Hàng loạt bê bối trong Cơ quan Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Hai, 27/02/2012, 21:00

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, bên trong Tổ chức tình báo quốc gia (MIT) của Thổ Nhĩ Kỳ liên tục xảy ra những vụ việc tai tiếng khiến cho hình ảnh của cơ quan này ngày càng bị lu mờ trong cộng đồng an ninh quốc gia. Trong loạt vụ việc mới nhất còn có sự dính líu của Giám đốc MIT Hakan Fidan, và cũng có dư luận cho rằng MIT đã bị Syria cài người vào bên trong.

Từ vụ "đi đêm với người Kurd"…

Theo tờ Hurriyet Daily của Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 11/2/2012, công tố viên Sadrettin Sarikaya - người thụ lý điều tra các hoạt động khủng bố liên quan đến tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK), đã bị Chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan thuyên chuyển khỏi chức vụ và chuyển sang công tác khác. Cùng thời gian đó, 2 chỉ huy cao cấp của thành phố Istanbul liên quan trong cuộc điều tra cũng đã bị điều chuyển về Ankara.

Sự va chạm giữa công tố viên Sadrettin Sarikaya với Thủ tướng Erdogan xoay quanh việc xử lý vấn đề PKK. Ngày 8/2/2012, công tố viên Sadrettin Sarikaya đã ra trát đòi Giám đốc MIT Hakan Fidan cùng 4 người nữa ra tòa trả lời thẩm vấn để phục vụ cuộc điều tra liên quan đến tổ chức khủng bố PKK. Tuy nhiên, cả Hakan Fidan và 4 người kia (gồm cựu Giám đốc MIT Emre Taner, cựu Phó Giám đốc Afet Gunes cùng 2 trợ lý Yasar Yildirim và Huseyin Kuzuoglu) đều không ra trình diện trước tòa theo yêu cầu của công tố viên.

Giám đốc MIT Hakan Fidan.

Vì thế, ngày hôm sau, 9/2/2012, công tố viên Sadrettin Sarikaya đã ra lệnh bắt giam ông Hakan Fidan và 4 người liên quan, nhưng cả 5 người đều không tuân lệnh. Hiện Thủ tướng Erdogan và đảng Công lý và phát triển (AKP) đang gấp rút chuẩn bị một dự thảo luật mới, trong đó quy định việc truy tố hay bắt giam các quan chức và điệp viên của MIT phải thông qua và phải được sự đồng ý của Thủ tướng.

Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, việc công tố viên Sadrettin Sarikaya ra trát đòi Giám đốc Hakan Fidan và 4 người của MIT có liên quan đến vụ bê bối "đi đêm với người Kurd" đã từng được báo chí Thổ Nhĩ Kỳ phanh phui vào năm 2011 và Chính phủ của Thủ tướng Erdogan đang cố gắng ngăn cản không cho vụ việc bị xới tung trở lại vì e ngại có thể ảnh hưởng đến chiến lược của ông Erdogan đối với người Kurd.

Vụ bê bối đó bao gồm những cuộc gặp bí mật giữa giới chức tình báo MIT và đại diện lãnh đạo tổ chức Liên đoàn các cộng đồng người Kurd (KCK) - một tổ chức chính trị đại diện cho PKK tại các thành phố Istanbul và vùng Anatolia. Một cuộc họp như thế diễn ra vào năm 2010 tại thủ đô Oslo của Na Uy đã bị báo chí theo dõi và đặt máy nghe lén, sau đó nội dung cuộc họp đã được tung lên mặt báo, gây nên vụ bê bối lùm xùm kéo dài một thời gian.

Theo lập luận của Văn phòng Thủ tướng Erdogan, những cuộc gặp giữa giới chức MIT với các tổ chức của người Kurd (KCK và PKK) đã từng được tiến hành nhiều lần trong nhiều năm, và chúng được tiến hành theo mệnh lệnh chính trị trực tiếp của Thủ tướng Erdogan. Do đó, việc công tố viên Sadrettin Sarikaya triệu tập ông Hakan Fidan ra hầu toà được xem là một hành động nhắm vào Thủ tướng Erdogan, vượt quá thẩm quyền của toà án và đi ngược lại mục tiêu của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc xử lý vấn đề người Kurd.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ e ngại rằng nếu Hakan Fidan tuân theo lệnh công tố viên mà ra toà "khai lung tung" sẽ làm lộ kế hoạch của Chính phủ là tìm cách cài người vào bên trong các tổ chức PKK và KCK. Thực tế MIT đã cài được người vào bên trong PKK lẫn KCK từ nhiều năm nay, và đôi khi cũng có xảy ra sự cố khiến người của MIT bị lộ tẩy và bị các tay súng PKK thủ tiêu.

… đến vụ bắt cóc Đại tá quân đội Syria đào ngũ

Huseyin Mustafa Harmus.

Những vấn đề bê bối trong MIT không chỉ dừng lại ở vụ bê bối nêu trên. Mới đây, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giam một điệp viên của MIT chỉ được biết bằng tên gọi tắt là O.S. O.S. bị bắt vì liên quan đến vụ mất tích của đại tá Huseyin Mustafa Harmus, thuộc quân đội Syria đào ngũ. Đáng chú ý, đại tá Harmus chính là người đã tham gia thành lập nên cái gọi là Quân đội Syria tự do (FSA) hiện đang là lực lượng vũ trang chủ đạo chống Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Theo tờ báo Hurriyet Daily của Thổ Nhĩ Kỳ, đại tá Harmus đào ngũ và vượt biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 6/2011. Sau đó, ông ta tham gia thành lập FSA, được Ankara cho phép tị nạn và dựng trại cho tá túc tại tỉnh Hatay, miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ. Từ khi đào ngũ, đại tá Harmus đã trở thành một trong những tiếng nói chống đối Tổng thống Syria Assad mạnh miệng nhất, thường xuyên tạo nên dư luận chống Chính phủ Syria từ bên ngoài. Chính phủ Syria đã phản ứng lại bằng cách tuyên bố Harmus là "kẻ phản bội" và treo giá 100.000 USD cho ai bắt được ông ta.

Thế rồi đùng một cái, ngày 29/8/2011, Harmus bỗng dưng biến mất không để lại dấu vết. Sau vài tuần điều tra, cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ mới phát hiện ra hành tung bí mật của O.S. O.S. đã tập hợp 4 người đồng phạm để giúp anh ta thực hiện kế hoạch bắt cóc Harmus rồi sau đó giao cho Chính phủ Syria để lấy tiền thưởng.

O.S. bắt cóc Harmus bằng cách làm giả giấy tờ để được phép hộ tống Harmus di chuyển đến một khu trại tị nạn khác ở vùng Anatolia, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, và nhân cơ hội bắt cóc Harmus. Sau đó, O.S. giao Harmus cho 2 người cộng sự của mình để đưa về Syria giao nộp cho Chính phủ Syria. Điều lạ là sau khi giao nộp Harmus, O.S. không sang Syria nhận tiền thưởng ngay mà đợi vài tháng sau mới đi nhận.

Ngày 3/2/2012, O.S. lái xe sang Syria lĩnh thưởng. Trên đường trở về nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ, O.S. bị bắt, với tang chứng là số tiền 100.000 USD được cất giấu trong xe. Trước đó, cả 4 đồng phạm của anh ta đã bị bắt. Còn Harmus ngay sau đó đã bị hành quyết tại Syria

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.