Hãy để Biển Đông bình yên

Thứ Sáu, 12/06/2009, 20:05
Tranh chấp ở Biển Đông là điều không mới. Và đáng nói hơn là biển động do con người gây ra. Trong những ngày qua, dư luận rất lo lắng trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông xung quanh việc Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Một điều cũng cần lưu ý là lệnh cấm này đúng vào vụ đánh bắt cá cao điểm hàng năm của ngư dân. Họ cấm đánh bắt cá từ ngày 16/5 đến 1/8/2009, tại những vùng biển kéo dài từ 12 độ vĩ Bắc lên trên 20 độ vĩ Bắc, tức từ vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam đến đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Theo những ngư dân lành nghề cho biết, trong khu vực này, có vùng biển nước xanh "sóng yên bể lặng", phía trong Hoàng Sa sâu vài trăm mét, ngư dân các tỉnh miền Trung nước ta thường đến đánh bắt cá và tránh bão. Đó cũng là ngư trường truyền thống của bà con làm nghề cá ở miền Trung nước ta. Nhưng giờ đây, trước những diễn biến phức tạp, những con thuyền phải tạm thời ngừng ra khơi...

Thực ra, theo các nguồn tin, sau khi thành lập Cục Chuyên trách Lãnh hải, Trung Quốc đưa ra lời cảnh báo với các nước trong khu vực về các đảo ở biển Đông, đệ trình lên Liên Hiệp Quốc những đề nghị bước đầu về biên giới bên ngoài của thềm lục địa 200 hải lý và công bố lệnh cấm đánh bắt cá như đã nêu trên.

Tàu đánh cá của ngư dân Đà Nẵng đang phải nằm bờ.

Tiếp đó, ngày 19/5/2009, Trung Quốc tiếp tục điều các tàu "ngư chính" xuất phát từ đảo Hải Nam để bắt đầu đợt tuần tra mới ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trong thời gian 15 ngày, nhằm mục đích kiềm chế sự gia tăng các hoạt động đánh bắt thủy hải sản "bất hợp pháp" và "tăng cường bảo vệ các quyền lợi và các lợi ích của Trung Quốc ở khu vực này".

Các nhà quan sát cũng còn nhớ, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn nguồn tin từ Cục Quản lý an toàn hàng hải Trung Quốc cho biết từ ngày 17/4/2009 đã bắt đầu các cuộc tuần tra phối hợp với lực lượng chính là các tàu tuần tra biển cùng với trực thăng quân sự. Và cũng đã xảy ra việc tàu của Trung Quốc xua đuổi, ngăn cản tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam tại các vùng biển mà từ bao đời nay họ vẫn ra khơi đánh bắt cá. Những động thái đó khiến dư luận trong khu vực và đặc biệt là ngư dân Việt Nam rất lo ngại.

Phản ứng trước những diễn biến trên của Trung Quốc, ngày 16/5/2009, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng nói: "Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động của nước ngoài đối với hai quần đảo này cũng như trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các khu vực này.

Trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp ở biển Đông, Việt Nam cho rằng các bên liên quan cần tuân thủ Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông" (DOC), không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực".

Theo tin Bộ Ngoại giao, tiếp đó, ngày 4/6 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã giao thiệp với Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường, lưu ý việc phía Trung Quốc gần đây thực hiện lệnh cấm đánh cá tại một số vùng biển trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và tăng cường tàu tuần tra, bắt, phạt tàu cá tại những vùng biển này.

Thứ trưởng cho rằng điều đó đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam tại ngư trường truyền thống của Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận, không có lợi cho quan hệ hai nước, đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở công việc làm ăn của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đại sứ Trung Quốc đã hứa sẽ báo cáo về nước đề nghị nêu trên của phía Việt Nam.

Theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Trên toàn bộ vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thì mọi công dân Việt Nam đều có quyền ra biển để khai thác tài nguyên, đánh bắt hải sản.

Mới đây, ngày 7/5/2009, Chính phủ Việt Nam đã trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc Báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Trước đó, ngày 6/5/2009, Việt NamMalaysia cũng đã phối hợp trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc Báo cáo chung về khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước. Việc trình các báo cáo này là việc làm bình thường của quốc gia thành viên nhằm thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng  quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Còn theo ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội đã cho giới báo chí biết rằng, hiện nay, theo cơ chế, hàng ngày Bộ Quốc phòng, lực lượng biên phòng đều có báo cáo với các cơ quan hữu quan trong đó có  Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội về diễn biến tình hình.

Trước tình hình này, các cơ quan chức năng, các lực lượng bảo vệ chủ quyền trên biển có trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên biển Việt Nam. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn thông tin cho ngư dân biết được rõ khu vực nào có thể đánh bắt cá, khu vực nào nhạy cảm và có thể nguy hiểm. Đồng thời họ cũng cần tăng cường các biện pháp tự vệ, hỗ trợ nhau khi bị tàu lạ tấn công ở vùng biển đánh bắt cá hợp pháp của mình.

Trên phương diện ngoại giao, tuân thủ nguyên tắc chung sống hòa bình, giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, chúng ta mong muốn các nước có liên quan đến biển Đông cần phải thực hiện tốt quy tắc chung về ứng xử trên biển Đông mà các bên đã có cam kết, không làm tình hình biển Đông phức tạp thêm và đưa biển Đông trở lại bình yên

Thanh Đàm
.
.