Khủng hoảng nợ Hy Lạp: Hoãn binh vào phút cuối

Thứ Năm, 25/06/2015, 17:25
Những tưởng số phận của Hy Lạp sẽ được Liên minh châu Âu (EU) quyết định vào tối 22/6 (giờ châu Âu) sau cuộc họp thượng đỉnh của khối này, nhưng trước đó vài giờ Athens bất ngờ đưa ra đề xuất mới khiến các lãnh đạo châu Âu không thể có đủ thời gian để nghiên cứu. Cuộc họp diễn ra chóng vánh và không có tuyên bố nào. Một cú hoãn binh hoàn hảo của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.

Chao đảo vì cuộc “đối thoại của những người điếc”

Cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp kéo dài gần 6 tháng qua (kể từ thời điểm ông Alexis Tsipras lên làm Thủ tướng ngày 25/1/2015) bước vào giai đoạn quyết định là cuối tháng 6 này. Đây là thời điểm Athens phải thanh toán các khoản nợ đáo hạn cho các chủ nợ quốc tế sau rất nhiều lần khất nợ. Ngân khố Hy Lạp giờ rỗng tuếch. Athens đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Để có tiền, Hy Lạp phải đi vay mới trả nợ cũ. Vay thì phải có điều kiện.

Các chính phủ tiền nhiệm đã làm như thế nhưng khi ông Alexis Tsipras lên làm Thủ tướng thì nhất quyết đàm phán các điều kiện với chủ nợ sao cho đúng như những gì ông này đã hứa với người dân Hy Lạp trong lúc tranh cử. Đây mới là điều rắc rối.

Hàng nghìn người ở Pháp đã xuống đường tuần hành tại thủ đô Paris đòi trao thêm cơ hội cho Hy Lạp.

Sau nhiều cuộc gặp giữa lãnh đạo Hy Lạp với các chủ nợ (gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế -IMF, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và Ủy ban châu Âu -EC), quan điểm của các bên về điều kiện vay nợ thêm vẫn cách xa một trời một vực. Càng đến sát ngày 30/6, tức là thời điểm Athens phải trả 1,8 tỉ USD cho IMF, tình hình càng căng thẳng.

Nếu Hy Lạp đứng một mình thì chả nói làm gì, vấn đề là nếu nước này vỡ nợ sẽ ảnh hưởng tới toàn khối Liên minh châu Âu. Đây là lý do khiến lãnh đạo EU quyết định họp thượng đỉnh bất thường để quyết định xem có nên cho Hy Lạp ra khỏi khối để tránh liên lụy hay không.

Trưa 22/6, các Bộ trưởng Kinh tế của EU và Hy Lạp họp trước để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh vào buối tối cùng ngày. Trước hai cuộc họp này, tin tức về khả năng Hy Lạp ra khỏi khối EU được bàn tán xôn xao khiến thị trường tài chính, vàng bạc thế giới được phen chao đảo.

Viễn cảnh chia tay với EU và rơi vào phá sản đang khiến cho dân chúng Hy Lạp bắt đầu hoang mang. Những người Hy Lạp có tiền tiết kiệm tìm cách lo thu hồi tiền của mình để tự cất giữ. Khách hàng rút tiền ở ngân hàng, ở các điểm rút tiền tự động trong tuần trước đã đạt con số kỷ lục khiến cho các tài khoản ngân hàng tại Hy Lạp bị vét rỗng.

Chỉ riêng ngày 21/6, số tiền rút khỏi ngân hàng lên tới 1,5 tỉ euro. Theo báo chí châu Âu, không có gì ngạc nhiên về việc những người tiết kiệm nhỏ đi trước một bước để bảo vệ số tiền ít ỏi của họ. Người dân Hy Lạp đang lo sợ các ngân hàng đầu tuần này sẽ phải tạm đóng cửa để hạ nhiệt cơn sốt rút tiền. Để trấn an dân chúng, Ngân hàng Hy Lạp hôm qua trong vòng vài giờ đã liên tục ra hai thông cáo báo chí.

