Hồi kết nào cho các cuộc biểu tình ở Hồng Công?

Thứ Ba, 07/10/2014, 16:00

Phong trào biểu tình ở Hồng Công đã bước sang tuần thứ hai và không có dấu hiệu gì sẽ sớm kết thúc. Người biểu tình là ai và họ muốn gì? Phản ứng của chính quyền đặc khu này cũng như của Bắc Kinh ra sao? Và điều quan trọng là phong trào này sẽ đi đến đâu đồng thời kéo theo những hệ quả gì?

Chân dung những người biểu tình

Phong trào bất phục tùng dân sự tại Hồng Công hiện nay có 2 mục đích: Một là, yêu cầu người đứng đầu hành pháp đặc khu hành chính này là Lương Chấn Anh từ chức. Hai  là, đòi Bắc Kinh phải tôn trọng quyền tự do lựa chọn người lãnh đạo trong cuộc bầu cử vào năm 2017.

Hồng Công trở về với Trung Quốc từ năm 1997 theo mô hình “Một quốc gia, hai chế độ”. Bắc Kinh cam kết quyền tự trị và tự do chính trị cho Hồng Công. Tuy nhiên, tháng 8/2014, Bắc Kinh thông báo là tân lãnh đạo hành pháp Đặc khu Hồng Công sẽ được bầu ra theo hình thức phổ thông đầu phiếu, vào năm 2017, nhưng người dân Hồng Công chỉ được lựa chọn trong số 2 hoặc 3 ứng viên do một ủy ban có thẩm quyền giới thiệu.

Phong trào Occupy Central (chiếm trung tâm) đã đòi chính quyền Trung Quốc phải từ bỏ quyết định này và kêu gọi thúc đẩy tiến trình cải cách chính trị tại Hồng Công. Theo phong trào này, chính quyền Hồng Công phải gửi đến Bắc Kinh một báo cáo mới về cải cách chính trị phản ánh đầy đủ nguyện vọng dân chủ của người dân Hồng Công.

Thành phần tham gia biểu tình rất đông đảo và đa dạng, từ học sinh, sinh viên cho đến giáo viên, doanh nhân, tăng lữ tham gia biểu tình kể từ ngày 22/9. "Thanh niên chính là những người khao khát nền dân chủ, chính họ sẽ tạo nên những điều bất ngờ" - đánh giá của Alain Le Pichon, giảng viên và nhà ngôn ngữ học, tác giả cuốn sách "Nguồn gốc của Hồng Công" (1999).

Người biểu tình phong tỏa con đường chính dẫn đến khu trung tâm Hồng Công.

Người được cho là lãnh đạo giới sinh viên biểu tình tại Hồng Công là Hoàng Chi Phong. Năm nay mới 17 tuổi, thân hình mảnh khảnh, với cặp kính cận, nhưng Hoàng Chi Phong có tài diễn thuyết tuyệt vời và đang được cộng đồng mạng tôn vinh là “thần đồng cách mạng”.

Lúc 12 tuổi, Hoàng Chi Phong đã thành lập Scholarism, Hội đoàn Sinh viên - học sinh. Chính nghiệp đoàn sinh viên này đã tung ra chiến dịch bất tuân dân sự làm chấn động cả Hồng Công. Cách đây 2 năm, chính Hoàng Chi Phong đã đấu tranh chống lại chính quyền Hồng Công quyết định đưa việc giảng dạy “lòng yêu nước” vào trong trường cấp một và hai…

Cần phải nói rõ rằng phong trào biểu tình lần này là bất bạo động. Người biểu tình chỉ tập trung tại các đường phố và trung tâm hành chính, mang theo ô dù và mặt nạ chống hơi cay. Họ hô vang các khẩu hiệu thể hiện yêu sách của mình, không đập phá hay có hành vi chống lại cảnh sát…

Phản ứng của Bắc Kinh

Trong gần hai tuần diễn ra biểu tình, chính quyền Hồng Công đã nhiều lần huy động rồi lại rút lui lực lượng cảnh sát chống bạo động. Cảnh sát cũng chỉ ngăn dòng người biểu tình và tìm cách giải tán họ bằng lựu đạn cay. Lãnh đạo Hồng Công thì lên truyền thông kêu gọi người biểu tình “trở về nhà” và đừng làm chuyện dại dột… Tuy nhiên, phong trào biểu tình không những không giảm mà ngày càng lan rộng.

