Hàn Quốc - Nhật Bản: Tất cả vì lợi ích của 2 nước

Thứ Tư, 21/01/2009, 13:00
Nhu cầu về phát triển kinh tế và mong muốn lấy lại niềm tin trong dân chúng của cả hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản đã đẩy hai quốc gia châu Á vốn có hiềm khích lâu đời xích lại gần nhau. Chuyến thăm Seoul lần này của Thủ tướng Taro Aso là một tín hiệu của sự ấm lên trong quan hệ hai nước.

Tuyên bố trong cuộc họp báo chung ngày 12/1 vừa qua sau cuộc họp thượng đỉnh 2 ngày tại Seoul trong khuôn khổ chuyến công du của nhà lãnh đạo Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak khẳng định Seoul và Tokyo đã đồng ý gác qua một bên những tranh chấp bắt nguồn từ lịch sử để xây dựng một quan hệ đối tác mới, bao hàm nhiều lĩnh vực với trọng tâm là kinh tế.

Chiều hướng cải thiện quan hệ giữa TokyoSeoul đặc biệt rõ nét từ tháng 10/2008 với những cuộc tiếp xúc gần như mỗi tháng một lần giữa hai nhà lãnh đạo Taro Aso và Lee Myung-bak.

Điểm nổi bật trong "quan hệ đối tác mới" này là vấn đề hợp tác kinh tế, rất cần thiết trong bối cảnh cả hai nước đều đang bị tác hại nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu và đã đứng bên bờ vực suy thoái.

Một cách cụ thể, trước sự thúc ép của những khó khăn kinh tế, Nhật Bản và Hàn Quốc đã quyết định tái khởi động cuộc đàm phán về một hiệp ước tự do mậu dịch giữa hai bên, đã gặp bế tắc từ năm 2004 đến nay.

Mặt khác, hai nước cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để phối hợp những nỗ lực đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chính là để giúp đỡ lẫn nhau, ngay từ tháng trước, Seoul và Tokyo đã mở rộng hạn mức quỹ hoán đổi ngoại tệ song phương từ 3 tỉ lên 30 tỉ USD.

Theo Phủ Tổng thống Hàn Quốc, hai bên sẽ đặc biệt phối hợp với nhau để cải tổ hệ thống tài chính của mình, hoạch định chính sách kinh tế cũng như vấn đề thương mại chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G20 vào tháng 4/2009 tại London, Anh.

Tuy nhiên theo nhận định chung, trong lĩnh vực kinh tế, Hàn Quốc đang rất cần đến sự trợ giúp của Nhật Bản. Tăng trưởng của nền kinh tế xếp hạng thứ 12 thế giới đã bị suy thoái với tỉ lệ tăng trưởng GDP -4% kể từ tháng 10 đến tháng 12/2008. Đối với Hàn Quốc, đạt được một thỏa thuận tự do mậu dịch với Nhật Bản là kịch bản tối ưu.

Ông Lee Myung-bak cho biết, Hàn Quốc sẽ mở đường cho sự hợp tác kinh tế giữa đôi bên để làm giảm bớt sự bất quân bình về mậu dịch hiện nay đang ở mức 30 tỉ USD/ năm.

Thực tế cho thấy, hiện nay Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak chỉ được 23% dư luận ủng hộ, trong khi tỉ lệ tín nhiệm dành cho Thủ tướng Nhật Taro Aso là 19%. Trong bối cảnh đó, không ai ngạc nhiên là tại Seoul lần này, hai vị lãnh đạo cần thúc đẩy thêm hợp tác để đối phó với khủng hoảng kinh tế.

Theo những thông tin tại Nhật hiện nay, Thủ tướng Taro Aso đang đứng trước nguy cơ mất chính quyền. Một số thành viên đảng Tự do Dân chủ bất đồng với đường lối kinh tế của Thủ tướng Taro Aso.

Ngày 14/1 vừa qua, ông Yoshimi Watanabe, đương kim nghị sĩ, cựu Bộ trưởng Bộ Cải tổ hành chính của Tokyo, đã xin ra khỏi đảng Tự do Dân chủ với lý do ông hoàn toàn bất đồng với đường lối kinh tế của chính phủ.

Là một gương mặt uy tín trên chính trường Nhật, việc ông Watanabe tấn công công khai vào Thủ tướng Taro Aso đang khiến nhiều nhà bình luận cho rằng đảng Tự do Dân chủ đang trên đà suy vong và khó tránh khỏi sự thất bại trong cuộc tổng tuyển cử được dự báo sẽ tổ chức vào khoảng tháng 9/2009.

Ông Watanabe còn đưa ra đánh giá những chính sách của chính phủ đã bị xói mòn bởi bệnh quan liêu, và do một mặt không thể vực dậy kinh tế Nhật Bản, mặt khác đã xa rời quần chúng. Bởi vậy ông Watanabe đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu thông qua ngân sách được tổ chức ngày 14/1 tại Hạ viện. Các nhà phân tích cho rằng, đảng Tự do Dân chủ Nhật đang bị chia rẽ trong nội bộ và sẽ còn bị phân hóa từ đây đến tổng tuyển cử.

Các cuộc thăm dò mới  nhất đều cho thấy điểm tín nhiệm ông Taro Aso đã giảm đi rất nhiều, rơi xuống dưới ngưỡng 20%. Đây là tín hiệu báo động bởi vì trong quá khứ, không một chính phủ Nhật Bản nào tồn tại nổi, nếu không được ít nhất 30% cử tri ủng hộ. Nguy hiểm nhất cho chính phủ là dư luận Nhật Bản tỏ ra không mấy tin tưởng vào kế hoạch chấn hưng kinh tế của Tokyo, cho dù Thủ tướng đã đề nghị chi đến 1.300 tỉ USD cho dự án này.

Chính vì nhu cầu thắt chặt quan hệ kinh tế mà trong vấn đề chính trị, nhân cuộc họp thượng đỉnh vừa qua, cả Thủ tướng Nhật Bản lẫn Tổng thống Hàn Quốc đều tránh không đề cập đến những tranh chấp dai dẳng giữa hai nước, về quá khứ quân phiệt của Nhật Bản đối với Triều Tiên hay vụ tranh giành quần đảo mà người Hàn Quốc gọi là Dokdo và người Nhật Bản gọi là Takeshima.

Hai bên đã quyết định nhấn mạnh đến những điểm tương đồng như vấn đề Afghanistan mà hai đồng minh của Mỹ tại châu Á đều quan tâm. Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso xác định: "Hợp tác trong lĩnh vực phát triển là một cơ hội để hai nước củng cố thêm quan hệ. Hai nước đã quyết định cùng hợp tác với nhau để giúp Afghanistan phát triển, vì đó là một quốc gia quan trọng cho sự an toàn của thế giới".

Lĩnh vực hợp tác khác mà hai nhà lãnh đạo cùng đề cập tới là việc giải trừ vũ khí hạt nhân CHDCND Triều Tiên. Trong buổi họp báo chung, hai nhà lãnh đạo Nhật-Hàn khẳng định sẽ làm việc với chính quyền của Tổng thống tân cử Mỹ Barack Obama để xúc tiến cuộc đàm phán nhằm chấm dứt vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên mà hiện nay đang bị bế tắc.

Theo các nhà quan sát, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu quyết định đẩy mạnh hợp tác Hàn - Nhật có thể giúp cho lãnh đạo hai nước này lấy lại được uy tín đang sút giảm trong nước hay không. Tất cả còn tùy thuộc vào việc họ phục hồi nền kinh tế của mình đến mức nào

Nguyễn Lê Bảo Phương (Tổng hợp)
.
.