Theo báo Pháp Le Figaro, chính cuộc “đối thoại của những người điếc” giữa Athens và Bruxells đang làm rúng động Hy Lạp. Hiện không có con số chính thức nào đưa ra nhưng người ta ước tính đã có hơn 3 tỉ euro được người dân và cả các doanh nghiệp rút khỏi ngân hàng trong tuần trước.

Trước tình hình này, sáng 22/6, ECB đã mở rộng khung hỗ trợ tài chính theo chương trình Hỗ trợ Thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho các ngân hàng Hy Lạp. Đây là lần thứ ba trong chưa đầy một tuần qua, ECB hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng Hy Lạp trong bối cảnh khách hàng đang ồ ạt rút tiền hoặc chuyển tiền ra nước ngoài do lo ngại nguy cơ Athens rơi vào phá sản do không thể giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở quốc gia này.

Trong tuần qua, trần mức hỗ trợ thanh khoản cho Hy Lạp đã được tăng 2 lần tương ứng là 1,1 tỉ euro và 1,8 tỉ euro, lên tổng số 85,9 tỉ euro. Tuy nhiên, trước sức ép của các ngân hàng Hy Lạp do tình trạng rút nóng tiền gửi ngân hàng, ECB đã tiếp tục tăng mức ELA cho Hy Lạp. Hiện mức nâng trần ELA lần thứ ba này chưa được công bố, song đây được xem là nguồn tiền chủ đạo cho việc thanh khoản của các ngân hàng Hy Lạp.

Hãy trao thêm cơ hội cho Athens!

Trong lúc tình hình đang hết sức căng thẳng thì đúng vào phút chót, chính quyền Athens đề xuất nhượng bộ cho EU tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Eurozone nhóm họp vào trưa 22/6 tại Bruxells ngay trước phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh vào buổi tối cùng ngày.

Chủ tịch Ủy ban các Bộ trưởng Tài chính khối Euro, J. Dijsselbloem nói đề nghị mới của Hy Lạp có thể đưa đến một thỏa thuận vào cuối tuần này.

Những đề xuất này bao gồm việc hạn chế nghỉ hưu sớm, tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) và tăng thuế thu nhập với nhóm có thu nhập trung bình và cao. Đây là 2 trong 3 trở ngại chính trong suốt mấy tháng qua tại các cuộc thương thảo giữa Hy Lạp và EU. Thứ nhất, IMF và châu Âu đòi Athens phải tiếp tục giảm bội chi ngân sách, tiết kiệm thêm 3 tỉ USD trong năm nay. Khoản tiền này tương đương với 0,5 % GDP. Trong năm tới, Athens sẽ phải cắt giảm chi tiêu thêm khoảng 6 tỉ.

Thứ hai, cả IMF lẫn Bruxells đòi Athens bãi bỏ khoản trợ cấp tối thiểu cho những người có lương hưu dưới ngưỡng 700 euro. Đây là điều không thể chấp nhận được đối với đảng Syriza. Đảng này đã giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử ngày 25/1/2015 nhờ lời hứa không bắt người dân và phải hy sinh thêm nữa.

Tính từ năm 2008 đến 2013, trung bình mãi lực của người dân Hy Lạp bị giảm đi mất 40%. Hồ sơ thứ ba gây tranh cãi liên quan đến chính sách đánh thuế giá trị gia tăng VAT. Bản thân Hy Lạp ý thức được rằng đây là nguồn thu nhập quan trọng để lấp đầy công quỹ, thu hẹp bội chi ngân sách. Nội các của Thủ tướng Alexis Tsipras đề nghị 3 nấc thuế VAT khác nhau: 6% đánh vào các dược phẩm và sách vở, 11% đánh vào lương thực và nhu yếu phẩm, điện nước. Tất cả các mặt hàng còn lại sẽ bị đánh thuế 23%.

