Hòa bình Trung Đông: Nỗ lực “tập II”

Thứ Năm, 14/01/2010, 21:50
Trung Đông - được xác định là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông lên nắm quyền đầu năm 2009. Nhưng trọn một năm cầm quyền đã trôi qua, chính quyền mới ở Washington loay hoay chưa thể thuyết phục được người Palestine và người Israel trở lại bàn đàm phán. Bước sang năm 2010, nỗ lực "tập II" đã được bà Ngoại trưởng Hillary Clinton triển khai, nhưng khả năng thành công vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Trong vòng 2 tuần lễ đầu năm 2010, hàng loạt hoạt động ngoại giao nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình Palestine-Israel đã diễn ra khá rôm rả. Đầu tiên là việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lần lượt bay sang Cairo để gặp Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak.

Ngay sau đó, Vua Jordan Abdallah cũng đến Ai Cập hội đàm với Tổng thống Mubarak về vấn đề liên quan. Ai Cập và Jordan là 2 nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong các quốc gia Arập Trung Đông, và trong nỗ lực ngoại giao lần này, Tổng thống Mỹ Obama đã chọn Tổng thống Ai Cập làm trung gian hòa giải, còn Vua Jordan là đối tác hỗ trợ khi cần.

Sau các cuộc làm việc tại Cairo, ngày 8/1, 2 ngoại trưởng Nasser Judeh (Jordan) và Ahmed Aboul Gheit (Ai Cập) đã bay sang Washington để hội kiến với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về hòa bình Trung Đông George Mitchell nhằm triển khai kế hoạch ngoại giao mới thúc đẩy đàm phán hòa bình Israel - Palestine. Trong tuần này, Đặc phái viên Mitchell sẽ bay sang Trung Đông để cụ thể hóa kế hoạch ngoại giao "tập II". Thế giới sẽ lại hồi hộp theo dõi xem liệu những gì ông Mitchell "gặt hái" được có khá hơn hàng loạt chuyến đi của ông hồi năm 2009 hay không.

Lại một khởi đầu với một luồng sinh khí mới trong các nỗ lực ngoại giao có vẻ chứng minh rằng, chính quyền Obama thật sự nghiêm túc với việc thúc đẩy tái khởi động đàm phán hòa bình giữa người IsraelPalestine. Cái mới, quả nhiên, đã hiện rõ trong lời phát biểu hôm 8/1 của Ngoại trưởng Hillary, rằng "giải pháp cuối cùng cần phải bao gồm các vấn đề như biên giới Nhà nước Palestine, an ninh cho Israel, Jerusalem, người Palestine tị nạn và nguồn nước".

Trong các vấn đề này, "biên giới Nhà nước Palestine" được xem là một điều chỉnh mới nhằm giải quyết vấn đề các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây sông Jordan, vì như bà Hillary khẳng định: "Giải quyết được vấn đề biên giới thì giải quyết được các khu định cư; và giải quyết được vấn đề Jerusalem cũng giải quyết được vấn đề các khu định cư, mà đây lại chính là mấu chốt quan trọng nhất trong việc giải quyết xung đột Israel - Palestine.

Tuy nhiên, từ kế hoạch cho đến hành động thực tế là cả một khoảng cách đôi khi khó lấp đầy. Kế hoạch mới của bà Hillary muốn được triển khai trôi chảy trước hết cần phải được cả 2 "nhân vật chính" là Israel và Palestine chấp nhận; ngược lại, hãy "quên nó đi". Giải quyết vấn đề biên giới như thế nào, theo hướng nào là một câu hỏi lớn.

