Hội nghị thượng đỉnh G7:

Duy trì trừng phạt Nga, phản đối Trung Quốc

Thứ Sáu, 12/06/2015, 20:00
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh, những hoạt động cải tạo của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Ông Abe kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 không được bỏ qua những nỗ lực đơn phương hòng thay đổi hiện trạng trên biển. Thủ tướng Abe nói rằng, các lãnh đạo G7 “không được để yên cho những hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng như vậy”...

Vắng Nga, liệu G-7 có giải quyết được các vấn đề?

Thêm một lần nữa Hội nghị thượng đỉnh (G7) diễn ra không có sự tham dự của Nga, và không thể phủ nhận điều này đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả của hội nghị. Dù không nói ra, song kết quả của sự kiện chính trị được coi là lớn nhất của các nền công nghiệp hàng đầu thế giới này chắc chắn không thể làm hài lòng các nước thành viên cũng như chính giới nhiều nước trên thế giới.

Tuyên bố chung kết thúc hội nghị đề cập đến hàng loạt vấn đề như nhấn mạnh quyết tâm hợp tác chặt chẽ trên cơ sở những giá trị và nguyên tắc chung nhằm giải quyết các thách thức về chính trị và kinh tế quốc tế;  cam kết tôn trọng các giá trị về tự do dân chủ, quy định luật pháp, duy trì tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như thúc đẩy hòa bình và an ninh trên thế giới.

Về chính sách an ninh và đối ngoại, G-7 tuyên bố thực hiện các chính sách trên cơ sở các giá trị và nguyên tắc chung, trong đó đặt tầm quan trọng của tự do, hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ lên hàng đầu.

Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel tới dự ngày họp thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh G7 tại lâu đài Elmau ở Kruen, ngày 8/5/2015

Cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố và tài trợ cho khủng bố cũng là chủ đề được nêu trong Tuyên bố chung G-7. Theo đó, các nhà lãnh đạo G-7 kêu gọi ưu tiên cho nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, việc tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố cũng như cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Song một điều  không thể phủ nhận sự thiếu vắng Nga trong sự kiện chính trị quan trọng này đã trở thành  yếu tố gây chia rẽ nội bộ G-7, thậm chí khiến các vấn đề quốc tế dở dang.

Nếu một năm trước, việc vắng mặt của Nga tại Hội nghị G7 còn chấp nhận được thì năm nay, với lời đề nghị hòa giải từ chính Tổng thống Nga Vladimir Putin, việc không mời Nga tham dự hội nghị lại tạo nên một khoảng cách rất lớn giữa chính giới và các doanh nghiệp ở châu Âu.

Nhìn trên mọi góc cạnh, hợp tác với Nga phải là một trong những chủ đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh G7, song các nhà lãnh đạo của Đức, Mỹ, Canada, Pháp, Italia, Nhật Bản và Anh trên thực tế cố tình loại bỏ sự tham gia của Nga trong hội nghị do những sự kiện ở Ukraine vào năm 2014.

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh cải tạo trái phép đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo các nhà phân tích, mặc dù G7 đang đau đầu tìm cách giải quyết một vấn đề phức tạp là tìm kiếm sự cân bằng giữa tình đoàn kết với chính quyền Ukraine - trong bối cảnh Kiev đang đổ lỗi cho Nga về tất cả các khó khăn của họ - và sự cần thiết thu hút Nga vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế cấp bách khác, song có lẽ quyết định trừng phạt Nga của Mỹ và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này đã đẩy họ đi quá xa.

Với lý do Nga không thực hiện thỏa thuận ngừng bắn đạt được với các bên tại Minsk tháng 2 vừa rồi, các nhà lãnh đạo G-7 khẳng định vẫn nên duy trì  các biện pháp trừng phạt Nga cho đến khi kết thúc cuộc giao tranh ở Ukraine. Sau cuộc hội đàm riêng của Tổng thống Mỹ Obama với Thủ tướng Đức Merkel bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7, Nhà Trắng tuyên bố: “Thời hạn trừng phạt phải được gắn kết rõ ràng với việc Nga thực hiện đầy đủ các điều khoản trong thỏa thuận Minsk và tôn trọng chủ quyền của Ukraine”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng bất cứ quyết định nới lỏng lệnh trừng phạt nào đều phụ thuộc vào Nga và cách xử sự của nước này đối với vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng việc EU dự định tiếp tục kéo dài lệnh trừng phạt đối với Nga không hề bất ngờ khi chính quyền Tổng thống Putin vừa tuyên bố, sẽ kéo dài lệnh cấm vận thực phẩm đối với phương Tây, nếu các lệnh trừng phạt chống nước này không được hủy bỏ. Trước đó, Nga cũng công bố danh sách gồm 89 chính trị gia thuộc nhiều quốc gia trong khối EU bị cấm đến Nga.

Tất nhiên động thái trừng phạt và trả đũa lẫn nhau giữa EU và Nga kéo dài hơn một năm qua, đã gây thiệt hại cho nền kinh tế của cả hai phía, đặc biệt là EU khi buôn bán giữa khối này và Nga lên tới con số 400 tỉ USD mỗi năm. Song chính những doanh nghiệp châu Âu đã phải thốt  lên rằng các biện pháp “tẩy chay” Nga đang “gậy ông đập lưng ông”. Ngay tại Đức, một số nhóm doanh nghiệp cho rằng G7 nên mời Nga và rằng việc ngăn Moscow tham dự cuộc họp là “bỏ lỡ cơ hội”.

