Hội nghị Mùa xuân IMF và WB: Hạ mức dự báo tăng trưởng

Thứ Sáu, 22/04/2016, 16:45
Mặc dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết cùng hành động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu tại Hội nghị Mùa xuân vừa diễn ra tại Washington (Mỹ), song với những diễn biến không mấy khả quan trên thị trường tài chính toàn cầu trong 3 tháng đầu năm 2016, các nhà phân tích cho rằng đây có thể chỉ là động thái trấn an dư luận trong bối cảnh thế giới đang phải đương đầu với quá nhiều khó khăn.

Vật vã với “Brexit”

Chỉ vài ngày trước khi diễn ra Hội nghị Mùa xuân IMF và WB, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới và một loạt nền kinh tế lớn trong năm nay, đánh dấu lần thứ tư trong vòng một năm qua định chế tài chính này hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu.

Trong báo cáo công bố ngày 12/4, IMF đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 xuống còn 3,2%, so với mức dự báo 3,4% đưa ra hồi tháng 1 vừa qua. IMF cho rằng những rủi ro về chính trị và tài chính kéo dài, cuộc nội chiến tại Syria, thị trường tài chính bất ổn, tình trạng biến đổi khí hậu, chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên và những thiệt hại của kịch bản nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là "Brexit") là những nguyên nhân chính khiến kinh tế thế giới chưa thoát khỏi giai đoạn chậm phát triển kéo dài. Triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017 cũng được IMF hạ từ mức 3,6% xuống 3,5%.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde: Brexit và bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ có tác động toàn cầu.

IMF đánh giá "Brexit" sẽ "làm gián đoạn và suy giảm các dòng chảy tài chính và thương mại song phương", thu hẹp lợi ích có được từ việc hội nhập và hợp tác kinh tế như những gì các nền kinh tế đang có được hiện nay.

Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng nhu cầu trong nước Anh - vốn được thúc đẩy nhờ giá năng lượng thấp hơn và thị trường bất động sản đang lên - sẽ giúp hạn chế bớt tác động đối với tăng trưởng của "xứ sở sương mù" trước thềm cuộc trưng cầu ý dân sắp tới. IMF hạ dự báo tăng trưởng của nước Anh trong năm nay xuống 1,9% thay vì mức 2,2% đưa ra hồi tháng 1, song vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế "xứ sở sương mù" trong năm tới ở mức 2,2%.

Dự báo kinh tế toàn cầu đi xuống cũng kéo theo triển vọng không mấy lạc quan tại các nền kinh tế phát triển và mới nổi như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Brazil. Theo IMF, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng trong năm nay là 2,4%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo hồi đầu năm.

Đồng USD mạnh là một trong những yếu tố khiến kinh tế Mỹ không đạt mức tăng trưởng như mong đợi. Báo cáo của IMF còn chỉ rõ Mỹ đang góp phần vào sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và tâm lý dân tộc trong kinh tế khi một số ứng viên tổng thống đưa ra tuyên bố chống lại các hiệp định tự do thương mại, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này đi ngược lại xu hướng chung của hội nhập kinh tế toàn cầu.

Tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo chỉ ở ngưỡng 6,5% trong năm nay, và 6,2% trong năm tới. Trong khi đó, IMF dự báo kinh tế Nga năm nay sẽ suy giảm 1,8%, trước khi tăng nhẹ 0,8% vào năm tới. Tăng trưởng kinh tế của Saudi Arabia và các quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu ở Trung Đông đều được điều chỉnh giảm do giá dầu chưa có dấu hiệu phục hồi. Kinh tế Nhật Bản được dự báo sẽ tăng trưởng 0,5% trong năm 2016 và con số này sẽ lùi về -0,1% năm 2017, hạ mạnh so với các mức dự báo trước đó.

Không nằm ngoài xu hướng trên, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Eurozone cũng bị IMF hạ xuống 1,5% trong năm nay, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Không chỉ tăng trưởng chậm, IMF còn cảnh báo những quốc gia Eurozone sẽ còn phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn khác như tỷ lệ thất nghiệp cao.

Tác động giảm tốc của kinh tế toàn cầu

Mặc dù tại Hội nghị Mùa xuân 2016, IMF và WB đã cam kết chung tay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, theo đó kêu gọi các nước triển khai cách tiếp cận theo 3 hướng gồm: chính sách tiền tệ, chi tiêu tài chính và cải cách cơ cấu, để thúc đẩy các hoạt động kinh tế toàn cầu. Song giới phân tích cho rằng hội nghị dường như không có phản ứng rõ ràng trước lời kêu gọi thiết lập một kế hoạch hỗ trợ ở quy mô quốc tế nếu tăng trưởng bắt đầu chững lại.

Lời kêu gọi trên không được nhiều nước hưởng ứng có lẽ do lời cảnh báo trước đó của IMF, vốn cho rằng một cú sốc từ bên ngoài, do sự trì trệ của nền kinh tế thế giới, có thể gây ra ảnh hưởng lan truyền đối với nền kinh tế Mỹ và để lại hậu quả tiêu cực.

Nhà nghiên cứu Desmond Lachman thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ nói: “Nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế thế giới có mối liên hệ chặt chẽ thông qua hoạt động thương mại cũng như các thị trường tài chính quốc tế. Bởi vậy, triển vọng kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu có tác động rất lớn đến triển vọng kinh tế Mỹ”.

 Theo ông Lachman, dù chỉ một trong những cú sốc trên xảy ra, nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ chịu tác động nhất định. Ông Lachman cho rằng viễn cảnh xấu nhất chính là nền kinh tế Mỹ bị tác động bởi một cú shock từ bên ngoài như “Brexit”. Ông nói: “Lý do khiến tôi lo ngại về phần còn lại của nền kinh tế thế giới là tại thời điểm hiện tại, chúng ta đứng trước hàng loạt nguy cơ từ sự thất thường của môi trường kinh tế bên ngoài, nợ công ở mức rất cao tại nhiều quốc gia quan trọng, trong khi Mỹ thực sự không có nhiều biện pháp đủ để chống đỡ với các cú shock từ bên ngoài...

 Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn có cái nhìn lạc quan hơn về nền kinh tế Mỹ, song cảnh báo rằng việc lựa chọn một nhà lãnh đạo sai lầm - với thực tế là nhiều ứng cử viên Tổng thống Mỹ hiện nay có thể bị coi là lựa chọn tồi - sẽ là thảm họa cho nền kinh tế Mỹ.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.