Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết về biển Đông và Hoa Đông

Thứ Sáu, 05/12/2014, 16:55
Ngày 20/11, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết H.Res-714, tái khẳng định: Các quốc gia trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực biển Đông và biển Hoa Đông cần thiết phải áp dụng các giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ hoặc khẳng định chủ quyền.

Việc phê chuẩn Nghị quyết này, được xem là sự khẳng định lập trường của Chính phủ Mỹ ủng hộ những nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, hỗ trợ tự do hàng hải và việc sử dụng các vùng biển, vùng trời ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế. Nghị quyết lên án mọi hành động cưỡng chế, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực nhằm cản trở quyền tự do tại các vùng biển và không phận quốc tế. Nghị quyết nhấn mạnh: Tự do hàng hải và việc sử dụng hợp pháp vùng biển và vùng trời đã được quy định trong luật pháp quốc tế, chứ không phải do bất kỳ nước nào ban phát. Chính phủ Mỹ quan ngại sâu sắc về những hành động đơn phương nhằm ngăn cản nước khác thực thi quyền chủ quyền đối với các nguồn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước đó thông qua những đòi hỏi chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế, tuyên bố thành lập đơn vị hành chính và quân sự trên các khu vực tranh chấp tại biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như áp dụng quy định đánh bắt cá mới tại các vùng tranh chấp, gây gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Nghị quyết kêu gọi Trung Quốc kiềm chế thực thi quyết định Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, coi đây là hành động đi ngược quyền tự do sử dụng không phận quốc tế, và không có hành động tương tự tại các vùng biển khác của châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), luôn được Chính phủ Mỹ xem là đồng minh và là đối tác của Mỹ, cần thể hiện vai trò tích cực cùng các bên liên quan bằng nỗ lực tìm các giải pháp công bằng và hòa bình trong vấn đề tranh chấp, thông qua việc thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Sau khi tự ý áp đặt vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông vào những ngày cuối năm 2013, bước sang đầu năm mới 2014, Trung Quốc lại đơn phương áp đặt một vùng "nhận dạng" trên biển Đông bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Quyết định tăng cường quyền hạn của cảnh sát Trung Quốc tại biển Đông và bắt buộc tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép khi vào hoạt động bên trong vùng biển mà Trung Quốc nhận là của mình gây quan ngại vì bị đánh giá là một hành vi độc chiếm lãnh thổ của các nước láng giềng đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền tại khu vực biển Đông. Vùng biển mà Trung Quốc muốn độc chiếm trải rộng trên 2 triệu km2, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một số nơi khác tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan. Tiếp đó, đến tháng 5, Trung Quốc lại ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trước hành động xâm phạm này, Việt Nam đã hết sức kiên trì trao đổi, tiến hành các cuộc tiếp xúc cấp cao với Trung Quốc, kiên trì sử dụng mọi biện pháp hòa bình để thực hiện yêu cầu Trung Quốc phải đưa ngay giàn khoan 981 ra khỏi Vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngừng ngay các hành vi gây căng thẳng tại khu vực. Quyết tâm và thiện chí của Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế ủng hộ và đánh giá cao.

PV
.
.