Hội nghị cấp cao Trung - Nhật - Hàn: Vẫn loay hoay chuyện… quả trứng và con gà?!

Thứ Năm, 15/10/2009, 21:30
“Hồ sơ hạt nhân” CHDCND Triều Tiên là chủ đề chính tại cuộc họp thượng đỉnh giữa 3 nước Trung Quốc - Nhật Bản và Hàn Quốc diễn ra ngày 10/10 vừa qua tại Bắc Kinh. Kết thúc hội nghị, lãnh đạo 3 nước kêu gọi Bình Nhưỡng cần nhanh chóng trở lại bàn đàm phán 6 bên, đồng thời cam kết trong việc đạt được một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tiếp Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak trong cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai giữa 3 nước, sau cuộc họp đầu tiên tại Fukuoka, Nhật Bản năm 2008.

Một trong những chủ đề chính của cuộc thượng đỉnh Bắc Kinh dĩ nhiên là “hồ sơ hạt nhân” CHDCND Triều Tiên. Trong bản tuyên bố chung, ba nhà lãnh đạo cam kết duy trì đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Để làm được điều đó, lãnh đạo 3 nước Trung - Nhật - Hàn cho biết sẽ cùng nỗ lực với các nước khác nhanh chóng nối lại đàm phán 6 bên về hạt nhân của CHDCND Triều Tiên nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại Đông Bắc Á và xây dựng một châu Á hòa bình, hòa hợp và thịnh vượng.

Xin nhắc lại là khi tiếp Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Bình Nhưỡng hồi đầu tháng này, Chủ tịch Kim Jong-Il đã thông báo CHDCND Triều Tiên có thể trở lại bàn đàm phán 6 bên với điều kiện có những tiến bộ đáng kể trong đối thoại song phương với Mỹ. Washington cũng tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng nếu cuộc đối thoại này dẫn đến việc nối lại đàm phán 6 bên.

CHDCND Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và nhiều vụ bắn thử tên lửa sau khi rời khỏi vòng đàm phán 6 bên (hai miền Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nhật và Nga) vào tháng 4/2009 sau khi bị Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt. 

"Chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn không thể bỏ lỡ" - Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh sau cuộc họp với hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh rằng CHDCND Triều Tiên đã thể hiện thiện chí đàm phán. "Bình Nhưỡng không chỉ mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ mà còn cả với Nhật Bản và Hàn Quốc" - ông Ôn Gia Bảo cho biết thêm. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của CHDCND Triều Tiên và là nước có ảnh hưởng lớn nhất đối với chính quyền Bình Nhưỡng.

Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak tuyên bố: "Sẽ là tuyệt vời nếu có ông Kim Jong-Il tại đây với chúng ta". Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama đến Trung Quốc kể từ khi nhậm chức hồi tháng trước. Tại hội nghị lần này, lãnh đạo Nhật Bản cũng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về vấn đề con tin người Nhật bị tình báo CHDCND Triều Tiên bắt giữ trong thập niên 70-80 thế kỷ trước.

Tuy nhiên, khúc mắc hiện giờ trong vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên vẫn nằm ở chuyện ông Kim Jong-Il nói việc nước này có thể trở lại bàn đàm phán hay không sẽ tùy thuộc vào việc phải hội đàm song phương với Mỹ trước, một yêu cầu mà phía Mỹ cho tới nay vẫn chưa khẳng định có chấp nhận hay không. Trong khi phía Mỹ cũng đã nói là sẵn sàng làm việc trực tiếp với CHDCND Triều Tiên nhưng chỉ là một phần đổi lại cho việc CHDCND Triều Tiên ngồi lại bàn đàm phán 6 bên. Mỹ muốn CHDCND Triều Tiên hoàn toàn hủy bỏ các chương trình hạt nhân.

Trước khi có cuộc gặp 3 bên tại Bắc Kinh, hôm 9/10, Tổng thống Lee Myung-bak và Thủ tướng Yukio Hatoyama, đã có cuộc hội đàm tại Seoul. Tại đây, hai nhà lãnh đạo cho biết sẽ tiếp tục trừng phạt đối với Bình Nhưỡng cho tới khi nước này bắt đầu tháo gỡ các chương trình hạt nhân của họ dù cho chính quyền ông Kim Jong-Il mới đây đề nghị mở lại đàm phán.

Nhưng ông Lee cũng cho biết thêm rằng các nước đều thống nhất về "sự cần thiết có một giải pháp toàn diện và căn bản" về vấn đề hạt nhân. Hai lãnh đạo đồng ý cấp cho CHDCND Triều Tiên một khoản viện trợ tổng thể để đổi lại cho việc giải trừ chương trình hạt nhân, thay vì các biện pháp từng bước được thực hiện sau khi các cuộc hội đàm bắt đầu vào năm 2003.

Những động thái này của Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc đã mang lại một bầu không khí lạc quan mới cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên khi trước đó giới quan sát nhận định Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ gặp khó khăn trong việc lôi kéo sự ủng hộ của Trung Quốc, vốn là đồng minh thân cận nhất của CHDCND Triều Tiên.

Ngoài vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Hội nghị Trung - Nhật - Hàn cũng đề cập tới nội dung quan trọng khác, đó là vấn đề biến đổi khí hậu trái đất. Kết thúc hội đàm, ba nhà lãnh đạo cũng cam kết sẽ cùng hành động để đảm bảo thành công cho hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu vào tháng 12 tới tại Copenhaghen (Đan Mạch).

Điểm quan trọng cuối trong cuộc gặp giữa ba nhà lãnh đạo Đông - Bắc Á là việc tăng cường hợp tác trong khu vực và đặc biệt là ý tưởng thành lập Cộng đồng Đông Á theo mô hình của Liên minh châu Âu do Thủ tướng Nhật Hatoyama tái khởi động mới đây. Mặc dù chưa đạt được thỏa thuận cụ thể nào về mô hình, nhưng ba nhà lãnh đạo Trung - Nhật - Hàn đã nhất trí tiếp tục xây dựng cộng đồng này

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.