Hòa bình Trung Đông: Ngàn cân treo sợi tóc

Thứ Hai, 04/10/2010, 17:20
Sau 20 tháng gián đoạn, Israel và Palestine đã kết thúc 3 cuộc gặp và đàm phán trực tiếp với sự chứng kiến của Mỹ, bước đầu đã thành công. Tuy nhiên, lệnh đình chỉ việc xây khu định cư của Israel tại Bờ Tây trong vòng 10 tháng đã hết hạn hôm 26/9, trong khi Palestine luôn khẳng định điều kiện tiên quyết để ngồi vào bàn đàm phán là Israel phải ngưng xây dựng các khu định cư mới.

Kết quả mong manh vòng đàm phán hòa bình Trung Đông mới đây lại đứng trước nguy cơ đổ vỡ một lần nữa.

Hôm 26/9 vừa qua, người dân định cư Do Thái và những người ủng hộ họ đã bắt đầu ăn mừng việc chấm dứt lệnh ngưng xây khu định cư trong vùng Bờ Tây sông Jordan kéo dài 10 tháng. Khoảng 2.000 người tụ tập tại khu định cư Revara trong vùng Bờ Tây sông Jordan, nơi họ đã thả bong bóng trước khi kỳ hạn chót chấm dứt vào lúc 22h GMT ngày 26/9. Tại khu định cư Kiryat Netafim kế cận, các cư dân đã đặt viên đá đầu tiên cho một ngôi trường mẫu giáo mới. Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, kêu gọi dân định cư tại vùng Bờ Tây tự kiềm chế khi kỳ hạn chót tới gần.

Tính đến thời điểm ngày 27/9, Chính phủ Israel chưa có thông báo nào cho biết liệu có tiếp tục gia hạn lệnh đình chỉ trên hay không. Tuy nhiên, trước đó, giới lãnh đạo Palestine đe dọa sẽ ngưng các cuộc đàm phán nếu Israel tái khởi động việc xây cất định cư. Trong bài diễn văn trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 25/9, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nhấn mạnh rằng tinh thần bành trướng thống trị của Israel đang đẩy người dân Palestine, nói riêng, và khu vực Trung Đông, nói chung, vào một chu kỳ bạo động và xung đột, làm cản trở những giải pháp chân thành cho các vấn đề trong khu vực. Lãnh đạo Palestine tuyên bố Israel phải chọn một trong hai, hoặc là hòa bình, hoặc là tiếp tục hoạt động xây cất định cư.

Không chỉ có Palestine, nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông cũng tỏ ra hết sức lo ngại, khi tiếp thêm tiếng nói với những người kêu gọi Israel gia hạn lệnh đình chỉ mà Israel đã công bố về hoạt động xây dựng khu định cư trong vùng Bờ Tây. Trong một thông cáo chung sau cuộc họp ngày 22/9 tại trụ sở LHQ, các nhân vật chính của Bộ Tứ trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, tuyên bố lệnh đình chỉ đáng ca ngợi này đã có tác động tích cực đến các nỗ lực hòa bình và nên được tiếp tục. Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner tỏ vẻ nhiệt thành hơn trong một buổi nói chuyện với các phóng viên, và nói rằng tất cả 27 nước trong Liên minh châu Âu đều dùng áp lực ngoại giao để đạt được một sự gia hạn.

Ông Kouchner nói: "Chúng tôi chống lại việc lập các khu định cư này. Và thực sự là chúng tôi đã hối thúc và cầu xin là các bạn Israel hãy đình chỉ, tiếp tục lệnh cấm và ngưng xây dựng các khu định cư. Chúng tôi cần điều đó. Nếu không, thì phía Palestine khẳng định rõ rằng họ muốn đình chỉ các cuộc đàm phán, các cuộc thương nghị và cuộc đối thoại. Và như thế sẽ không thể nào ủng hộ được".

Tình hình căng thẳng đến mức, ngày 25/9, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong ngày thứ hai liên tiếp để tìm cách cứu vãn cuộc hòa đàm Trung Đông. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ P.J. Crowley nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ làm mọi cái có thể để duy trì các bên trong cuộc đàm phán trực tiếp". Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Trung Đông, Jefferey Feltman nói rằng, Mỹ không muốn bên nào rời khỏi cuộc đàm phán trong lúc có thể thông qua điều đình để tìm giải pháp.

