Gruzia: Đoạn tuyệt cách mạng hoa hồng

Thứ Sáu, 01/11/2013, 15:15

Kết quả thăm dò phòng phiếu (exit poll) hôm chủ nhật 27/10 đã không ngoài dự đoán của giới quan sát: Người do Thủ tướng Bidzina Ivanishvili - liên minh Giấc Mơ Gruzia (Georgian Dream) đề cử đã dẫn đầu với tỉ lệ khá xa so với ứng cử viên kế tiếp, vì thế gần như chắc chắn sẽ trở thành Tổng thống mới của Gruzia.

Ứng cử viên do Tổng thống Mikhail Saakashvili giới thiệu là David Bakradze thuộc đảng Phong trào Quốc gia thống nhất (UNM) đã không qua được vòng bầu cử đầu tiên, bị đối thủ Giorgi Margvelashvili do Thủ tướng Ivanishvili giới thiệu bỏ rất xa phía sau. Ông Margvelashvili giành chiến thắng tuyệt đối với tỉ lệ hơn 2/3 phiếu (trên 60%), trong khi Bakradze chỉ giành được 20% phiếu ủng hộ, xếp thứ 2 trong tổng số 23 ứng cử viên.

Vậy là người dân Gruzia đã quyết định đoạt tuyệt với "Cách mạng hoa hồng" sau gần 10 năm trải qua những thăng trầm mà cuộc sống của họ vẫn quanh quẩn, không có gì đổi mới hơn trước. Cơ bản là vì, sau khi cách mạng thành công, đạt được một số mục tiêu sau cách mạng, thì bộ sậu của "Cách mạng hoa hồng" đâm ra tự thỏa mãn, thậm chí mâu thuẫn, chia rẽ, mù quáng chạy theo những chiếc "bánh vẽ", chạy theo cái bóng hư ảo của phương Tây.

Những kết quả bước đầu về chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc của bộ máy công quyền,… không tiếp tục được đẩy mạnh; mục tiêu phát triển đất nước, nâng cao đời sống người dân không được thúc đẩy với quyết tâm cao nhất như từng được thể hiện trong "Cách mạng hoa hồng". Chủ yếu Tổng thống Mikhail Saakashvili chỉ muốn lợi dụng "Cách mạng hoa hồng" làm bàn đạp cho mục tiêu "hướng Tây", cho nên ông đã làm đủ mọi cách để đưa đất nước Gruzia đi theo phương Tây.

Nổi cộm nhất là những nỗ lực quyết tâm gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời hợp tác chặt chẽ với Liên minh châu Âu trên nhiều lĩnh vực. Sự xa rời không gian đối ngoại truyền thống là bước đi sai lầm nghiêm trọng nhất của ông Saakashvili, xuất phát từ trào lưu tư tưởng "phương Tây cái gì cũng tốt đẹp" của thời kỳ hậu Xôviết. Bước sai lầm tiếp theo chính là cuộc chiến 5 ngày với Nga vào tháng 8/2008.

Thủ tướng Bidzina Ivanishvili chúc mừng chiến thắng của ông Giorgi Margvelashvili (trái) ngay trong đêm bầu cử 27/10.

Trong nước, sự tự mãn đến mức ngạo mạn của Saakashvili dần dần gây nên những hệ quả tai hại về mặt chính trị, tiêu biểu nhất là việc ông ta khuyến khích sự mạnh tay của hệ thống công quyền, dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền hành của các cơ quan an ninh, cảnh sát, khiến công chúng phẫn nộ, phản kháng tràn lan. Dấu hiệu của sự rạn nứt, quyền lực lung lay bắt đầu xuất hiện từ năm 2007-2008, với việc Tổng thống Saakashvili phải tổ chức bầu cử sớm nhằm giải tỏa khủng hoảng chính trị nội bộ.

"Cái chết của hoa hồng" ngày hôm nay thật ra cũng không có gì bất ngờ đối với giới quan sát. Từ khi ông Bidzina Ivanishvili giành chiến thắng trong kỳ bầu cử Quốc hội năm 2012 và lên làm Thủ tướng Gruzia từ tháng 10/2012. Hiến pháp Gruzia được sửa đổi sau cuộc bầu cử đó đã trao cho Thủ tướng đầy đủ các quyền hành pháp, khiến cho Thủ tướng có quyền hành nhiều hơn Tổng thống, lấn át vai trò của Tổng thống, và Saakashvili bắt đầu bị lép vế.

Liền sau đó là hàng loạt vụ việc bê bối liên quan đến người của ông Saakashvili, bộ sậu chính quyền thuộc vây cánh của ông. Sự đối đầu ngày càng gay gắt giữa Tổng thống Saakashvili với Thủ tướng Ivanishvili đã dẫn đến kết quả là vây cánh của Tổng thống hầu như bị vặt trụi, trong đó có cả một nhân vật được xem là sáng giá để kế vị ông, đủ khả năng đối đầu với người của Ivanishvili.

Một điều đáng chú ý sau cuộc bầu cử này là, với vai trò mờ nhạt, Tổng thống mới của Gruzia hầu như sẽ đi theo đường lối do Thủ tướng Ivanishvili vạch ra và lèo lái. Tỉ phú Ivanishvili với khối tài sản lên đến 5 tỉ USD, chiếm gần 30% tổng sản phẩm quốc nội Gruzia, công việc làm ăn trải dài từ Nga đến Gruzia, là một người thân Nga, nhiều năm sinh sống và làm ăn ở Nga trước khi về nước tham chính.

Thế nhưng, Ivanishvili lại không muốn tiếp tục ngồi ghế Thủ tướng mà chọn phương án thoái vị sau khi Tổng thống mới lên nhậm chức. Từ đây, một vấn đề lớn khác được đặt ra là ông sẽ chọn ai làm người thay thế để tiếp tục những chính sách, đường lối mà ông đã vạch ra

An Châu (tổng hợp)
.
.