Các chủ nợ của Hy Lạp coi những hy sinh đó là chưa đủ. Bruxells và IMF muốn Athens chỉ có hai nấc thuế VAT là 11 và 23%. Sau 5 năm liền phải hứng chịu những hậu quả do khủng hoảng kinh tế gây nên, liệu rằng người dân Hy Lạp có thể chấp được hay không khi thấy hóa đơn tiền điện, nước của họ đột nhiên tăng lên thêm 10% trong một sớm một chiều?

Đánh giá về các đề xuất này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết: “Đây là những đề xuất thực sự nghiêm túc đầu tiên của Hy Lạp”. Tuy nhiên, do các đề xuất của Hy Lạp đến quá muộn, tức vào đêm 22/6 nên các chuyên gia của nhóm chủ nợ, chưa thể đưa ra bản phân tích chính xác. Vì lý do đó, phiên họp của các Bộ trưởng Tài chính EU chỉ kéo dài trong 1 tiếng 30 phút và cũng không đưa ra được quyết định nào.

Mặc dù vậy, tín hiệu lạc quan phát đi từ phía các chủ nợ cũng đã khiến thị trường tài chính phản ứng tích cực. Ngay trong chiều qua, Thị trường chứng khoán Athens đã tăng 9%. Các thị trường chứng khoán lớn khác ở châu Âu như Frankfurt và Paris tăng 3,8%, London tăng 1,72%. Phát biểu trước báo giới, đại diện của nhóm chủ nợ cho rằng “vẫn còn nhiều việc phải làm”, nhưng tỏ ra lạc quan và theo nhiều nguồn tin thì một thỏa thuận mới nhiều khả năng sẽ đạt được trong vòng 1 tuần nữa.

Tín hiệu tích cực từ Eurogroupe cũng đã có tác động đến cuộc họp Thượng đỉnh Nguyên thủ Eurozone, khai mạc tối 22/6 tại Bruxells. Trước thềm Thượng đỉnh Nguyên thủ Eurozone, Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Tổng thống Pháp Francois Hollande đều cho rằng “giữ Hy Lạp ở lại Eurozone là ưu tiên hàng đầu của khối”. Thái độ này được cho là đã bớt cứng rắn hơn trước rất nhiều, đặc biệt từ phía Đức, nơi mà dân chúng nước này ngày càng phản đối quyết liệt việc nhượng bộ Hy Lạp.

Tuy nhiên, các lãnh đạo châu Âu khẳng định sẽ không có một quyết định cụ thể nào được đưa ra sau cuộc họp thượng đỉnh này. Tất cả chỉ có ý nghĩa “tham vấn”, nói cách khác là đưa ra một quan điểm chính trị chung của khối đối với việc tiếp tục cứng rắn hay sẽ giảm nhẹ hơn đối với Hy Lạp.

Theo các nhà phân tích, đến phút cuối, khi nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ và rời khỏi Eurozone đặt ra những hệ lụy khôn lường, cả Hy Lạp lẫn các chủ nợ châu Âu đều đang có dấu hiệu nhượng bộ lẫn nhau. Hy vọng về một thỏa thuận cứu Hy Lạp khỏi bờ vực vỡ nợ đang lớn dần lên.

Trong mấy ngày vừa qua, các cuộc xuống đường diễn ra khắp châu Âu nhằm bày tỏ sự ủng hộ với người dân Hy Lạp. Người biểu tình tại Pháp, Đức, Ý... đều hô vang khẩu hiệu EU không nên bắt người dân Hy Lạp phải khắc khổ hơn nữa hoặc hãy trao thêm cơ hội cho Athens. Tại Hy Lạp, tuần trước hàng nghìn người đã xuống đường bày tỏ ủng hộ Thủ tướng Alexis Tsipras trong cuộc đọ sức với các chủ nợ, có thể gọi đây là cuộc đối đầu giữa “một bên không còn gì để mất” với một bên không muốn “mất tất cả”.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.