Hình thành Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbe

Thứ Bảy, 10/12/2011, 11:20

Tổ chức Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbe (CELAC) đã chính thức đi vào hoạt động sau khi làm lễ ra mắt tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của khối diễn ra tại Caracas, Venezuela, hôm 2 và 3/12/2011. CELAC sẽ hoạt động như một tổ chức thay thế Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) để giải quyết những vấn đề chung của khu vực, và được đánh giá là sẽ càng đẩy Nam Mỹ rời xa hơn ảnh hưởng của Washington.

Mục tiêu cao nhất của việc hình thành CELAC là nhằm tạo ra một diễn đàn khu vực để giải quyết một cách hiệu quả những xung đột trong khu vực, xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các quốc gia thành viên và thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến tới một khu vực thịnh vượng chung. Đây đồng thời cũng là mục tiêu mà nhà cách mạng giải phóng dân tộc Simon Bolivar từng hướng đến trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Phát biểu tại lễ ra mắt CELAC, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cho rằng, CELAC ra đời là kết quả tất yếu của một quá trình vận động hòa nhập giữa các quốc gia Mỹ Latinh, là bước cuối cùng hiện thực hóa ước mơ và dự định mà nhà cách mạng giải phóng dân tộc Bolivar đã quyết tâm thực hiện từ cách đây 200 năm. CELAC sẽ bao gồm 33 quốc gia trong khu vực Nam Mỹ và Caribbe, kể cả Mexico, nhưng sẽ không có Mỹ và Canada. Tổng thống Chavez kêu gọi các quốc gia thành viên CELAC đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, độc lập hơn nữa đối với ảnh hưởng của Mỹ.

Ý tưởng về việc hình thành một tổ chức thống nhất các quốc gia Mỹ Latinh đã xuất hiện từ cách đây hơn một thập niên và được thúc đẩy bởi những quốc gia chủ chốt trong khu vực, đặc biệt là Brazil và Venezuela. Kế hoạch thành lập CELAC đã được 24 quốc gia thành viên Nhóm Rio đưa ra bàn bạc tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2008 do Tổng thống Brazil khi đó là Luis Inacio Lula Da Silva chủ trì. Brazil cũng là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định mục tiêu chung cho nhóm.

Và tại Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của Nhóm Rio (còn gọi là Hội nghị thống nhất) diễn ra tại Mexico vào ngày 23/2/2010, kế hoạch hình thành CELAC lần đầu tiên được thông báo trước công luận. Trong kế hoạch đó, CELAC sẽ là tổ chức kế thừa Nhóm Rio và Hội nghị thượng đỉnh Nam Mỹ và Caribbe về Hội nhập và phát triển (CALC). Sau đó, vào tháng 7/2010, Tổng thống Venezuela Chavez và Tổng thống Chile Sebastián Pinera đã được bầu chọn làm đồng chủ tịch lâm thời để chủ trì việc biên soạn hiến chương, quy chế hoạt động và các văn kiện, quy định khác phục vụ cho việc thành lập CELAC. Nghị viện Mỹ Latinh cũng sẽ được chuyển sang là cơ quan lập pháp chủ yếu cho CELAC.

Với việc CELAC đi vào hoạt động, OAS đang ngày càng trở nên không còn phù hợp trong khu vực Mỹ Latinh và Caribbe. Tổng thống Ecuador Frafael Correa thậm chí còn đề nghị CELAC tách hẳn ra khỏi Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ (IAHRC) để thành lập một ủy ban nhân quyền riêng của khối. Thực ra, từ nhiều năm nay, OAS đã bị nhiều quốc gia trong khu vực phản đối vì đưa ra cách giải quyết thiếu khách quan, không phù hợp với điều kiện thực tế những vấn đề, những xung đột, bất hòa trong khu vực, chủ yếu phục vụ lợi ích chiến lược của Mỹ. Bởi thế mà một số nguyên thủ quốc gia Mỹ Latinh thậm chí còn gọi OAS là "công cụ" để Mỹ thực thi chính sách bá quyền tại "sân sau" Mỹ Latinh. Do vậy, việc hình thành CELAC cũng sẽ làm giảm hơn nữa ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Với CECAL, Mỹ sẽ không còn là đối tác chính trong ngoại giao khu vực Mỹ Latinh. Điều này đang khiến cho giới chức lãnh đạo ở Washington khó chịu. Đã có những lời lẽ mỉa mai, phê phán, thậm chí "bới lông tìm vết"  nhắm vào các nước tham gia CELAC. Thực tế cho thấy, CELAC chỉ là kết quả cuối cùng của cả một quá trình dài Mỹ Latinh đấu tranh tìm cách tách ra xa khỏi ảnh hưởng của Mỹ. Quá trình đó càng được đẩy mạnh bởi làn sóng cánh tả lên nắm quyền trong khu vực, từ Venezuela, Nicaragua, Bolivia, Ecuador,… cho đến Uruguay, Paraguay và Costa Rica. Mỹ Latinh ngày nay hầu như đã thuộc về cánh tả (ngoại trừ Colombia, Mexico). Về kinh tế, Mỹ Latinh cũng đang trở thành "vùng đất mới" để Trung Quốc mở rộng quan hệ đối tác làm ăn. Với việc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Brazil và Chile, đồng thời tăng cường ngoại giao, viện trợ kinh tế cho Venezuela và Nicaragua, Trung Quốc đang dần dần lấn sân Mỹ trong khu vực. Điều này đang đặt ra một viễn cảnh Washington sẽ mất hẳn Mỹ Latinh trong một tương lai không xa.

Ngoài việc chính thức ra mắt CELAC, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của CELAC còn tập trung thảo luận, tìm hướng giải quyết cho một số vấn đề quan trọng của khu vực, như xây dựng các quy tắc thủ tục chung và các thiết chế dân chủ. Ngay trong năm đầu tiên hoạt động, Chile là quốc gia chủ tịch luân phiên của CELAC. Ngoại trưởng Chile Alfredo Moreno cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của năm đầu tiên này sẽ là "thúc đẩy nhân quyền và dân chủ". Ngoài ra, CELAC cũng sẽ cùng nhau tìm phương hướng giải quyết các vấn đề thiết thân khác, như chống sản xuất và buôn bán ma túy, phát triển hạ tầng giao thông phục vụ cho phát triển kinh tế. Sắp tới, sẽ còn nhiều việc phải làm để CELAC ngày càng hoàn thiện, trở thành một tổ chức vững mạnh, thay thế OAS

An Châu (tổng hợp)
.
.