Hai tầng lớp giàu – nghèo làm phân hóa xã hội

Thứ Năm, 12/12/2013, 20:30

Trong bài phát biểu kêu gọi biểu tình sáng ngày 9/12, ông Suthep đã hùng hồn tuyên bố "quyết chiến trận cuối" để chấm dứt hẳn sự cầm quyền của bà Yingluck. Ông Suthep tiếp tục lặp lại luận điệu yêu cầu Chính phủ dân cử của bà Yingluck "phải có trách nhiệm trao quyền hành lại cho nhân dân".

Lãnh đạo PDRC, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã tổ chức họp báo tuyên bố rút toàn bộ 153 nghị sĩ PDRC khỏi Quốc hội và tham gia biểu tình để phản đối bà Yingluck. Tình hình khủng hoảng chính trị vì thế đã leo thang lên cấp độ nghiêm trọng hơn.

Báo chí Thái Lan và giới quan sát trong khu vực Đông Nam Á đang tỏ ra ngao ngán với màn biểu tình dữ dội của ông Suthep và thành phần đối lập ở Thái Lan.

Nicholas Farrelly, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Australia, nhận xét: "Đôi khi tôi lắng nghe những lời Suthep nói và tôi thắc mắc không biết ông ấy thật sự hy vọng đạt được điều gì".

Trong khi đó, báo chí Thái Lan tiếp tục đưa tin về những vấn đề pháp lý của bản thân ông Suthep. Sau khi từ chức đại biểu Quốc hội, ra khỏi đảng Dân chủ Thái Lan để làm thủ lĩnh biểu tình, Suthep đã bị 2 tòa án ở Thái Lan phát lệnh bắt với cáo buộc "phản quốc", "nổi dậy", với những cáo buộc này, ông Suthep có thể ngồi tù chung thân hoặc thậm chí bị tử hình nếu bị buộc tội.

Lãnh đạo đảng PDRC tuyên bố rút khỏi Quốc hội và tham gia biểu tình.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng hiện nay và những cuộc xung đột chính trị tại Thái Lan trong vài năm trở lại đây, giới quan sát nhận định rằng, Thái Lan đang bị chia rẽ sâu sắc giữa tầng lớp dân nghèo chiếm đa số ở vùng trồng lúa miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan với thành phần trung lưu, giàu có ở khu vực thành thị, đặc biệt là thủ đô Bangkok.

Đảng Puea Thai (và các đảng phái ủng hộ ông Thaksin trước đây) với các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ dân nghèo, người trồng lúa nên đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của cử tri các vùng này. Vì thế, mỗi khi tiến hành bầu cử thì đảng của ông Thaksin giành chiến thắng lập chính phủ mới, còn đảng đối lập PDRC thất bại, để rồi sau đó biểu tình rầm rộ lại nổ ra nhằm lật đổ chính phủ. Tình hình hiện nay cũng thế.

Đảng Puea Thai được dự báo sẽ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 2/2014 tới, và đảng PDRC chắc chắn sẽ lại thua. Đó chính là lý do lãnh đạo đảng PDRC tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc bầu cử.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep cũng từng tuyên bố muốn xoá bỏ hệ thống chính trị dân chủ hiện tại, yêu cầu lập ra cái gọi là "Hội đồng nhân dân" có quyền chỉ định lãnh đạo chính phủ mới không phải thông qua bầu cử như hiện nay cũng vì lẽ này. Ngày 9/12, Suthep tiếp tục tuyên bố cuộc bầu cử chắc chắn sẽ không thể giải quyết được bế tắc chính trị hiện nay.

Một cuộc bầu cử sớm tương tự đã từng được ông Thaksin tuyên bố vào năm 2006 cũng trong hoàn cảnh bị biểu tình phản đối rầm rộ như hiện nay. Khi đó, đảng PDRC cũng tẩy chay, không đưa người tham gia tranh cử khiến cho cuộc bầu cử bị Quốc vương Bhumibol Adulyadej tuyên bố "phi dân chủ" và sau đó Tòa án Hiến pháp tuyên "vô hiệu" bởi vì đảng Thai Rak Thai của ông Thaksin khi đó đã không thu được tỉ lệ phiếu 20% cần thiết ở miền Nam do đảng Dân chủ nắm đa số. Và ông Thaksin đã bị quân đội đảo chính khi cuộc bầu cử chưa kịp tiến hành.

Trong tình hình hiện tại, người ta vẫn không loại trừ khả năng quân đội sẽ lại thực hiện động thái can thiệp tương tự, mặc dù từ đầu cuộc khủng hoảng đến nay quân đội Thái vẫn giữ quan điểm trung lập, không muốn can thiệp.

Cho đến nay, tướng Tổng Tư lệnh quân đội Thái Prayuth Chan-ocha vẫn cố gắng đóng vai trò trung gian hòa giải nhằm duy trì sự ổn định cho đất nước. Một hệ quả tai hại của gần 1 tháng biểu tình đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước Thái Lan, đe dọa đến hoạt động của nền kinh tế và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào Thái Lan. Đó là lý do đã có nhiều doanh nhân ở Bangkok lên tiếng kêu gọi người biểu tình thôi xuống đường, quay trở lại công việc làm ăn thường ngày để tránh gây thêm thiệt hại cho kinh tế quốc gia

V.Trương (tổng hợp)
.
.