Hình vẽ bí ẩn trong hang Khố Mỷ, Hà Giang

Chủ Nhật, 29/09/2013, 16:20

Ẩn sâu trong khu rừng già gần biên giới Việt - Trung, hang Khố Mỷ đã từ lâu nổi tiếng khắp cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) là một hang động đẹp, đầy chất trữ tình.

Tháng 4/2011, trong đợt khảo sát du lịch trên cao nguyên đá Đồng Văn, đoàn khảo sát do giáo sư người Bỉ Artur Agostinho de Abreu e Sa dẫn đầu đã phát hiện được những hình vẽ trong hang Khố Mỷ.         

Hang Khố Mỷ được đặt theo tên thôn Khố Mỷ, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ nằm cách thị trấn Tam Sơn gần 20km về phía tây. Theo tiếng địa phương: Khố Mỷ có nghĩa là người con gái đẹp.

Mới đây, đoàn khảo sát Viện Khảo cổ học Việt Nam do PGS. TS. Trình Năng Chung đẫn đầu đã đến hang nghiên cứu những bức họa này. Hang Khố Mỷ có cửa hình tam giác lệch, quay hướng bắc, chếch đông 150. Khu vực cửa hang dốc từ ngoài vào trong, nền hang khá dốc và thấp so với khu vực ngoài cửa hang khoảng 8 - 10m. Lòng hang rộng, dao động 30 - 40m, hang dài hàng trăm mét. Trong phạm vi khoảng 30m cách cửa hang nhận được ánh sáng mặt trời, càng vào trong càng tối, nền hang ẩm ướt. Hiện nay, nền hang đã được cải tạo, san gạt khá bằng phẳng tạo điều kiện cho khách đến tham quan cảnh đẹp của hang. Trần hang cao, rộng, nhiều nhũ phủ.

Từ cửa hang đi vào khoảng 40m, bên trái hang là vách đá thẳng đứng. Khu vực này rất thiếu ánh sáng, nếu không có đèn không thể nhận biết được cảnh vật xung quanh. Đây là nơi những hình vẽ được tìm thấy trên vách trong chiều cao khoảng 1,5m-1,6m, vừa tầm tay người lớn.

Tại đây, trong khoảng diện tích vách với chiều dài 1,1m, chiều rộng khoảng 0,45m, các hình vẽ thể hiện  4 con người đứng gần như song song nhau, cách nhau từ 25-30cm, mặt ngoảnh sang bên trái, hai tay dang ngang, hơi chếch chéo. Tay trái giơ cao hơn tay phải tạo đường xiên chéo. Thân thẳng, chân đứng hơi dạng, trong tư thế như người giơ tay múa. Có hai hình vẽ người còn khá nguyên vẹn, hai hình vẽ khác chỉ còn nhận biết phần đầu, các phần còn lại đã bị mờ.

Đáng chú ý là phần đầu người có bộ phận mồm kéo dài như mõm động vật với hai chiếc sừng nhỏ, dài thẳng trên đầu. Kích thước đo được trên hình vẽ: Chiều cao người trung bình từ 30 - 32cm, hai tay dang ngang rộng  30 - 32cm, đôi sừng dài 19-20cm. Xét tổng quát cho thấy hình vẽ người khá cân đối trong tỷ lệ nhân trắc học.

Chất liệu vẽ có màu đỏ sẫm. Khi so sánh với nhiều chất liệu vẽ, viết trên vách đá ở một số nơi khác như ở Ninh Bình, Cao Bằng, các nhà nghiên cứu cho rằng người xưa ở Khố Mỷ đã nghiền đá thổ hoàng (một loại khoáng chất có màu đỏ sẫm) trộn với dầu hoặc nhựa thực vật hòa với nước làm mực vẽ.

Tác giả và các hình vẽ trên vách hang Khố Mỷ.

Về nội dung hình vẽ, các nhà nghiên cứu cho rằng đây là những hình vẽ của người tiền sử, được thể hiện theo phong cách tả thực một buổi lễ với sự nhảy múa của tốp người hóa trang thành loài thú có 2 sừng dài. Có lẽ là buổi lễ liên quan đến lễ hội cầu săn bắn hoặc liên quan đến Tô tem giáo. Cần lưu ý là những hình vẽ này được thực hiện trong hang sâu tối tăm mang tính chất huyền bí.

Tại khu vực Đông Nam Á, các bích họa tìm thấy trong hang động tiền sử thường miêu tả cảnh người săn bắt động vật. Đó là những bích họa hang động trên đảo Flores, Indonesia; trong sơn khối đá vôi vùng Ipoh miền Trung Malaysia; hoặc ở vùng núi Silpa thuộc miền Nam Thái Lan. Thông thường, người ta tìm thấy nhiều di vật khảo cổ trong lòng hang, nơi có các bích họa. Đó là những dấu tích vật chất của chủ nhân các hình vẽ trong hang.

Cho đến nay, trên cao nguyên đá Đồng Văn, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều di tích của người nguyên thủy ở các huyện Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh. Liệu những hình vẽ trên vách đá hang Khố Mỷ có phải là tác phẩm của họ hay không và nội dung, niên đại đích thực của những hình vẽ là gì? Đó là điều đang thôi thúc các nhà nghiên cứu tìm câu trả lời...  

Những hình vẽ ở hang Khố Mỷ tuy quy mô còn nhỏ, nhưng có giá trị về văn hóa và lịch sử. Loại di tích này còn ít được tìm thấy trên đất nước ta, do vậy chúng ta cần giữ gìn bảo tồn chúng như viên ngọc quý trên cao nguyên đá Đồng Văn

Trình Chuông
.
.