Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24: Cũ tân tiến, mới cổ hủ!

Thứ Năm, 24/11/2016, 16:50
Ngay sau tuyên bố chung của lãnh đạo các nước APEC quyết tâm thực hiện toàn cầu hóa và chống chủ nghĩa bảo hộ, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay ngày đầu làm tổng thống.

Ngay sau tuyên bố chung của lãnh đạo các nước APEC quyết tâm thực hiện toàn cầu hóa và chống chủ nghĩa bảo hộ, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay ngày đầu làm tổng thống.

Ngày 21-11, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 tại Lima (Peru) thông qua hai văn kiện kèm theo gồm “Tuyên bố Lima về khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương” và “Lộ trình về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ”. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC tái khẳng định cam kết duy trì vai trò tiên phong của APEC trong tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Lãnh đạo các nước APEC cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ tại Peru ngày 21-11.

Tuyên bố chung cam kết sẽ “chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ”. Bản tuyên bố khẳng định: “Giới lãnh đạo của các quốc gia thành viên đã đồng thuận về việc giữ sự cởi mở của thị trường, không làm giảm giá tiền tệ để tăng tính cạnh tranh và tiếp tục hoạt động tích cực để xây dựng một khu vực tự do trao đổi hàng hóa mang tính dài hạn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Khối APEC đánh giá sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ sẽ làm giảm trao đổi thương mại và làm chậm đà phát triển của kinh tế thế giới. Để tránh tình trạng này, bản tuyên bố chung nhấn mạnh cần phải “chia sẻ một cách công bằng hơn các lợi nhuận của nền sản xuất toàn cầu hóa cho mọi tầng lớp xã hội”.

Ngay sau tuyên bố trên, trong một video công bố ngày 21-11 nhằm thông tin đến người dân Mỹ về tiến trình chuyển giao quyền lực, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ đưa ra hàng loạt quyết định trong ngày nhậm chức 20-1-2017. Trong số các quyết định đầu tiên đó có việc rút Mỹ ra khỏi TPP.

Lãnh đạo các nước APEC tại Peru ngày 21-11.

Ông Trump chủ trương thương thuyết lại những hiệp định thương mại đang áp dụng như Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (North America Free Trade Agreement - NAFTA) được ký kết 22 năm trước, để có lợi hơn cho Mỹ và từ bỏ những hiệp định nào không đạt được mục tiêu này. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump luôn bác bỏ và chỉ trích TPP vì hiệp định này chỉ giúp công nhân các nước khác “đánh cắp công ăn việc làm” của người Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định này.

Chính những tuyên bố chống tự do mậu dịch và lời hứa ngăn chặn làn sóng hàng nhập khẩu Trung Quốc đã góp phần giúp ông thu hút phiếu cử tri thuộc thành phần lao động, đặc biệt là tại những bang công nghiệp như Ohio, Michigan, Wisconsin và Pensylvania, từ đó giành được chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử vừa qua.

Hiệp định TPP, do Mỹ khởi xướng, đã được 12 nước hoàn tất việc đàm phán vào tháng 10-2015. Các nước trên cũng đã ký kết hiệp định này vào ngày 4-2-2016 với hy vọng áp dụng từ 5-4-2018 nếu mọi việc đều trôi chảy. Sở dĩ nói “nếu mọi việc trôi chảy” là vì TPP muốn có hiệu lực thì phải được sự thông qua của tất cả quốc hội 12 nước ký kết.

Cho đến nay mới chỉ có quốc hội vài nước, trong đó có Nhật Bản, phê chuẩn hiệp định này. Trong khi đó, Mỹ là nước khởi xướng mới đây tuyên bố ngưng tạm thời việc tranh luận dẫn đến phê chuẩn TPP trước quốc hội. Theo hãng tin Reuters, chính quyền Obama ngày 11-11-2016, đã thông báo đình chỉ mọi thủ tục để Hiệp định TPP được thông qua ở Quốc hội Mỹ và tuyên bố rằng số phận của hiệp định này sẽ do tổng thống tân cử Donald Trump và các nghị sĩ Cộng hòa quyết định.

Ngoài Mỹ, quốc hội một số nước khác cũng đã ngưng thảo luận về việc phê chuẩn hiệp định này. Nhiều nước còn tỏ ra lo ngại cho số phận của thỏa ước trên. Ngày 15-11, để chuẩn bị cho sự sụp đổ có thể xảy ra của TPP, Malaysia cho biết họ sẽ tập trung nỗ lực của mình vào một hiệp định thương mại đa quốc gia do Trung Quốc dẫn đầu.

Ông Trump tuyên bố sẽ dừng TPP trong ngày đầu nhậm chức.