Trong khi đó, báo chí chính thức của Trung Quốc tố cáo các vụ biểu tình là thái độ manh động của những kẻ “cực đoan chính trị”, muốn lợi dụng suy nghĩ lý tưởng hóa và lòng nhiệt tình của sinh viên đòi có bước tiến dân chủ mới. Theo website China Digital Times, chuyên theo dõi hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc, thì Bắc Kinh đã ra lệnh cho tất cả các website tại nước này phải xóa bỏ ngay lập tức tất cả thông tin về các cuộc biểu tình tại Hồng Công.

Hoàng Chi Phong, 17 tuổi, thủ lĩnh cuộc biểu tình của học sinh Hồng Công.

Trong một tài liệu công bố hồi tháng 6, chính quyền Trung Quốc khẳng định Hồng Công không có quyền hưởng chế độ “tự trị hoàn toàn” và người dân đặc khu này “hiểu nhầm” về mô hình “Một quốc gia, hai chế độ”.

Một quan chức cấp cao Trung Quốc tuyên bố việc Bắc Kinh duyệt danh sách các ứng viên bầu cử ở Hồng Công là cần thiết để đảm bảo đặc khu trưởng Hồng Công “yêu Trung Quốc, yêu Hồng Công và sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh và phát triển của đất nước”.

Bắc Kinh cũng chỉ trích Anh và Mỹ đứng sau giật dây các cuộc biểu tình ở Hồng Công. Giới quan sát nhận định cả thế giới sẽ theo dõi xem Bắc Kinh phản ứng như thế nào đối với làn sóng biểu tình dữ dội trong những ngày qua.

Mọi câu hỏi giờ đây đều dồn về phía Trung Quốc. Bất ngờ trước tầm mức của làn sóng phản đối, chính quyền trung ương đã tìm cách hạ nhiệt. Câu hỏi là liệu họ (Bắc Kinh) có sẵn sàng đàm phán các nhượng bộ về cải cách để thoát khủng hoảng hay không? Các tờ báo quốc tế dự đoán đến kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra đó là khai hỏa, thậm chí sử dụng cả quân đội để vãn hồi trật tự. Nỗi ám ảnh đó không phải là không có cơ sở.

Gần đây, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc có đăng trên website của mình bài viết của một giáo sư “Học viện Cảnh sát vũ trang” cảnh báo: Nếu Cảnh sát Hồng Công không kiểm soát được tình thế, quân đội Trung Quốc sẽ can thiệp. Tuy nhiên, bài viết này chỉ xuất hiện vài giờ trên mạng thì bị gỡ xuống.

Truyền thông Trung Quốc ngày 1/10 cho hay, Bắc Kinh sẽ không đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Công và sẽ đợi những cuộc biểu tình tàn lụi dần. Tờ Nhân dân nhật báo hôm qua đăng một bài xã luận trên website cho rằng, những người biểu tình chỉ là “người thiểu số cực đoan” muốn “hủy hoại luật pháp ở Hồng Công". Còn tờ China Daily (Trung Quốc) quy kết những cuộc biểu tình làm ảnh hưởng đến sự ổn định của Hồng Công.

Tờ Thời báo Hoàn cầu cho hay: “Chính quyền trung ương sẽ không chùn bước chỉ vì những sự hỗn loạn mà những người đối lập tạo ra”. “Người Hồng Công sẽ thấy rõ ràng rằng chính quyền trung ương sẽ không thay đổi quan điểm, họ sẽ nhận ra rằng vở kịch mà những người đối lập dàn dựng chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”.

