Hội nghị thượng đỉnh EU: Những vấn đề hóc búa cần giải quyết

Thứ Sáu, 26/06/2009, 05:20
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 18/6/2009 sẽ góp mặt tại một Hội nghị thượng đỉnh được đánh giá là có nhiều ý nghĩa quan trọng vào đúng thời điểm bước ngoặt nhạy cảm của khối này.

Dự kiến các quan chức lãnh đạo của liên minh tại hội nghị này sẽ phải tập trung giải quyết hai vấn đề đặc biệt hóc búa - đó là số phận của Hiệp ước Lisbon và những phương thức thắt chặt các quy định về tài chính nhằm đối đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay...

Hiệp ước Lisbon trước áp lực về thời gian

Cuộc họp thượng đỉnh lần này diễn ra vào thời điểm nhạy cảm ngay sau chiến dịch bầu cử tại châu Âu với sự thắng thế của các đảng phái cánh hữu cùng sự gia tăng những quan điểm hoài nghi về tương lai của châu Âu. Chính vì vậy các nhà lãnh đạo EU đặc biệt lo lắng về khả năng xóa bỏ những bất đồng về tương lai của Hiệp ước Lisbon. Sau một loạt những tranh cãi, Chính phủ Ailen đã đề nghị đưa bản dự thảo hiệp ước này ra trưng cầu dân ý lần thứ hai.

Theo đánh giá, cuộc trưng cầu dân ý lần này có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của hiệp ước. Nó được coi là rào cản lớn cuối cùng cần phải vượt qua, khi mà tất cả 27 quốc gia thành viên đã phê chuẩn hiệp ước. Khả năng cử tri Ailen nói "Không" với hiệp ước như một năm trước đây sẽ là một đòn bẽ mặt thực sự đối với các nhà lãnh đạo EU, những người đã dành rất nhiều năm qua để vận động cho những thay đổi của tổ chức, theo như họ đánh giá, sẽ giúp cho liên minh ngày càng mở rộng này hoạt động một cách hiệu quả hơn. EU trên thực tế đã có quy mô tăng lên gần gấp đôi kể từ khi hiệp ước trước đó của tổ chức này được thông qua, khiến cho những quy định cũ nhiều khi trở thành rào cản cho hoạt động của liên minh này.

Trong hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ đưa ra một loạt những đảm bảo và cam kết nhằm xóa bỏ những mối lo ngại của cử tri Ailen - tính chất trung lập về quân sự, chủ quyền riêng với các khoản thuế và quan điểm chống đối nạo thai v.v... Ngoài mục tiêu đưa Ailen "vượt rào" thành công, giới lãnh đạo EU trên hết vẫn muốn bịt hết mọi lỗ hổng pháp lý có thể được lợi dụng để các bên đưa ra những tranh cãi mới về Hiệp ước Lisbon.

Những lo ngại về tài chính

Những mối đe dọa về khủng hoảng hệ thống ngân hàng chắc chắn sẽ là một chủ đề nóng tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Liên quan đến chủ đề này vẫn còn rất nhiều bất đồng trong một số cường quốc thuộc EU, khiến cựu Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Jacques de Larosiere sẽ phải đứng ra trực tiếp điều hành những tranh luận tại hội nghị.

Trong hai ngày hội nghị tại Brussels, các quan chức EU sẽ tập trung đẩy mạnh nỗ lực thắt chặt các hoạt động giám sát trong lĩnh vực tài chính châu Âu, trước sự do dự của Anh không muốn trao quyền hành cho các cơ quan có thẩm quyền mới của EU. Cụ thể là London do muốn duy trì thẩm quyền toàn cầu của tổ chức tài chính City of London đã lo ngại trước đề xuất của Ngân hàng Trung ương châu Âu về một Ủy ban giám sát mạo hiểm toàn châu Âu, đóng vai trò theo dõi và ngăn chặn mọi nguy cơ gây mất ổn định về tài chính trong EU.

Từ trái sang: Ủy viên phụ trách đối ngoại EU Javier Solana, tổng thống pakistan zardari, Tổng thống Czech Vaclav Klaus và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso.

Tiếp đó là những mâu thuẫn về đề xuất xây dựng Hệ thống giám sát viên tài chính châu Âu, khi cơ cấu mới này có thẩm quyền theo dõi các công ty tài chính tư nhân, một hành động có thể "vượt mặt" thẩm quyền của các chính phủ.

Dù sao Cộng hòa Czech với vai trò Chủ tịch luân phiên EU đã tuyên bố rằng, họ muốn đảm bảo được về một thỏa thuận chính trị giao cho Ủy ban châu Âu tạo ra một khuôn khổ giám sát mới. Mục tiêu sao cho các nội dung dự thảo sẽ được thực thi vào năm tới. Trong một khía cạnh khác, hội nghị thượng đỉnh lần này cũng sẽ bàn bạc về các bước chuẩn bị cho hội nghị của LHQ về thay đổi khí hậu trong tháng 12 tới.

Cũng liên quan đến lĩnh vực tài chính, EU ngay trước thềm hội nghị đã có cuộc gặp và hội đàm với Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari. Thỏa thuận lớn nhất trong cuộc gặp này là EU sẽ cung cấp cho Pakistan khoản tiền hỗ trợ nhân đạo trực tiếp lên tới 72 triệu euro (100 triệu USD), chưa kể khoảng 50 triệu euro khác được phân phối cho một vài dự án hỗ trợ nữa.

Mục tiêu chính của quyết định trên là tạo điều kiện cho Chính phủ Pakistan đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực chống khủng bố. Khoản tiền đáng kể trong số này là để hỗ trợ cho hàng trăm ngàn dân thường (theo một nguồn tin khác lên tới 2,5 triệu người) đã phải đi tị nạn bởi cuộc chiến của quân đội chính phủ với các nhóm quân Taliban tại thung lũng Swat.

Một vấn đề quan trọng cuối cùng trong hội nghị lần này chính là những đề xuất bầu chủ tịch Ủy ban châu Âu cho nhiệm kỳ mới. Theo đánh giá, đương kim Chủ tịch Jose Manuel Barroso được cho là không có đối thủ, đồng nghĩa với việc ông này sẽ tiếp tục nhiệm kỳ 5 năm thứ hai của mình.

Bất chấp nhiều chỉ trích về khả năng điều hành kém trong giải quyết khủng hoảng kinh tế, ông Barroso hiện vẫn là ứng cử viên có khả năng duy nhất lãnh đạo Ủy ban châu Âu với khoản ngân sách hoạt động tới 138 tỉ euro vào năm tới. Dù được chọn bầu chọn, nhưng ông Jose Manuel Barroso vẫn phải trải qua bước bỏ phiếu tín nhiệm tại nghị viện mới được bầu của châu Âu vào ngày 15/7 tới, trước khi chính thức bắt đầu nhiệm kỳ hai của mình

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.