Hội nghị G8 về nông nghiệp: Thêm nhiều nước thiếu ăn

Thứ Ba, 28/04/2009, 16:05
Tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng lương thực và dự trữ các loại ngũ cốc như thế nào để cứu gần 1 tỉ người thiếu ăn trên thế giới hiện nay là trọng tâm của Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) nhóm họp tại Italia từ ngày 18 đến 20/4 vừa qua.

Tính chất và quy mô của hội nghị này nói lên phần nào tính chất cấp bách của vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Ngày 18/4 vừa qua, Bộ trưởng Nông nghiệp các quốc gia thuộc nhóm G8 (Anh, Pháp, Đức, Italia, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản) cùng đại diện các tổ chức quốc tế quan trọng (Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), Ủy ban châu Âu, Liên hiệp châu Phi) và đại diện các nước Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Nam Phi đã họp tại Cison Di Valmarino, miền Bắc Italia, để soạn thảo một tài liệu quan trọng liên quan tới chính sách nông nghiệp và an ninh lương thực thế giới dự kiến sẽ đệ trình các nguyên thủ nhóm G8 tại phiên họp cấp cao của nhóm này diễn ra tại Sardaigne, Italia, vào tháng 7 tới.

Đây là lần đầu tiên nhóm G8 họp bàn về vấn đề lương thực kể từ sau khi bùng phát cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 với một loạt vụ bạo loạn vì đói ở nhiều nơi trên thế giới.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị đều nhất trí rằng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện đã kéo giá lương thực giảm xuống. Nhưng đó chỉ là hiện tượng tạm thời và vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng lương thực tại các nước đang phát triển do các khoản đầu tư cho nông nghiệp đang giảm mạnh.

Và rất có thể trong năm nay khủng hoảng lương thực sẽ gay gắt thêm do suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo dự báo của FAO, trong năm 2009, số người thiếu ăn trên thế giới sẽ vượt qua ngưỡng 1 tỉ người, so với 963 triệu người vào cuối năm 2008.

Trong thời gian gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng tình hình lương thực thế giới đã được cải thiện nhờ vào việc giá ngũ cốc đã giảm. Tuy nhiên, ông Jacques Diouf, Tổng giám đốc FAO, đã bác bỏ điều này và cho rằng giá lương thực trên thế giới vẫn còn cao hơn khoảng 19% so với mức của năm 2006.

Mặt khác, một số công trình nghiên cứu của FAO đã cho thấy, dù giá ngũ cốc có giảm trên thị trường quốc tế, nhưng mức giảm đã không được đưa vào giá bán lại cho người tiêu thụ, nhất là tại các nước đang phát triển.

Nguy cơ những người nghèo bị thiếu ăn, theo ông Jacques Diouf, còn gia tăng với tình trạng các kho dự trữ lương thực trên thế giới đã rơi xuống mức thấp nhất từ 30 năm nay, trong lúc việc sản xuất nông nghiệp ngày càng bị đe dọa bởi hiện tượng biến đổi khí hậu. Mặt khác, diện tích đất nông nghiệp trên thế giới cũng giảm.

Tình hình hiện khó khăn hơn khi nông dân ở châu Âu và Mỹ năm nay đang trồng trọt ít đi do việc vay tín dụng ngày càng khó hơn. Trung Quốc đã gia tăng diện tích canh tác nhưng lại đang gặp nạn hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 70 năm qua và sản lượng thu hoạch dự kiến có thể giảm tới 40%. Hạn hán cũng đang gây ảnh hưởng mạnh tới các vùng trồng ngũ cốc lớn trên thế giới như Argentina, Paraguay và miền Nam Brazil.

Lời báo động của FAO cũng đã được Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh. Ngày 16/4 vừa qua, ông David Nabarro, Trợ lý Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách vấn đề an toàn lương thực đã lo ngại rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có nguy cơ tạo ra khoảng 100 triệu "người đói mới" do việc hàng chục triệu người tại các nước nghèo bị mất công ăn việc làm.

Theo ông Nabarro, các nước lớn họp hội nghị tại Italia lần này có trách nhiệm đưa vấn đề lương thực nông nghiệp vào trong những chính sách chấn hưng kinh tế thế giới.

Các bộ trưởng tham dự hội nghị cũng phải đề ra những biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm tình hình an ninh lương thực trên thế giới, đồng thời ngăn ngừa tình trạng giá cả biến động thất thường mà sự tăng vọt vào năm 2008 đã tạo ra bạo động.

Để ổn định giá cả, theo lời Bộ trưởng Nông nghiệp nước chủ nhà Luca Zaia, các nước cần phải rút ra được bài học về hiện tượng tăng giá lương thực hồi năm 2008 và cần nỗ lực chống lại hiện tượng đầu cơ nông sản.

Ông Luca Zaia cho biết các nước đang cùng bàn thảo về ý tưởng thành lập một quỹ dự trữ ngũ cốc chung toàn cầu. Làn sóng một số nước đổ xô đi thuê đất nông nghiệp tại các quốc gia đang phát triển để bảo đảm an ninh lương thực cho mình cũng là một trong những đề tài thảo luận chính tại hội nghị.

Trong khi hội nghị đang diễn ra, các tổ chức phi chính phủ như Oxfam của Anh, hay Ủy ban Công giáo chống nạn đói và vì phát triển (CCFD) của Pháp đã yêu cầu các quốc gia giàu có trong nhóm G8 giữ đúng lời hứa tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở các nước nghèo đang phát triển.

Ông Ambroise Mazal thuộc Tổ chức CCFD đã lên tiếng nhắc nhở rằng, trong số 22 tỉ USD cam kết nhân Hội nghị thượng đỉnh FAO tháng 6/2008, cho đến giờ chỉ mới có hơn 2 tỉ là được thực sự giải ngân.

Chủ tịch Quỹ quốc tế vì phát triển nông nghiệp (FIDA) thuộc Liên Hiệp Quốc, Kanayo Nwanze, cho rằng cần phải tăng gấp đôi sản lượng lương thực thế giới từ nay đến năm 2050 để có thể nuôi số dân sẽ lên đến 9 tỉ người.

Ông Nwanze cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi chờ đợi ở các nước G8 và các quốc gia đang phát triển một kế hoạch hành động cụ thể, chứ không phải là một tuyên bố mới để có thể đảo ngược tình thế vì nông nghiệp là chìa khóa của tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển và an ninh lương thực là chìa khóa của an ninh thế giới".

Michel Barnier, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp cho rằng, kể từ sau hội nghị này, vấn đề nông nghiệp phải được đưa trở lại chương trình nghị sự quốc tế. Nguyên thủ các quốc gia cần gia tăng mức đầu tư vào nông nghiệp, vốn có nguy cơ sụt giảm do khủng hoảng tài chính hiện nay.

Ông Barnier cũng cho rằng giải quyết những vấn đề nông nghiệp và nạn đói cũng cần có những dự án nông nghiệp khu vực dưới hình thức tương tế, chẳng hạn việc quản lý nguồn nước tại châu Phi.

Thay cho lời kết hội nghị, Tổng giám đốc FAO, Jacques Diouf, phát biểu: "Chỉ có những hành động mới cứu được những người dân đang chịu cảnh đói khát, còn những phát biểu này nọ thì không"

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.