Bộ trưởng Thương mại Mustapa Mohamed cho biết Malaysia đang tìm cách thúc đẩy thỏa thuận Quan hệ Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - được Trung Quốc mô tả là một phần trong nỗ lực của nước này tiếp cận với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á 10 thành viên (ASEAN).

"Tình hình kinh tế quốc tế bất định hiện nay đã thúc đẩy và củng cố quyết tâm của các nước RCEP, nằm trong số những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới, để tiếp tục hợp tác chặt chẽ tiến tới hoàn tất thỏa thuận thương mại này" - ông Mustapa cho biết trong một thông cáo.

Nhưng Malaysia cũng mong muốn TPP sẽ trở thành hiện thực. Thủ tướng Malaysia ngày 16-11 đề nghị Thủ tướng Nhật tìm cách thuyết phục Tổng thống tân cử Donald Trump của Mỹ ủng hộ thỏa thuận TPP khi ông Abe gặp ông Trump tại New York vào ngày 18-11. Ông Razak nói với Thủ tướng Abe rằng Malaysia đã dọn đường thông qua thỏa thuận TPP.

Tuy nhiên, Deborah Elms, Giám đốc Điều hành Trung tâm Thương mại châu Á ở Singapore, lại không lạc quan như vậy. “Giờ đây, TPP chắc chắn đã chết” - bà Elms nhận xét. Là người ủng hộ TPP, bà Elms hy vọng ông Trump sẽ thấy rằng không cách nào giúp nhân công Mỹ hơn là Hiệp định TPP. Tuy nhiên, theo bà Elms, ông Trump đang chọn những người như ông, những người xem thế giới là thắng - thua và cho rằng các thỏa thuận thương mại là lý do gây thâm thủng mậu dịch cho Mỹ. “Không thể lý luận với những người này”, bà nói thêm.

Trung Quốc đang rất vui mừng chờ ông Trump thực hiện lời hứa tranh cử rằng ông sẽ xóa sổ TPP. Nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, Bắc Kinh chắc hẳn sẽ phải mừng hụt. Ông Trump không thể rút lại những lời hứa tranh cử song chúng ta chưa thể đoán ông Trump thực sự sẽ làm gì.

TPP, bên cạnh vấn đề quân sự, là một trong hai trụ cột trong chính sách của Tổng thống Barack Obama nhằm kiềm chế Trung Quốc. Theo nhiều nhà quan sát, việc xóa bỏ vai trò của Mỹ trong TPP không phải là điều dễ dàng.

“Ông Trump nói thế thôi chứ không phải đơn giản mà ông ấy nói là ông ấy làm được. Mà làm được thì ông ấy phải tính toán tới lợi ích của nước Mỹ, lợi ích của những bạn đồng minh của Mỹ. Sẽ không có điều đó xảy ra, mà tốt hơn như thế nào, hay là nó phát triển cầm chừng hoặc là nó có thể có những mặt này, mặt kia gián đoạn hoặc kém phát triển. Chắc không có điều đó xảy ra” - Zhang Zhexin, thuộc Viện Nghiên cứu Các vấn đề quốc tế ở Thượng Hải nói.

Chính các đại biểu Dân chủ trong Quốc hội Mỹ chống TPP mạnh nhất. Ða số các đại biểu thuộc đảng Cộng hòa (đảng của ông Trump) ủng hộ TPP; vì tự do mậu dịch là chủ trương cố hữu của đảng này. Ðảng Cộng hòa sẽ kiểm soát cả hai viện Quốc hội ít nhất trong hai năm tới, mà Quốc hội Mỹ không có thói quen gật đầu theo ý tổng thống.

Một điều quan trọng là giới lãnh đạo ở Mỹ đều đồng ý rằng trong việc đối phó với kế hoạch bành trướng của Trung Quốc ở châu Á thì một vũ khí hiệu quả nhất của nước Mỹ chính là sức mạnh của kinh tế tự do và thương mại tự do. Nhiều lãnh đạo Cộng hòa thuộc cả hai viện Quốc hội không ủng hộ ông Trump khi ông ứng cử trong đảng.

Phát biểu tại Hội nghị APEC 2016, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mong đợi chính quyền mới của Mỹ sẽ đánh giá lại quan điểm về TPP.

Nhiều người như thượng nghị sĩ John McCain hay dân biểu Paul Ryan, Chủ tịch Hạ Viện, đã từng bị ông Trump công kích nặng nề, có khi sỉ nhục. Họ có thể bỏ qua chuyện cá nhân nhưng sẽ không nhượng bộ trên những chính sách quan trọng nhất của đảng.

TPP là một chính sách đối phó với chương trình bành trướng của Trung Quốc khi Tổng thống Obama cố ý không mời Bắc Kinh tham dự. TPP sẽ xác định vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trong một vùng rộng lớn, chiếm 40% sản lượng toàn cầu. Quan hệ kinh tế sẽ nối chặt thêm những quan hệ an ninh. Nếu TPP bị xóa sổ mà không có gì thay thế, các nước châu Á không phải chỉ nhìn đó như một quyết định kinh tế, thương mại, mà họ sẽ thẩm định mức độ dấn thân và cam kết của nước Mỹ trong vùng này.

