“Hà Bá” chập chờn dưới chuyến đò ngang

Thứ Bảy, 03/05/2014, 15:20

Một khu vực sông nước, đi lại còn phụ thuộc vào các phương tiện đường thủy như xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang thì việc sang đò là một điều bắt buộc. Nhưng những chuyến đò không phao cứu hộ, không đáp ứng đủ độ an toàn vẫn hàng ngày vượt sông trong sự hồi hộp của rất nhiều hành khách lụy đò.

Tiềm ẩn hiểm nguy

Bến đò Khánh Hòa - Hòa Lạc đoạn đi qua xã Hòa Lạc là bến đò có nhiều khách qua lại trong ngày. Do kích thước và trọng tải nhỏ, các con đò chủ yếu vận chuyển hành khách đi bộ, khánh đi xe máy, với số lượng không quá 20 người. Tuy nhiên, chất lượng đò vẫn là điều đáng quan tâm.

Hầu hết các con đò đều được đưa vào sử dụng khá lâu, mũi đò được ghép đóng từ các tấm ván mảnh, không chắc chắn, đôi khi xảy ra tình trạng sập mũi đò, gây nguy hiểm đến tính mạng của hành khách. Thân đò không có lan can, nếu có cũng chỉ được dựng lên từ những khúc cây tạm bợ hoặc chằng chéo bằng dây nylon. Độ cao của lan can hai bên thân đò chỉ vừa ngang thắt lưng một đứa trẻ.

Bên cạnh đó, các chuyến đò hoàn toàn không được trang bị các thiết bị cứu hộ như áo phao, nếu xảy ra tình huống xấu hậu quả sẽ không lường.

Tương tự như bến đò Khánh Hòa - Hòa Lạc, bến đò Khánh Hòa - Thơm Rơm (đoạn đi Phú Hiệp, Phú Long) cũng không được trang bị áo phao, dây chằng mũi đò thưa thớt. Đặc biệt, bến đò này cặp sát mé sông trong khi mặt đường cao hơn bến đò rất nhiều, những phương tiện muốn di chuyển xuống bến đò phải đi xuống một con dốc thoải, không được tráng nhựa, cát đá gồ ghề khá nguy hiểm cho người đi đò.

Xuôi theo đoạn từ bến đò Khánh Hòa - Thơm Rơm thì đến bến đò Khánh Hòa - Phú Lạc. Không khá hơn, bến đò này cũng chung tình trạng, chẳng những thế đoạn dốc từ mặt đường xuống đến mũi đò quá xấu, khó điều khiển.

Chị Lệ Minh (23 tuổi, quê An Giang) cho biết: "Khi đò cặp bến, tôi lái xe từ dưới đò lên dốc cao để lên mặt đường thì bị trượt do cát quá nhiều và dốc đứng khiến tôi suýt bị té, nhờ những hành khách phía sau giúp đỡ tôi mới giữ được chiếc xe".

Đò hoàn toàn không trang bị áo phao, mũi đò bằng ván khá lỏng lẻo.

Mặc dù khoảng cách từ bờ bên này sang bờ bên kia sông không quá rộng nhưng sự nguy hiểm luôn rình rập bất cứ lúc nào. Cũng vì là đoạn sông hẹp nên việc di chuyển giữa các phương tiện đường thủy cũng chứa đựng nhiều nguy cơ.

"Có lần đò vừa khởi động, đi được một chút thì kẹt giữa sông vì một chuyến tàu chở gỗ rừng đi qua, mà chuyến tàu chở gỗ đó nẹp thêm bên hông tàu khá nhiều gỗ, vật dụng khác nên làm "ùn tắc" luôn. Trong tình huống đó, người ta đành thả trôi đò. Lúc chuyến tàu gỗ đã đi xa thì đò mới ỳ ạch khởi động giữa dòng. Lúc đò bị thả trôi, mọi người trên đò sợ lắm" - anh Chí (dân địa phương) cho biết.

Ngoài ra, những bến đò khác thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang như bến đò Rạch Gộc, bến đò Cây Dương, bến đò Vịnh Tre… cũng là những bến đò mang nhiều nỗi lo cho hành khách mỗi lần qua sông.

Xuất hiện móc túi, chèo kéo khách

Bên cạnh nỗi bất an về độ an toàn của những chuyến đò, bất an về tình trạng móc túi, chèo kéo khách mua vé số, sự hỗn loạn âm thanh trên đò cũng gây nhiều bức xúc cho hành khách.

Có những người dân mưu sinh bằng nghề bán vé số, bán băng đĩa dạo, dây thừng, bánh kẹo… luôn bám trụ tuyệt đối trên đò. Trong khi trọng tải đò thì hạn chế, việc ngồi lại trên đò  để buôn bán gây cản trở về vị trí, số lượng cho những hành khách cần sang sông. Đôi khi lợi dụng tình trạng đông đúc, chen lấn, một số đối tượng đã giở trò trộm cắp tài sản.

Chèo kéo khách mua vé số.

Việc chèo kéo khách mua vé số là nỗi bức xúc của khá nhiều người. Anh Trần Văn Long (45 tuổi, quê An Giang) cho biết: "Những người bán vé số hay ép khách mua mà không cần biết người mua có cần hay không. Một số người bán vé số thường dùng cách bỏ vé số vào túi, hay dí vào tay khách rồi bỏ đi quanh đò cứ như là đã bán. Họ cũng thường phát ép vé số cho nhiều người một lúc rồi sau đó đi lấy tiền, họ cũng nhớ được đã phát cho khách nào bao nhiêu tờ vé số. Nhiều người bực bội đành móc tiền trả cho xong. Có lần tôi không có tiền lẻ, người bán vé số tự lấy tiền tôi đang cầm trên tay, rồi đi đổi ra tiền lẻ trả lại cho tôi, coi như việc đã rồi”.

Bên cạnh đó còn có những người buôn bán băng đĩa hay thu âm sẵn những lời rao. Một khi tất cả cùng đồng loạt bật loa, cộng với tiếng động cơ đò gây ồn ào một cách khó chịu. Và những "âm thanh" ấy không cặp bờ mà liên tục di chuyển từ bờ này sang bờ khác. Chưa kể đến nạn ăn xin trên đò.

Có thể nói tất cả những gì đang diễn ra trên các chuyến đò ngang mà tôi chứng kiến, đều mang đến sự bất cập rất nhức nhối mà đến giờ chính quyền địa phương vẫn chưa biết phải ngăn chặn và xử lý như thế nào. Xin đừng để đến khi đắm đò mới lo… hậu quả!

Vĩnh Thụy
.
.