Hội nghị Thượng đỉnh G8 - Hữu danh vô thực?

Thứ Hai, 20/07/2009, 20:10
Đại diện 8 nền kinh tế lớn nhất thế giới nhóm họp (từ ngày 8 đến 10/7) tại L'Aquila, Italia, để bàn về những vấn đề lớn của thế giới. Tuy nhiên, vai trò của G8 hiện đang bị nhiều người đặt dấu hỏi.

Hội nghị G8 (Pháp, Đức, Italia, Nhật, Anh, Mỹ, Canada và Nga) lần này nhóm họp để bàn các vấn đề nóng trên thế giới, từ vấn đề khủng hoảng kinh tế, đến an ninh, ô nhiễm môi trường thế giới, từ việc đề xuất những phương hướng mới trong lĩnh vực trao đổi thương mại thế giới đến việc đưa ra những chương trình hỗ trợ các vùng nghèo đói...

Ngay trong ngày thảo luận đầu tiên, 8 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới đã gây thất vọng cho giới bảo vệ môi trường khi hạ thấp chỉ tiêu chống hiện tượng trái đất ấm dần lên. Theo AFP, nhóm G8 cùng với đại diện nhóm G5 (Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico và Nam Phi) đã từ bỏ chỉ tiêu từng được đề xuất là giảm 50% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính thải ra từ nay cho đến năm 2050. AFP xác định: "Các nước đồng ý sẽ giảm đáng kể lượng khí thải ra, nhưng không phải theo mức 50%. Tuy nhiên, họ vẫn duy trì chỉ tiêu giới hạn đà tăng nhiệt độ trái đất ở mức tối đa là 20C".

Bước lùi của nhóm G8 và G5 đã bị giới bảo vệ môi trường cực lực phản đối. Theo chuyên gia về khí hậu người Pháp, ông Jean Jouzel, Phó chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc, thì việc không đề ra chỉ tiêu cụ thể về lượng khí thải cần giảm từ nay đến năm 2050 là một hành động "tự tử sinh thái". Ông Jouzel cho biết thêm, cam kết kìm hãm đà tăng nhiệt độ mà không đề ra chỉ tiêu giảm khí thải là một điều vô nghĩa lý, thiếu nhất quán.

Quyết định của G8 về vấn đề khí hậu đã che khuất một số kết quả khác trong các ngày họp còn lại về lĩnh vực kinh tế. Riêng trong lĩnh vực chính trị, nếu các nước đã đạt đồng thuận dễ dàng trong việc lên án CHDCND Triều Tiên, thì hồ sơ Iran còn gây bất đồng trong khối.

Đột phá của Hội nghị G8 có lẽ là thương mại. Một bản tuyên bố dự thảo nói G8 và nhóm G5 sẽ nhất trí về việc gút lại vòng đàm phán thương mại Doha vào năm 2010. Được khởi động từ năm 2001 để giúp đỡ các nước nghèo có thể thịnh vượng hơn nhờ thương mại, nhưng các cuộc đàm phán Doha đã lâm vào bế tắc do bất đồng về thuế quan và cắt giảm các khoản trợ cấp chính phủ cho các ngành sản xuất.

Các nguyên thủ quốc gia đến dự Hội nghị G8 tại Aquila.

Thực ra từ nhiều năm nay công luận cũng đã không trông chờ bao nhiêu từ những cuộc họp thượng đỉnh G8 như thế này. Kỳ họp nào của nhóm này cũng có nhiều ý tưởng lớn nhưng lại thiếu giải pháp khả thi cụ thể, họp hành nhiều nhưng ít tính ràng buộc rồi sau đó lại nhanh chóng bị lãng quên. Thế giới đang có nhiều thay đổi, trong đó cán cân lực lượng giữa các nước ở các khu vực khác nhau cũng có nhiều thay đổi. Một G8 mà không có một sự hiện diện của các khu vực kinh tế mới như Ấn Độ hay Nam Mỹ thì cũng khó mà có thể đưa ra những đường lối hoàn toàn có tính khả thi cụ thể.