Bốn kịch bản kết thúc biểu tình

Hiện có 4 kịch bản được đưa ra cho phong trào biểu tình ở Hồng Công hiện nay. Thứ nhất, phong trào đấu tranh cho dân chủ sẽ lan rộng trên quy mô lớn. Nếu xét về số lượng và thành phần người tham gia biểu tình từ ngày 22/9 đến nay, thì có thể thấy nếu ông Lương Chấn Anh không từ chức hoặc không có các biện pháp mạnh thì phong trào này sẽ lan rộng. Hiện nhiều nước trên thế giới đã tỏ ra ủng hộ phong trào này. Thứ hai, phong trào sẽ hụt hơi. Đây là kịch bản đang được chính quyền Hồng Công và Bắc Kinh mong đợi.

Tuy có hàng chục ngàn người biểu tình liên tiếp trong những ngày qua, nhưng mối quan tâm hàng đầu của ban tổ chức là duy trì được nhịp độ huy động người dân xuống đường, bởi vì nếu có ít người tham gia, chính quyền có thể điều động cảnh sát giải tán cuộc biểu tình. Những địa điểm có ít người tham gia so với khu trung tâm như Causeway Bay, khu thương mại và Mongkok, nơi có mật độ dân cư rất cao ở Ma Cao, đối diện với đảo Hồng Công, được đánh giá là những nơi dễ bị trấn áp.

Cảnh sát Hồng Công sử dụng hơi cay và gậy để giải tán đám đông biểu tình.

Những người biểu tình cũng phải chú ý tới công luận của đặc khu hành chính có hơn 7 triệu dân này, nơi được coi là rất thuận tiện cho kinh doanh và các hoạt động dịch vụ tài chính. Tuy có xảy ra vài hiện tượng tranh cãi giữa người biểu tình và người sử dụng giao thông công cộng, những người bán hàng, nhưng cho đến nay, chưa thấy xuất hiện sự bất bình, phản đối của người dân đối với phong trào đấu tranh. Tình hình này có thể thay đổi nếu những xáo trộn trong sinh hoạt, giao thông kéo dài trong những ngày tới, hoặc những tuần tới.

Kịch bản thứ ba là chính quyền Hồng Công sẽ trấn áp biểu tình. Chính quyền Hồng Công có thể lại huy động cảnh sát chống bạo động để giải tán cuộc biểu tình. Cảnh sát không loại bỏ khả năng sử dụng lựu đạn cay, thậm chí bắn đạn cao su để trấn áp những người biểu tình. Thế nhưng, giống như ngày 28/9, mọi đối đầu, xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình sẽ càng làm cho người dân xuống đường đông đảo hơn, trong lúc giới phân tích cho rằng, dường như cuộc đấu tranh đã hoàn toàn vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các lãnh đạo phong trào. Theo nhận định của Công ty Tư vấn Steve Vickers Associates, cho dù các lãnh đạo này bị bắt, phong trào có thể vẫn tiếp tục.

Cuối cùng là khả năng Bắc Kinh can thiệp trực tiếp. Quân đội Trung Quốc có một doanh trại ở Hồng Công. Chính quyền Bắc Kinh có thể quyết định rằng tình hình trên lãnh thổ này đã kéo dài quá mức và huy động quân đội giải quyết vấn đề. Trong những ngày qua, có tin đồn là quân đội Trung Quốc sẽ can thiệp, nhưng cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ giả thuyết này sẽ xảy ra. Ông Lương Chấn Anh và chính quyền Bắc Kinh nói rằng, Hồng Công có đủ khả năng tự giải quyết cuộc khủng hoảng.

Theo một nhà phân tích phương Tây, kịch bản quân đội Trung Quốc can thiệp trực tiếp, tuy là ít xảy ra nhất, sẽ bị toàn thế giới lên án. Có nhiều khả năng là Cảnh sát Trung Quốc trá hình đóng giả Cảnh sát Hồng Công, được điều động tới hỗ trợ Cảnh sát Hồng Công. Với cách này, chính quyền Hồng Công và Bắc Kinh sẽ tuyên bố là họ tự giải quyết tình hình nội bộ trên lãnh thổ này.

