Hội chứng bắt cóc và giết con tin ở Iraq

Thứ Ba, 13/12/2005, 09:27

Vụ dùng súng uy hiếp và bắt cóc 4 nhà hoạt động vì hòa bình (thuộc Nhóm Kiến tạo Hòa bình Thiên Chúa giáo) mới đây ở Baghdad chỉ là phần nổi của tảng băng trôi trong lĩnh vực tấn công và bắt cóc các công dân người nước ngoài trên lãnh thổ Iraq.

Tháng trước, những quả bom xe hơi phát nổ bên ngoài một khách sạn có nhiều nhà báo nước ngoài cư trú ở Baghdad, nối tiếp vụ đánh bom trước đó nhiều tuần - cũng nhắm vào giới truyền thông. Những vụ bắt cóc này khiến cho người ta nhớ lại năm ngoái, các phe nổi dậy (kể cả Al-Qaeda) ở Iraq đã bắt cóc 225 người nước ngoài trên toàn lãnh thổ Iraq, giết hại tối thiểu 38 người, trong số đó có cả nhà báo và nhân viên của các tổ chức nhân đạo quốc tế. Những vụ tấn công và bắt cóc có giảm hẳn lại kể từ đó đến trước đây 1 tháng, nhờ các tổ chức nhân đạo và dân sự quốc tế rút nhân viên ra khỏi Iraq hoặc làm việc tại những nơi có biện pháp an ninh nghiêm ngặt.

Nhưng sau khi một nhà báo Mỹ bị bắt cóc và giết chết ở Basra hồi đầu năm 2005, nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng, không loại trừ khả năng các phiến quân bắt tay với các giáo phái thuộc phe chính phủ Shiite để thực hiện các vụ bắt cóc người nước ngoài. Nhà báo người Mỹ, Steven Vincent, từng viết nhiều về sự trà trộn của các tổ chức bán quân sự và phiến quân Shiite vào hàng ngũ an ninh và cảnh sát Basra.

Mới đây, một tờ báo Đức tường thuật rằng, nhà khảo cổ Susanne Osthoff (43 tuổi, bị mất tích từ hôm 24/11/2005) từng nhận được lời đe dọa giết chết từ các phiến quân Al-Qaeda tại Iraq hồi còn làm việc ở Mosul mùa hè năm 2004, buộc lòng bà phải chuyển về làm việc tại Baghdad. 4 nhà hoạt động vì Hòa bình Thiên Chúa giáo ấy (Tom Fox, Norman Kember, James Loney và Harmeet Singh Sooden, tất cả đều ở Canada) trở thành mục tiêu có thể đơn giản chỉ vì họ là người nước ngoài. Trong trường hợp này, Al-Qaeda hoặc một nhóm du kích nào đó tương tự đều có thể là thủ phạm. Nhưng bắt cóc những nhà hoạt động vì quyền con người thì chỉ có thể là các phiến quân Shiite.

Thật ra với những vụ việc kiểu này, chẳng thể tìm ra phe nhóm nào chịu trách nhiệm. Wamidh Omar Nadhmi, nhà khoa học chính trị tại Trường đại học Baghdad, băn khoăn: “Chúng tôi không biết ai làm chuyện này đơn giản là vì chúng tôi thực sự không biết chuyện gì đang xảy ra ở Iraq. Mọi chuyện chỉ là đồn đoán, nhưng chưa bao giờ có một sự việc nào được làm sáng tỏ”.

Không chỉ người nước ngoài trở thành nạn nhân của tệ bắt cóc.

Tháng 2/2005, anh Abu Mohammed đang tán gẫu với một người bạn trong một tiệm sửa chữa ôtô khu vực Salman Pak (cách Baghdad 18 km), bất chợt một nhóm vũ trang bịt mặt ập tới bắt anh đẩy lên xe và lao đi thật nhanh. 10 ngày sau đó, anh bị giam trong nhà tắm, có khăn trùm kín đầu - như thế có nghĩa đó là giai đoạn nghe bọn phiến quân ấy đọc kinh cầu nguyện cho... chúng giết anh.

Là một doanh nhân thành đạt, hàng ngày phải đi từ Baghdad đến Salman Pak suốt 20 năm qua, chưa bao giờ anh trải qua những phút kinh hoàng hơn thế. Phải đến ngày thứ 13, anh mới biết “tội” của mình khi được đem ra xử tại một tòa án di động: Vì anh là người Shiite. Rốt cuộc, amh may mắn được thả tự do khi buộc phải chi cho bọn bắt cóc người Sunny hết 60.000 USD.

Khu vực Salman Pak  nằm trong căn cứ địa của một số kẻ nổi dậy cực đoan Sunny có biệt danh “Tam giác Tử thần”. Sunny và Shiite là 2 sắc tộc đố kị nhau, cho nên có khi chỉ một tuần đã có hàng trăm người Shiite tại Madain (một làng nhỏ trong cùng khu vực) bị bọn cực đoan Sunny bắt cóc... Nhiều bài báo địa phương cho biết bọn bắt cóc luôn đe dọa giết tất cả những con tin Shiite trừ khi họ chịu bỏ làng ra đi

Lệ Đào (tổng hợp)
.
.