Kế đến là đã từ lâu, bên cạnh những G8 "truyền thống" như thế này, người ta đã bắt đầu có những G17, G20 chuyên đề nhằm xử lý từng vấn đề một, thí dụ như G20 ở Pittsburgh (Mỹ) vào tháng 9 sắp tới nhằm bàn về kinh tế thế giới, hay thượng đỉnh về môi trường thế giới sẽ được tổ chức vào tháng 12 sắp tới ở Copenhagen (Đan Mạch), và như thế thì 3-4 ngày "mặt đối mặt" của các "tai to mặt lớn" G8 thế này thực ra cũng mang nhiều hình thức hơn là thực chất.

Chẳng thế mà trước khi Hội nghị thượng đỉnh G8 diễn ra, tại Quốc hội Đức hôm 2/7, Thủ tướng  Angela Merkel tuyên bố: "Hội nghị L'Aquila sẽ chứng tỏ rõ ràng là mô hình khối G8 hiện giờ không còn hữu hiệu để giải quyết các vấn đề của thế giới".

Bà Merkel nhận định, trong tương lai, khối G8 vẫn còn vai trò tìm kiếm giải pháp cho những hồ sơ toàn cầu nhưng khi phải lấy quyết định, điều này nên giao cho nhóm G20 gồm cả những quốc gia đang phát triển nhanh như Trung Quốc, Brazil, chẳng hạn. Trước sức lớn mạnh chung toàn thế giới, không thể giao riêng cho khối G8 giải quyết tất cả mọi vấn đề đặt ra cho các nước mà vai trò này sẽ do khối G20 đảm nhận trong tương lai.

Trả lời phỏng vấn tờ Le Monde (7/7/2009), Tổng thống Brazil Lula da Silva cho biết, G20 mang tính đại diện quan trọng hơn G8, gần gũi với thực tế của cuộc khủng hoảng hiện nay hơn. Các nước giàu không thể thảo luận những vấn đề kinh tế của thế giới mà thiếu Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, BrazilMexico. Các nước mới nổi cần có nhiều quyền hơn trong những quyết định quan trọng của thế giới.

Vẫn theo ông Lula da Silva, G8 giờ đây không còn lý do để tồn tại, nhất là trong những chủ đề lớn bình ổn thế giới. Kinh tế thế giới cần những diễn đàn đa phương, kiểu như BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc)... Sức ảnh hưởng của các quốc gia này với thế giới phản ảnh tính đại diện của họ trên trường quốc tế.

Nếu so với các hội nghị trước đây, thì bối cảnh triệu tập Hội nghị G8 lần này hết sức phức tạp: một mặt do chịu sự tác động của khủng hoảng tài chính quốc tế, các nền kinh tế chủ yếu của phương Tây lần lượt rơi vào cảnh suy thoái, trong khi đó tuy cũng chịu sự ảnh hưởng nghiêm trọng, song các nền kinh tế mới trỗi dậy trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ vẫn duy trì mức phát triển khá mạnh. Do vậy, giới bình luận cho rằng, nếu như kinh tế thế giới muốn nhanh chóng phục hồi trở lại, cần có sự tham dự của càng nhiều nước đang phát triển.

Mặt khác, các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực phát triển... ngày càng nổi cộm trong tình hình khủng hoảng tài chính, bức thiết đòi hỏi toàn cầu xiết tay nhau cùng giải quyết.

Có lẽ cũng ý thức được tính hình thức của hội nghị lần này nên đại diện các nước G8 đã tranh thủ tối đa lần đến Italia để tìm kiếm đối thoại song phương giữa nội bộ khối và cả với các nước đang phát triển. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tranh thủ gặp Tổng thống Nga Dmitri Medevedev, còn Thủ tướng Đức Merkel ban đầu dự định sẽ có 5 buổi tiếp xúc riêng với các nguyên thủ khác, đặc biệt là với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, tuy nhiên do tình hình trong nước, ông Hồ Cẩm Đào đã không thể tham dự hội nghị này

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.