Trong khi đó, chỉ hai ngày trước khi lệnh tạm ngừng xây dựng các khu định cư tại khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng hết hạn, Chính phủ  Israel ngỏ ý họ sẵn sàng thực thi một thỏa thuận có thể chấp nhận đối với Mỹ và người Palestine, vốn đều muốn gia hạn sắc lệnh trên. Một quan chức cao cấp của Chính phủ  Israel tiết lộ: "Israel sẵn sàng tiến tới một thỏa hiệp chấp nhận được đối với tất cả các bên trong việc xem xét kéo dài lệnh phong tỏa hoạt động xây dựng, với điều kiện đó không phải là lệnh đình chỉ toàn bộ". Động thái này đánh dấu một sự thay đổi lớn từ phía Israel, vốn trước đó luôn khẳng định lệnh đình chỉ hoạt động định cư Do Thái sẽ không được gia hạn, bất chấp việc Tổng thống Palestine Mahmud Abbas dọa rút khỏi các cuộc hòa đàm liên quan tới vấn đề này.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 23/9 đã tái khẳng định một cách mạnh mẽ rằng ông tin tưởng lệnh đình chỉ sẽ được gia hạn. Tổng thống Abbas đã hoan nghênh phát biểu này, đặc biệt là lời kêu gọi ngừng các hoạt động định cư và thành lập một Nhà nước Palestine.

Song đó cũng chỉ là mong muốn, còn thực tế mới là câu trả lời chính xác nhất, bởi vật cản rất lớn từ hai phía đã đặt ra không phải là ít. Israel yêu cầu lớn nhất là phía Palestine  phải ngăn chặn các vụ tấn công, đảm bảo an ninh, phải được công nhận Nhà nước Do Thái, phải để cho Tel- Aviv tiếp tục xây dựng các khu định cư của người Do Thái trên vùng đất của người Arập bị họ chiếm...

Ngay trong vòng đàm phán thường kỳ hôm 15/9 , Thủ tướng  Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố rằng, việc công nhận  Israel là nhà nước của người Do Thái được xem như cơ sở cho thỏa thuận hòa bình với Palestine. Ông Netanyahu cũng ám chỉ rằng  Israel không có ý định chấm dứt xây dựng các khu định cư.

Còn Ngoại trưởng  Israel Avigdor Lieberman ngày 19/9 đã đề nghị rằng  Israel vẽ lại đường biên giới để đặt một số công dân gốc Arập của họ trong một quốc gia Palestine, đồng thời tiếp tục giữ được các khu định cư Do Thái tại vùng Bờ Tây sông Jordan. Ông Lieberman nói rằng, nguyên tắc chỉ đạo cuộc hòa đàm giữa  Israel và người Palestine không thể là đổi đất lấy hòa bình, nhưng là một sự trao đổi đất đai và người để lấy hòa bình.

Ngược lại, phía Palestine thì yêu cầu  Israel phải công nhận Nhà nước Palestine độc lập, phải dừng xây dựng các khu định cư Do thái trên vùng đất bị chiếm đóng, Jerusalem phải là thủ đô của mình...

Đối với Mỹ việc kéo Israel - Palestine trở lại bàn đàm phán trực tiếp sau 20 tháng gián đoạn là một thành công bước đầu. Nhưng để duy trì nó và thúc đẩy hai bên đàm phán có những tiến bộ cũng chỉ là mong ước. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Ngoại trưởng Hillary Clinton nói rằng Mỹ không muốn bên nào rời bỏ cuộc hòa đàm hoặc làm bất cứ điều gì khiến phía bên kia rời bỏ cuộc hòa đàm. Song liệu điều đó có trở thành hiện thực hay không khi mà tối "hậu thư" do phía Palestine đưa ra yêu cầu Israel ngừng việc xây dựng khu định cư Do Thái vẫn bị Tel-Aviv bỏ ngoài tai?

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.