Tác hại của biểu tình

Jean - Philippe Béja, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS), chuyên gia về Trung Quốc và hiện đang làm việc tại Hồng Công, nói rằng những người biểu tình có rất ít cơ may đạt được điều họ muốn. Theo ông, khó xảy ra trường hợp Quốc hội Trung Quốc thay đổi quyết định mà họ đã đưa ra. Yêu sách đòi lãnh đạo hành pháp Hồng Công từ chức cũng khó xảy ra. Nhưng điều có thể là một số thành viên chính phủ, cho đến lúc này, chưa xuất đầu lộ diện, thì nay sẽ tới thương lượng với đại diện phong trào biểu tình. Tuy vậy, đây cũng là một khả năng hiếm hoi. Trong mọi trường hợp, phong trào này chỉ có tác dụng giáo dục ý thức chính trị đối với thế hệ mới, những người tranh đấu cho dân chủ ở Hồng Công.

Về mặt kinh tế, phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở Hồng Công đã bắt đầu có tác động đến kinh tế địa phương và có thể gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với Hồng Công, trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu ở khu vực. Giao thông ách tắc rối loạn, các chi nhánh ngân hàng đóng cửa, các chuyến công cán làm ăn của giới doanh nhân bị đình hoãn, đó chỉ là một vài ảnh hưởng có thể nhận thấy ngay trong hoạt động của Hồng Công.

Chuyên gia Gareth Leather thuộc Trung tâm Capital Economics nhận định: Nếu các cuộc biểu tình kéo dài, du lịch và thương mại, hai ngành hiện chiếm 10% thu nhập nội địa của Hồng Công, có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và khi đó kinh tế Hồng Công sẽ rơi vào suy thoái là điều không tránh khỏi.

Tuy nhiên hậu quả về mặt tài chính trong trường hợp cuộc khủng hoảng trở nên nghiêm trọng và kéo dài mới là mối bận tâm đáng lo ngại. Hồng Công được cho là một mắt xích quan trọng trong guồng máy tư bản không chỉ khu vực châu Á. Hàng trăm tỉ USD mỗi ngày được giao dịch tại nơi đây qua các thị trường trao đổi tiền tệ, mua bán nguyên vật liệu cơ bản, vốn liên ngân hàng và nhất là thị trường chứng khoán Hồng Công là nơi niêm yết vốn của các tập đoàn kinh tế trọng yếu của Trung Quốc; như về tài chính có Ngân hàng HSBC, các tập đoàn viễn thông thì có China Mobil hay về năng lượng có PetroChina. Thị trường chứng khoán Hồng Công được coi là thị trường hoạt động hiệu quả đứng hàng thứ 3 trên thế giới, sau New York và London.

Theo ông Ivan Tselichtchev, giáo sư kinh tế Đại học Quản lý Nigata Nhật Bản cũng như nhiều chuyên gia khác trong vùng thì vị thế mạnh của Hồng Công trong bàn cờ tiền tệ chỉ bị đe dọa ở bên ngoài lề vì chính quyền Trung Quốc và Hồng Công có đủ quyền lực và nguồn lực để có thể kiềm chế được những rối ren lớn. Chuyên gia Leather thuộc Capital Economics, nhấn mạnh: “Chính quyền Hồng Công chắc hẳn sẽ không dung thứ việc chiếm đóng các trục huyết mạch thương mại chính và có thể sẽ huy động cảnh sát giải tán đám đông trên phố”.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định thêm, nếu đàn áp dữ dội phong trào phản kháng lần này thì sẽ gây hậu quả tai hại đối với nền kinh tế Hồng Công cũng như với hình ảnh của Trung Quốc. Và người được hưởng lợi từ cú ngã của Hồng Công chắc hẳn sẽ là Singapore. Đảo quốc này sẽ là nơi đón tiếp những ngân hàng, dịch vụ tài chính nếu phải bỏ Hồng Công. Xa hơn, cuộc khủng hoảng Hồng Công còn có thể kéo theo hệ lụy không nhỏ đối với các trung tâm tài chính của Trung Quốc

Đan Kô - Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.