Hòa ước Pakistan với Taliban: Được đằng chân lân đằng đầu

Thứ Bảy, 16/05/2009, 05:45
Trung tuần tháng 2 vừa qua, nhằm tìm kiếm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng an ninh từ nhiều năm qua tại Pakistan, Tổng thống Asif Ali Zardari đã cho phép Taliban tái lập luật Hồi giáo tại tỉnh Malakand với hy vọng lực lượng Taliban đang đồn trú tại thung lũng Swat sẽ buông súng. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra tại Pakistan cho thấy, Taliban không hề đơn giản như Islamabad tưởng.

Năm 2001, những nỗ lực quân sự của liên quân Anh, Mỹ và Liên minh phía bắc (Afghanistan) đã dẹp tan Phong trào chính thống Hồi giáo Sunni Pashtun cực đoan và dân tộc (Taliban) cầm quyền Afghanistan từ năm 1995.

Tuy nhiên, số quân Taliban còn lại đã rút vào hoạt động tại khu vực núi rừng biên giới Afghanistan - Pakistan nên hành động truy quét của liên quân dường như không đạt kết quả. Chính từ đây, tàn quân Taliban tiếp tục tuyển mộ và mở rộng địa bàn hoạt động, tiến hành nhiều hành động khủng bố nhằm vào cả Afghanistan và Pakistan.

Thung lũng Swat, phía tây bắc Pakistan, từ lâu đã rơi vào tay của lực lượng Hồi giáo cực đoan này. Từ đây, tàn quân Taliban liên tục tiến hành nhiều cuộc tấn công khủng bố nhằm vào đất nước Pakistan nhiều năm qua, nhưng do không thể trấn áp nổi lực lượng này, giữa tháng 2/2009, chính quyền Islamabad mong muốn bắt tay với Taliban bằng cách cho chúng tái lập các tòa án Hồi giáo tại tỉnh Malakand. Để đổi lại, chính quyền của Tổng thống Zardari yêu cầu Taliban giao nộp vũ khí.

Tuy nhiên, chưa đầy một tuần sau khi thỏa ước này có hiệu lực, Taliban trở mặt và tiến hành mở rộng vùng ảnh hưởng sang các khu vực lân cận của thung lũng Swat. Nên nhớ, thỏa hiệp này bị các nước phương Tây và nhất là Mỹ phản đối vì cho đó là giải pháp nguy hiểm.

Giải thích việc phá vỡ hòa ước này, phía Taliban tố cáo Islamabad chậm trễ trong việc thực thi các điều khoản đã thỏa thuận nhất là luật Hồi giáo, do sức ép của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, Chính phủ Pakistan lại cho rằng Taliban và các nhóm liên minh đã xâm nhập các vùng cấm không có trong thỏa thuận.

Đứng trước tình thế này, chính quyền Pakistan tuyên bố không nhượng bộ. Sáng ngày 29/4, quân đội Chính phủ Pakistan thông báo đã chiếm lại quyền kiểm soát Daggar, thủ phủ của Buner.

Không chỉ dừng lại ở đó, Islamabad lần này còn muốn đẩy quân Taliban ra khỏi huyện Lower Dir và thung lũng Swat. Hành động này của Pakistan đã được Washington nhiệt liệt hưởng ứng.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lên tiếng cảnh báo và lo ngại rằng với đà này một ngày nào đó Taliban sẽ kiểm soát toàn bộ Pakistan, cường quốc hạt nhân duy nhất trong thế giới Hồi giáo.

Tình hình căng thẳng tới mức Tổng thống Zardari phải lên tiếng khẳng định rằng vũ khí hạt nhân của nước này vẫn đang được kiểm soát tốt.

Cuộc tấn công đáp trả quân Taliban vừa qua được coi là bước chuẩn bị cho chuyến thăm sắp tới của ông Zardari tới Washington.

Theo Nhà Trắng, đầu tháng 5 này, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đón tiếp Tổng thống Pakistan Zardari và Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai để bàn về các biện pháp chống lại sự bành trướng của Taliban tại hai quốc gia này.

Cuối tháng 3 vừa qua, ông Obama đã tiết lộ chiến lược mới của Mỹ tại khu vực này, theo đó Mỹ không chỉ giúp đỡ về mặt quân sự mà còn tăng cường trợ giúp dân sự và kinh tế cho Islamabad và Kabul.

Giới phân tích nhận định, nguy cơ sụp đổ của Chính phủ Pakistan là có thực nếu không kiểm soát được Taliban. Và trước khi mà Taliban chiếm lấy bàn điều khiển của quốc gia có sở hữu vũ khí hạt nhân này thì Chính phủ Pakistan và các đồng minh phương Tây cần phải có một chính sách đối phó kịp thời.

Tình hình hiện nay tại Pakistan có thể cho thấy giải pháp mong muốn sống trong hòa bình của chính phủ Islamabad lại làm cho vấn đề thêm phức tạp

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.