Đàm phán phân định biên giới để giải quyết vấn đề các khu định cư, và để đạt được quy chế cuối cùng cho vấn đề này đòi hỏi cả 2 bên phải có những nhượng bộ nhất định. Nhưng người Palestine không chấp nhận đất của họ tiếp tục bị người Israel lấn chiếm; họ đòi lại phần đất nằm bên trong đường ranh giới cũ bị chiếm từ năm 1967. Trong khi đó, người Israel tìm mọi cách để "lấn càng nhiều càng tốt" bằng cách xúc tiến xây dựng các khu định cư Do Thái; đồng thời dùng quyền hành chính của mình để trục xuất người Palestine ra khỏi khu Đông Jerusalem để dần dần biến thành phố này thành thành phố của người Do Thái.

Ngày 9/1, kế hoạch của bà Hillary đã được đón nhận bằng sự phản đối của nhà đàm phán Palestine Saeb Erekat. Erekat tiếp tục khẳng định yêu cầu của Tổng thống Abbas về các điều kiện tiên quyết trở lại bàn đàm phán là Israel phải ngưng hoàn toàn việc xây dựng các khu định cư Do Thái. Erekat lập luận: không thể đàm phán biên giới khi các phần đất dự kiến nằm bên trong lãnh thổ Nhà nước Palestine hiện đã bị người Israel lấn chiếm, xây nhà, xây công sở,... Một khi đàm phán phân định biên giới, phần thiệt thòi ắt thuộc về người Palestine.

Người Israel xem đề nghị "tạm ngưng xây dựng nhà định cư trong 10 tháng" của Thủ tướng Benjamin Netanyahu là một "nhượng bộ lớn" và đòi hỏi người Palestine phải có phản hồi bằng những nhượng bộ tương xứng.

Một trong những đòi hỏi đó của người Israel là người Palestine phải quay trở lại bàn đàm phán một cách vô điều kiện, phải chấp nhận thực tế các khu định cư Do Thái đã và đang xây dở dang.

Cần lưu ý điểm lắt léo trong đề xuất của Thủ tướng Netanyahu là việc "tạm ngưng" chỉ áp dụng đối với các nhà cửa dân dụng và chưa được cấp phép, không áp dụng đối với nhà định cư ở Đông Jerusalem, các tòa cao ốc văn phòng, tòa nhà công cộng và nhà dân đã "lỡ cấp phép" xây dựng, có nghĩa là trong khi dự kiến khoảng 900 đơn vị nhà định cư phải tạm ngưng 10 tháng thì con số gấp gần 4 lần như thế (hơn 3.000 đơn vị nhà) vẫn được tiến hành. Rốt cuộc, nếu chấp nhận đề nghị này, người Palestine coi như mặc nhiên thừa nhận sự xâm lấn trái phép của người Israel.

Nói tóm lại, giữa Israel và Palestine hiện nay vẫn còn một hố ngăn cách rất lớn giữa một bên là các yêu cầu của người Palestine và một bên là sự đáp ứng của chính quyền Do Thái, cho nên khó lòng lấp đầy trong một khoảng thời gian ngắn. Đưa 2 bên trở lại bàn đàm phán trong tình hình như thế quả là cực kỳ khó, và vì thế Mỹ không thể mong có được kết quả trong một sớm một chiều.

Để nỗ lực "tập II" không uổng công, để ưu tiên ngoại giao hàng đầu không trở thành thất bại cay đắng, thì điều quan trọng nhất là Washington phải hết sức thận trọng, không áp đặt đàm phán cho cả 2 phía, và đặt vấn đề đúng chỗ, đúng lúc, phù hợp với nhu cầu của mỗi bên. Tổng thống Palestine Abbas từng tuyên bố vào tháng 11/2009 rằng, nếu Israel chịu ngưng (hoàn toàn) việc xây dựng các khu định cư và chấp nhận đường biên giới như người Palestine yêu cầu, thì không gì có thể ngăn họ quay trở lại bàn đàm phán.

Vấn đề bây giờ nằm ở thiện chí của người Israel; giải quyết tốt "vấn đề Israel", Washington sẽ rộng cửa tháo gỡ những vướng mắc cho hòa bình Trung Đông

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.