹ để giam trong những nhà tù bí mật, thường gọi là “nhà tù đen”, và tại những nhà tù đó, họ bị tra tấn bằng những kỹ thuật dã man của CIA, do chính người của CIA thực hiện. Haspel được giao trực tiếp điều hành nhà tù bí mật ở nước ngoài đầu tiên của CIA tại Thái Lan mang bí danh Mắt Mèo (Cats Eye) từ năm 2002.

Bà đã trực tiếp chỉ đạo việc tra tấn dã man các tù nhân nghi can khủng bố, trong đó có hai tù nhân nổi tiếng là Abu Zubaydah và Abd al-Rahim al-Nashiri. Chỉ riêng Zubaydah đã bị áp dụng hình thức tra tấn “ván nước” đến 83 lần trong một tháng. Rốt cuộc, Haspel và nhóm điệp viên CIA quyết định dừng tra tấn vì thấy không có thông tin hữu ích nào để khai thác.

Các cuộc tra tấn tù nhân tại các nhà tù đen như Cats Eye đã được ghi âm và ghi hình video và lưu trữ trong các tủ hồ sơ bảo mật an toàn của Trạm CIA tại Thái Lan từ năm 2002 cho đến năm 2005 thì bị hủy.

Đến thời điểm này thì Haspel đã được điều về làm việc tại Tổng hành dinh CIA ở Langley, và tên của bà đã xuất hiện trong các bức điện truyền đạt lệnh hủy các băng ghi âm, ghi hình chứng cứ tra tấn đó. Khi vụ việc này được phanh phui, CIA khẳng định người ký lệnh hủy các chứng cứ tra tấn là Jose Rodriguez - Cục trưởng Cục Tình báo bí mật quốc gia thời điểm đó.

Việc Haspel tham gia trực tiếp vào chương trình tra tấn và hành động hủy chứng cứ đó là vết đen lớn nhất trong hồ sơ cá nhân của bà, khiến cho những lần bổ nhiệm của bà đều gặp phải sự phản đối từ dư luận bên ngoài và các nghị sĩ Quốc hội.

Khi bà được Giám đốc CIA John Brennan bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Tình báo bí mật quốc gia vào năm 2013, bà đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của nữ Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện, cũng vì việc bà từng tham gia chương trình tra tấn, cho nên đành phải chấp nhận giữ chức Quyền Cục trưởng trong một thời gian. Khi bà được (đương kim) Giám đốc CIA Pompeo đề cử giữ chức vụ Phó Giám đốc cơ quan này, một lần nữa dư luận và các nghị sĩ Quốc hội lại phản ứng mạnh mẽ.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc một người từng trực tiếp tham gia chương trình tra tấn bị cấm được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc CIA, rồi bà sẽ tiếp cận thế nào với vấn đề tra tấn? Trong khi đó, các tổ chức bảo vệ quyền con người ở Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối, yêu cầu Giám đốc CIA phải giải trình về lý do tại sao bổ nhiệm bà Haspel.

Một cuộc vận động rầm rộ từ trong Quốc hội cho đến cơ quan CIA để ủng hộ bà. Nghị sĩ Devin Nunes, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, đã tuyên bố trước công chúng tung hô về sự cống hiến tận tụy, tinh thần thẳng thắn và sự quan tâm sâu sắc của bà dành cho ngành tình báo.

Trong nội bộ CIA, các đồng nghiệp đồng loạt ca ngợi bà, cơ quan CIA ra thông báo khẳng định tính đúng đắn trong quyết định bổ nhiệm bà. Kể cả các cựu quan chức tình báo, như các cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper và Michael Morrel cũng đều viết thư ủng hộ việc bổ nhiệm Haspel. Kết quả của cuộc vận động này là bà Haspel được chuẩn y làm Phó Giám đốc CIA.

Với việc bà Haspel được Tổng thống Trump đề cử chức Giám đốc CIA, dư luận lại băn khoăn và chắc chắn cuộc phê chuẩn bà trong Quốc hội cũng sẽ rất căng thẳng. Tuy nhiên, có lẽ mọi việc rồi cũng sẽ đâu vào đấy, như từng xảy ra khi bà được bổ nhiệm Phó Giám đốc CIA.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.