Các quốc gia khác cũng sẽ dè dặt không biết có thể tin tưởng vào những hiệp ước kinh tế sẽ ký kết với Chính phủ Mỹ trong tương lai hay không. Nhất là khi ông Trump cũng tỏ ý có thể rút lại việc bảo đảm an ninh của các đồng minh lâu đời như Nhật Bản và Hàn Quốc, nếu họ không đóng góp chi phí. Các chính phủ trước đây đã đưa quân đội Mỹ tới hai nước đó, cũng như đang đưa quân đến các nước ở châu Âu chính là để bảo vệ an ninh lâu dài cho nước Mỹ, hoàn toàn không phải vì những tính toán tài chính nhất thời.

Đối với những vấn đề lớn của nước Mỹ, một tổng thống không thể đơn phương quyết định. Ðảng Cộng hòa sẽ tạo áp lực để ông Trump phải thay thế TPP bằng những hành động có tác dụng tương tự chẳng hạn tạo một vành đai kinh tế, thương mại chung quanh Trung Quốc đang bành trướng, dù đó là TPP hay bằng những tên gọi khác.

Bắc Kinh có đủ lý do vui mừng nếu TPP bị vứt bỏ. Theo Zhang Zhexin, Trung Quốc sẽ nhân cơ hội thúc đẩy các thỏa ước mậu dịch song phương trong vùng, và cổ động cho kế hoạch “Nhất đới, nhất lộ”. Ông nhận định: “Vai trò lãnh đạo kinh tế của nước Mỹ sẽ bị nghi ngờ, mở cửa cho Trung Quốc thắt chặt quan hệ kinh tế với các nước châu Á - Thái Bình Dương”.

Trong bối cảnh “tranh tối tranh sáng” về TPP, hãng tin Reuters hôm 10-11 dẫn lời quan chức Trung Quốc nói rằng tại hội nghị APEC ở Peru, Bắc Kinh sẽ mưu tìm hậu thuẫn cho một thỏa thuận về khu vực thương mại tự do ở châu Á - Thái Bình Dương do Trung Quốc dẫn đầu.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc được trích lời nói rằng Trung Quốc tin là cần phải “thiết lập một kế hoạch làm việc mới, thực tiễn để phản hồi tích cực trước các kỳ vọng cũng như duy trì tiến độ và thiết lập một khu vực thương mại tự do ở châu Á - Thái Bình Dương sớm nhất có thể”.

Trước tình thế này, chắc chắn giới lãnh đạo đảng Cộng hòa sẽ không để ông Trump xé bỏ những cam kết trong TPP. Một vị Tổng thống Mỹ không thể nào đưa quốc gia trở về tình trạng cô lập, như trong thế kỷ 19. Ngay cả khi ông Trump xóa bỏ TPP thì cũng là để bắt đầu những màn đàm phán mới thiết lập các quan hệ kinh tế với 11 quốc gia đã ký kết TPP.

Ông Trump có thể dùng “món võ” TPP làm một đòn mặc cả với Trung Quốc trong các vấn đề mậu dịch giữa hai nước. Ai cũng biết Trung Quốc cần giao thương với Mỹ để xuất khẩu hàng hóa, nhưng cũng nên biết rằng Trung Quốc là nước đứng thứ ba sau Canada và Mexico đang nhập khẩu hàng hóa Mỹ. Trong cuộc thương thảo với Trung Quốc sẽ diễn ra, ông Trump có thể dùng một thứ “TPP mới” làm đòn bẩy, một người vẫn tự hào về tài thương lượng như ông không thể bỏ qua.

Ông Trump đã hứa sẽ xóa bỏ TPP trong 100 ngày đầu tiên, và đòi Canada và Mexico thảo luận lại hiệp ước NAFTA trong 100 ngày kế tiếp, nếu không sẽ xóa nốt. Nhưng trong 150 năm qua các Chính phủ Mỹ chưa bao giờ xóa bỏ một hiệp ước thương mại nào. Và giới kinh doanh Mỹ sẽ không thể chấp nhận một cuộc thay đổi lớn nếu NAFTA hết hiệu lực. Hơn 6 triệu công nhân Mỹ đang sống nhờ hàng xuất khẩu qua Mexico hoặc làm những bộ phận mà Mexico phải nhập khẩu để ráp thành hàng hóa bán sang Mỹ.

Trong lúc này, thế giới bên ngoài sẽ không ai ngồi yên chờ chính quyền và Quốc hội Mỹ trong một, hai năm mặc cả với nhau như thế nào về vụ TPP.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.