Hà Lan: Mâu thuẫn về tôn giáo dẫn đến khủng bố

Thứ Tư, 08/06/2005, 16:19

Tháng 11/2004, một đạo diễn theo chủ nghĩa tự do đã bị một kẻ lạ mặt sát hại tại Amsterdam. Vài chính khách Hà Lan bị đe dọa. Từ sự phẫn nộ của cộng đồng Hồi giáo đến hành động khủng bố, đẩy chủ nghĩa dân tộc cực đoan đến cao trào ở Hà Lan.

Theo Van Gogh, 47 tuổi, gọi họa sĩ lừng danh Vincent Van Gogh bằng bác, đã trải qua cuộc đời sóng gió. Ông là tác gia, nhà báo, giám đốc sản xuất phim, đạo diễn, diễn viên xuất sắc của Hà Lan. Từ cách biểu lộ tư tưởng bộc trực của bản thân khiến ông có nhiều kẻ thù. Cơn thịnh nộ chống Theo lên đỉnh điểm sau khi bộ phim "Submission" (Sự phán xét) của ông được công chiếu.

8h45 ngày 2/11/2004, một kẻ lạ mặt tấn công Theo ngoài tòa nhà Hội đồng thành phố Amsterdam khi ông đi xe đạp đến nơi làm việc. Tại đây, hắn đọ súng với cảnh sát và bắn trọng thương 2 người. Cuối cùng, tên giết người cũng bị cảnh sát bắn trọng thương. Hăn chính là Mohammed Bouyeri, 26 tuổi, tín đồ Hồi giáo cực đoan mang 2 quốc tịch Hà Lan - Maroc, có liên hệ với các nhóm thánh chiến Hồi giáo.

Mohammed Bouyeri - kẻ khủng bố.

Theo cảnh sát điều tra, động cơ thúc đẩy hắn giết Theo là muốn chứng tỏ quyền tự do cơ bản của công dân Hồi giáo châu Âu và lòng căm thù phương Tây khước từ giá trị Hồi giáo mà điển hình là bộ phim “Submission”!

Ali và nỗi ám ảnh Theo

Ayaan Hirsi Ali, 37 tuổi, người Somalia. Cô lưu lạc từ Arập Xêút đến Ethiopia, Kenya rồi Canada. Dù gia đình cô theo đạo Hồi, nhưng Ali luôn chống đối đạo Hồi khi cô trưởng thành và cho rằng Hồi giáo “chậm tiến”. Ali trốn đến Hà Lan tị nạn tôn giáo năm 1991. Cô tốt nghiệp Khoa Khoa học chính trị Đại học Leiden.

Năm 2002, cô gia nhập đảng Tự do Hà Lan (VVD), rồi trở thành nghị sĩ Hạ viện Hà Lan. Thời gian này, cô thu hút dư luận bằng việc chỉ trích một số điều luật Hồi giáo, khiến nhiều tín đồ Hồi giáo cảm thấy bị lăng nhục về giá trị đức tin của họ. Ali cũng bị đe dọa ám sát nên bên cô luôn có vệ sĩ riêng.

Cô viết kịch bản cho “Submission” và cùng Theo dùng phương pháp “gây sốc thị giác” để thu hút người xem; đồng thời nhấn mạnh nội dung Hồi giáo đã thực hiện “tục lệ độc ác thời Trung cổ” dùng bạo lực chống phụ nữ.

“Rửa tội bằng máu” và... đền tội!

Khi bị bắt, Bouyeri mang trong người bài thơ “Baptized in blood” (Rửa tội bằng máu), ngụ ý sẵn sàng “tử vì đạo”. Hắn cũng để lại bức thư dài 5 trang trên ngực Theo, đe dọa giết Ali cùng một số chính trị gia, kết tội Ali sắp đặt sức mạnh tội ác chống Hồi giáo với sự giúp đỡ của Chính phủ Hà Lan, đồng thời dọa khủng bố kẻ ủng hộ Ali tại các nước Âu - Mỹ.

Các chuyên gia phân tích thư phán đoán rằng, tên sát nhân có thể thuộc Al - Qaeda kết hợp với nhóm Hồi giáo quá khích. Dù sao, Hofstad, một tổ chức Hồi giáo cực đoan và các tổ chức khủng bố đều không nhận trách nhiệm mưu sát Theo. Bouyeri cũng không hé răng khai thêm.

