Hồ sơ hạt nhân Iran sắp khép lại

Thứ Tư, 20/11/2013, 18:30

Cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran với các cường quốc thế giới đang đạt được những tiến bộ bất ngờ. Ngày 20/11, các bên tiếp tục thảo luận và người ta hy vọng hội nghị này sẽ đề ra được một lộ trình cụ thể giúp giải quyết mâu thuẫn lâu nay giữa phương Tây và Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Kể từ khi ông Hassan Rouhani theo đường lối ôn hòa, đắc cử Tổng thống Iran vào tháng 8 cho đến nay, quan hệ giữa Iran và các nước phương Tây đã được cải thiện đáng kể. Không có bất kỳ một lệnh trừng phạt mới nào đối với Tehran được áp đặt từ đó đến nay, nhiều cuộc đối thoại trực tiếp và gián tiếp đã diễn ra giữa ban lãnh đạo mới của Iran với thế giới Tây phương. Đáng kể nhất phải nói đến những thành quả vừa đạt được giữa Iran và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Ngày 11/11/2013, Iran và IAEA thông báo đã đạt được thỏa thuận gồm 6 điểm về lộ trình hợp tác liên quan đến hồ sơ hạt nhân Iran. Điểm quan trọng nhất là chính quyền Iran đồng ý để cho các thanh tra của Liên Hiệp Quốc đến giám sát tình hình tại khu nhà máy nước nặng Arack và khu vực khai thác chất uranium ở Gachin, gần Bandar Abbas, miền Nam Iran. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong các vòng đàm phán giữa Iran và quốc tế.

Theo người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran, ông Ali Akbar Salehi, các bên đề ra thời gian 3 tháng để tái tạo tin tưởng lẫn nhau. Tiếp theo đó, IAEA và Tehran sẽ thảo luận ở cấp các chuyên gia. Theo các nhà quan sát, thỏa thuận về lộ trình vừa đạt được là một bước tiến quan trọng cho phép khai thông hồ sơ hạt nhân Iran.

Lãnh đạo Cơ quan Hạt nhân Iran Ali Akbar Salehi (trái) đón tiếp đồng nhiệm IAEA Yukiya Amano tại Tehran.

Sau thỏa thuận trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tìm cách trấn an các đồng minh trước lo ngại về khả năng phương Tây đang buông lỏng sức ép với chính quyền Iran. Thái độ của Ngoại trưởng Mỹ cho thấy cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran đang có những bước tiến thực sự. Một minh chứng rõ nét hơn cho điều này là sự bênh vực Iran của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ trước các nhà lập pháp.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 13/11 cảnh báo rằng, các biện pháp chế tài mới đối với Iran ở giai đoạn này sẽ là một sai lầm, và kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ dành thêm thời gian cho vận động ngoại giao trong lúc các cuộc thương lượng quốc tế về chương trình hạt nhân của Tehran vẫn đang tiếp tục.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói: "Bước đi đúng đắn là tạm thời ngưng các biện pháp chế tài. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể áp đặt lại các biện pháp về sau này. Các nhà thương thuyết Mỹ không loại trừ việc đó. Đây chỉ là một sự tạm ngưng để xem tiến trình thương nghị này có thể có tác dụng đến cùng hay không".

Chả là cuộc đàm phán gần đây nhất (từ ngày 9 đến ngày 11-11) giữa Iran và nhóm P5+1, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức, vẫn chưa đạt được một thỏa thuận cụ thể nào. Phía Pháp đã tỏ ra quá cứng rắn. Iran không ngần ngại đổ lỗi cho Pháp đã "thọc gậy bánh xe" bỏ lỡ cơ hội tháo gỡ bế tắc kéo dài từ 10 năm nay. Paris thậm chí còn bị tố cáo bảo vệ quyền lợi của Israel, kẻ thù không đội trời chung của Iran.

Không chỉ thế, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói chính phủ của ông sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt cũng như gây áp lực đối với Iran cho đến khi nào ông chắc chắn rằng nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân đang bị nghi ngờ. Cụ thể hơn, Pháp lo ngại là sự dễ dãi của quốc tế sẽ cho phép Iran trong tương lai gần chế tạo vũ khí nguyên tử. Khi đó, một vài nước trong khu vực, như Arập Xêút hay Thổ Nhĩ Kỳ - những quốc gia thù nghịch với Iran, cũng sẽ lao vào một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Kết quả trên đã khiến một số nhà lập pháp Mỹ vận động đòi áp đặt thêm các biện pháp chống Iran. Tại một phiên điều trần hôm 13/-11, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện, dân biểu Ed Royce của đảng Cộng hòa nói: "Ngày càng có nhiều quan ngại tại Quốc hội rằng phác thảo về thỏa thuận này không hội đủ tiêu chuẩn cần thiết để bảo vệ Mỹ và bảo vệ các đồng minh của Mỹ".

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif trả lời báo chí khi kết thúc buổi họp 3 ngày tại Geneve, và bà Catherine Ashton, người đứng đầu Ủy ban đối ngoại của EU.

Thành viên cấp cao của đảng Dân chủ trong ủy ban, ông Eliot Engel, cũng cảnh báo rằng Iran cần phải cống hiến nhiều hơn nếu không muốn đối mặt với các biện pháp chế tài mới. Ông Engel nói: "Nếu các cuộc đàm phán này là về việc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân của họ, thì để chứng tỏ sự thành tâm, ít nhất trong thời gian các cuộc đàm phán đang diễn ra, Iran nên đình chỉ công tác tinh chế, chấm hết".

Ngày 20/11, Iran và nhóm P5+1 sẽ tiếp tục đàm phán để đi tới một quyết nghị cuối cùng. Trước vòng đàm phán này, giới quan sát cho rằng mặc dù còn đôi chút trục trặc với Pháp nhưng về cơ bản Mỹ và IAEA đã đồng ý với quan điểm của Iran. Chính điều này được kỳ vọng sẽ giúp cuộc đàm phán lần này đạt được thành công. Tuy nhiên, nếu hội nghị này thất bại, điều gì sẽ xảy ra?

Các chuyên gia nêu ra hai kịch bản. Đầu tiên là Israel đơn phương oanh tạc các nhà máy hạt nhân của  Iran, như lời Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou đã nhiều lần cảnh báo. Nhà máy nằm trong ưu tiên tấn công của Israel sẽ là nhà máy đang xây dựng ở Arac. Nếu nhà máy này hoàn thành, Iran có thể làm giàu được plutonium với số lượng đủ làm 2 quả bom nguyên tử mỗi năm. Hơn nữa, Israel có thể sẽ sớm tấn công nhà máy này, vì nếu một khi nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động, nếu đánh bom phá hủy thì hậu quả môi trường sẽ rất lớn.

Kịch bản thứ hai là việc không đạt được thỏa thuận sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong khu vực. Arập Xêút đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng lao vào sản xuất vũ khí hạt nhân nếu "kẻ thù nhánh Hồi giáo Shia" Iran sản xuất được loại vũ khí này. Rất có thể chương trình hạt nhân của Pakistan là do Arập Xêút đầu tư với điều kiện Arập Xêút có thể sử dụng chương trình này khi cần thiết

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.