Hỗ trợ hơn 70 triệu đồng giúp 3 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ

Thứ Hai, 17/09/2012, 10:35

Những ngày qua, mưa lũ liên tiếp xảy ra trên diện rộng tại một số tỉnh phía Bắc và miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tính đến ngày 13/9, Thanh Hóa đã có 11 người chết, Nghệ An có 6 người chết và Hà Tĩnh có 2 người chết. Ngoài thiệt hại về người thì thiệt hại về tài sản tại 3 tỉnh là rất lớn.

Từ ngày 10 đến 13/9, Đoàn công tác XHTTBáo CAND và Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi do Đại tá Nguyễn Phúc Bồng, Trưởng Ban Pháp luật - Bạn đọc Báo CAND làm Trưởng đoàn đã tới các tỉnh miền Trung để thăm hỏi, động viên bà con và trao quà từ thiện nhằm góp phần sẻ chia nỗi đau cùng bà con.

Sáng 11/9, có mặt tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi thấy tàn dư của cơn lũ dữ xảy ra mới đây vẫn còn hiện hữu. Đất trên các quả đồi từ trung tâm huyện về các xã giáp biên giới nước bạn Lào sạt lở khắp dọc đường đi. Lúa, hoa màu, cây cối gãy đổ ngổn ngang. Nhiều nhà dân ở hai bên đường nước vẫn còn ngập đến đầu gối. Nhiều trường học đang trong giai đoạn khắc phục hậu quả do mưa lũ khiến các em học sinh chưa thể đến trường. Nhưng điều làm chúng tôi thương tâm nhất vẫn là nỗi đau của các gia đình có người chết do bị lũ cuốn trôi.        

Chị Nguyễn Thị Linh, 20 tuổi, ở thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân làm nghề tự do ở thành phố Thanh Hóa. Đúng hôm nhận tin bão lũ ở quê, chị vội vã thuê xe taxi về nhà với mong muốn giúp gia đình bảo vệ tài sản. Trên đường về do mưa lớn kèm theo lũ quét khiến nước sông, nước suối tràn ngập lên đường rất nhanh. Lực lượng Công an làm nhiệm vụ lúc đó đã ngăn cản không cho chiếc xe taxi chở chị Linh đi tiếp bởi nguy hiểm. Nhưng lái xe taxi vẫn cố vượt qua sự kiểm soát của lực lượng làm nhiệm vụ. Hậu quả là chiếc xe taxi đã bị nước lũ cuốn đi. Lái xe  kịp thoát ra ngoài, còn chị Linh bị kẹt lại. Khi lực lượng tìm kiếm cứu nạn tìm thấy chiếc xe taxi thì chị Linh đã tử vong.

Một nạn nhân khác của cơn lũ dữ là anh Phạm Văn Quân, 30 tuổi, ở thôn Phú Vinh, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân. Thấy mưa lũ đổ xuống nhanh, anh Quân vội chạy ra đồng xả nước cho ao cá vì sợ cá trôi đi hết. Thế nhưng anh đã bị cơn lũ hung dữ đã cuốn đi. Anh Quân ra đi để lại người vợ trẻ và một con thơ.

Đại diện Báo CAND, Công an tỉnh Thanh Hóa và chính quyền địa phương trao quà cho bà con huyện Nông Cống.

Sau khi thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình có người thiệt mạng do lũ dữ, chúng tôi tới thăm và hỗ trợ các gia đình ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân bị thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra. Đoàn cũng đã đến thăm và tặng quà thầy và trò Trường Mầm non Lương Sơn, Trường tiểu học Lương Sơn 1 và Trường trung học cơ sở Lương Sơn. Đây là ba ngôi trường bị thiệt hại nặng nhất (ước tính trên 1,5 tỉ đồng) trên địa bàn huyện Thường Xuân trong cơn lũ dữ vừa qua. 

Tiếp đến đoàn đã đến thăm và hỗ trợ lương thực, quần áo cho bà con tại 2 xã bị thiệt hại nặng là xã Trung Chính và xã Tân Thọ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Đợt mưa lũ vừa qua, huyện Nông Cống may mắn không thiệt hại về người, nhưng lũ dữ cũng đã gây thiệt hại lớn về nhà cửa, trường lớp, hoa màu, vật nuôi, ao hồ... Khi chúng tôi tới địa phương này, nhiều con đường liên thôn, liên xã nước vẫn còn ngập cao quá đầu gối.

Để có thể vào được các xã trao quà cho bà con, chúng tôi phải đi bộ cả cây số. Ngoài ra hàng chục hécta lúa trải dài trên các cánh đồng của huyện Nông Cống cũng bị mất trắng. Hệ thống đường giao thông, thủy lợi, đê điều ở đây hầu  như bị vỡ cục bộ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân địa phương. Ước tính thiệt hại ban đầu trên toàn huyện Nông Cống là hơn 92 tỉ  đồng.

Ngày 12/9, khi đoàn tới tỉnh Nghệ An, chúng tôi thấy lực lượng Quân đội, Công an và thanh niên vẫn hàng giờ túc trực tại  các điểm bị thiệt hại nặng do mưa lũ để giúp bà con gặt lúa, sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp đường sá và trường học. Đến thăm và sẻ chia nỗi đau với gia đình cháu Ngô Đình Diện, 18 tuổi, ở xóm 4, xã Hưng Tiến, huyện Hưng Nguyên, nạn nhân của cơn lũ dữ, mỗi người trong chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xót xa. Vì hoàn cảnh nên cha mẹ cháu chia tay nhau khi cháu còn rất nhỏ. Cha cháu vào tỉnh Đắck Lắk sinh sống. Mẹ cháu đi lao động ở Malaysia. Cháu ở với gia đình bác ruột. Trưa 2/9, sau khi cùng các bạn từ trường về nhà, cháu Diện vội vã đạp xe mang áo mưa ra đồng cho người thân đang thu hoạch lúa và cháu bị sét đánh và đã tử vong.

Một nạn nhân khác là cháu Nguyễn Bảo Nam, 4 tuổi, con đầu của vợ chồng anh Nguyễn Bình Phương, ở xóm 14, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu. Nhắc tới sự ra đi đột ngột của cháu, bố mẹ cháu vẫn còn nguyên nỗi đau và luôn dằn vặt mình vì bất cẩn mà đã để con ra đi mãi mãi. "Dù mới 4 tuổi nhưng theo thói quen hàng ngày, cháu vẫn tự đi từ nhà đến trường mầm non của xã để học. Đoạn đường từ nhà đến trường dài 500 mét và qua một con suối. Sáng hôm lũ quét tràn về, cháu ra khỏi nhà được khoảng 20m thì nước lũ bất ngờ tràn về và cuốn trôi. Gia đình và người dân địa phương tìm thấy thi thể cháu nằm cách nhà 30 mét", cha cháu Nam buồn bã kể lại.

Vẫn biết thiên tai luôn xảy ra bất ngờ và nỗi đau mà thiên tai để lại là rất lớn, không dễ gì xoa dịu được. Nhưng chúng tôi, những người làm báo CAND và Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi với tấm lòng hướng thiện luôn mong muốn sẻ chia kịp thời nỗi đau, sự mất mát của mỗi người dân không may gặp phải biến cố trong cuộc sống thường ngày

Nguyễn Hưng
.
.