Bouyeri bị buộc 6 tội danh về tổ chức tội phạm và khủng bố, sẽ ra tòa theo Đạo luật chống khủng bố mới của Cộng đồng châu Âu, sớm nhất là vào hè 2005.

Từ nỗi sợ hãi và cơn giận dữ...

Việc sát hại Theo làm bùng lên cơn bão lửa giận dữ trong dân chúng. 20.000 người đổ về Quảng trường Dam ở Amsterdam cầu nguyện và đòi trả thù cho Theo. Tình trạng căng thẳng chống Hồi giáo Hà Lan tăng cao từ sau vụ 11/9/2001, hình thành từ nỗi sợ khủng bố và làm trầm trọng định kiến chống giá trị Hồi giáo.

Biểu tình chống khủng bố và cầu nguyện cho Theo trên Quảng trường Dam.

Nhận thấy nguy cơ, cộng đồng Hồi giáo nhanh chóng kết tội Bouyeri và cho biết sẽ trừng trị thẳng tay những phần tử cực đoan. Nhưng điều này không đủ làm dịu cơn giận dữ chống khủng bố trong dân chúng.

Chính phủ Hà Lan tăng cường an ninh bằng việc bổ sung cảnh sát tuần tra, kiểm soát chặt chẽ người tình nghi quá khích tại các nơi như  trụ sở chính quyền, tòa đại sứ và địa điểm tôn giáo; hủy bỏ quốc tịch Hà Lan của kẻ quá khích có 2 quyền công dân; đóng cửa đền thờ Hồi giáo chống phương Tây...

Trong các tuần kế tiếp vụ sát hại Theo, khắp Hà Lan xảy ra vô số cơn bùng phát bạo lực quá khích, như xô xát, ném bom, tấn công đốt phá nhắm vào cộng đồng Hồi giáo nhằm trả thù cho Theo và đào sâu quan điểm cực đoan, phân biệt tôn giáo.

Đáp trả lại, tín đồ Hồi giáo quá khích thiêu hủy 2 nhà thờ Tin Lành ở Utrecht và Amersfort. Nhóm Hồi giáo chính thống Al-Tawahid dọa trả thù chính phủ và công dân Hà Lan nếu tình trạng tấn công, đốt phá cơ sở Hồi giáo vẫn tiếp diễn.

Sáng 10/11/2004, cư dân khu vực The Hague bị đánh thức bởi loạt tiếng nổ xé tai tại một tòa nhà mà chính phủ nghi ngờ chiến binh Hồi giáo ẩn náu trong đó. Cuộc tấn công có liên quan đến cuộc điều tra vụ sát hại Theo.

4 cảnh sát đặc nhiệm bị thương nặng. Khu vực cấm bay được thiết lập trên bầu trời thành phố. Cảnh sát bắn tỉa được bố trí trên nóc các nhà lân cận. Cư dân được sơ tán. Cuối cùng, khoảng 4h chiều, cảnh sát phun hơi cay vào nhà, kết thúc cuộc tấn công sau 14 giờ bao vây, bắt giữ 13 tín đồ Hồi giáo lẫn thành viên Hofstad.

Hai trong số 13 tên là công dân Mỹ - Hà Lan mang sứ mạng liên kết các tổ chức khủng bố quốc tế, trong đó có Al-Qaeda. 2 tên khác là người Tây Ban Nha gốc Maroc, thuộc Hofstad, có quan hệ mật thiết với Abdeladim Akoudad - người bị bắt ở Tây Ban Nha vì tài trợ cho Al-Qaeda trong vụ tấn công tự sát đầu năm 2003 khiến 33 người chết.

Mật vụ Tây Ban Nha - Hà Lan đang phối hợp xác minh các tên này đã cộng tác thế nào với bọn khủng bố quốc tế để đặt bom nhà ga Madrid, và phải chăng chúng là thành viên Al-Qaeda? Và như vậy, cuộc điều tra vụ sát hại Theo Van Gogh sáng tỏ dần...

Trần Thuyên (tổng hợp)
.
.