Không chỉ thiệt hại kinh tế, những vấn đề quốc tế dường như cũng dở dang khi vắng mặt Nga. Trong bài trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Deutsche Welle của Đức gần đây nhất, Thủ tướng Angela Merkel phải thừa nhận rằng cho dù trong những năm gần đây Nga chưa chấp nhận những ý tưởng của các thành viên nhóm G7, và khối này vẫn quyết định sẽ tiếp tục trừng phạt Nga nhưng Moscow vẫn là một đối tác quan trọng trong các định dạng đàm phán khác để xử lý các cuộc khủng hoảng quốc tế. Bà Merkel nhắc lại rằng, chính nhờ sự hỗ trợ của Nga mà thế giới thu được thành công về hủy bỏ các vũ khí hóa học Syria trong khi  cho đến nay, G-7 chưa có khả năng tạo ra đột biến trong giải quyết các sự vụ quốc tế. 

Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Đức - Nga kiêm thành viên cấp cao của đảng Dân chủ xã hội (SPD) của Đức, ông Matthias Platzeck, khẳng định đây là lúc mời Nga trở lại với G7. "Các vấn đề ở Trung Đông, Iran, Afghanistan và Syria chỉ có thể được giải quyết cùng với Nga”. Phó chủ tịch đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD), ông Ralf Stegner đã tuyên bố rằng, quyết định không mời Nga tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 là một sai lầm. Theo ông, không thể cố gắng   quản lý các quá trình quy mô toàn cầu mà không có sự tham gia của Nga, đó là điều phi lý.

Tại một cuộc họp báo ở Berlin, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, cùng là đảng viên SPD, đã tuyên bố rằng, không ai quan tâm đến việc duy trì dạng G7. Cộng đồng quốc tế quan tâm đến sự tham gia của Nga trong quá trình giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Theo lời Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, Berlin mong sớm quay trở lại định dạng G-8, bởi G-7 rất cần sự đóng góp của Nga vào việc giải quyết những cuộc xung đột kéo dài, không chỉ ở Syria mà cả Iraq, Libya, cũng như vấn đề chương trình hạt nhân Iran.

Mặc dù vậy, Hội nghị thượng đỉnh G-7 vừa diễn ra tại Đức đã cho thấy các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn hành động theo logic đối đầu hơn là hợp tác. Vì vậy giải pháp tuyệt đối cho cuộc khủng hoảng Ukraine có lẽ chỉ là hoài bão. Cho dù một lộ trình hòa bình đã được thông qua, song thỏa thuận hòa bình Minsk lần thứ 2 này sẽ vẫn chỉ được các bên liên quan thực thi một cách có giới hạn nếu thiếu vắng Nga. Các vấn đề quốc tế, có lẽ cũng vì vậy mà sẽ mãi dở dang.

Lời kêu gọi của “thành viên G7 duy nhất từ châu Á”

Bảy cường quốc công nghiệp thế giới vừa mạnh mẽ phản đối Trung Quốc cải tạo ở Biển Đông nhân hội nghị thượng đỉnh của nhóm này tại Đức. Như vậy là ngày càng có nhiều nước và tổ chức quốc tế không đồng tình với những hành động coi thường luật pháp quốc tế của chính quyền Bắc Kinh tại vùng biển đang tranh chấp.

Trong tuyên bố chung của Thượng đỉnh các nước G7 (gồm Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý) kết thúc sau 2 ngày nhóm họp tại Đức, lãnh đạo các nền kinh tế phát triển nhất thế giới đã phản đối mạnh mẽ hoạt động cải tạo ồ ạt trên vùng biển tranh chấp thuộc Biển Đông nhằm thay đổi hiện trạng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đi lại tự do trên biển. Các nhà lãnh đạo nhất trí rằng, Trung Quốc phải làm rõ những tuyên bố chủ quyền của họ dựa trên luật pháp quốc tế, chứ không phải bằng việc đe dọa hay sử dụng vũ lực và ép buộc.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh, những hoạt động cải tạo của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Ông Abe kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 không được bỏ qua những nỗ lực đơn phương hòng thay đổi hiện trạng trên biển. Thủ tướng Abe nói rằng, các lãnh đạo G7 “không được để yên cho những hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng như vậy”. Phát biểu với báo giới trước khi dự hội nghị, ông Abe cho biết sẽ nhấn mạnh vai trò của Nhật Bản với tư cách “thành viên G7 duy nhất từ châu Á” và thúc đẩy “thảo luận đáng kể về các vấn đề châu Á”.

Ngoài việc tận dụng các diễn đàn quốc tế để cảnh báo tình trạng Trung Quốc muốn phá vỡ hiện trạng trên các vùng biển khu vực, Nhật còn tăng cường hợp tác với các nước để duy trì hòa bình và ổn định. Đây cũng là cách mà cả các chuyên gia lẫn giới quân sự đều cho rằng là cách khả thi nhất để ngăn chặn những hành động phi pháp của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp hiện nay.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Hải quân Mỹ, Dennis Blair nhận định phương án tối ưu để ứng phó với việc Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán ở Biển Đông, trong đó có hành vi xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn, là thông qua ngoại giao đa phương thay vì leo thang quân sự. Phát biểu bên lề một hội nghị năng lượng ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 30/5 vừa qua, vị Đô đốc đã nghỉ hưu của Mỹ khuyến nghị: "Các nước ở Biển Đông và các quốc gia khác có lợi ích ở khu vực này cần tập hợp nhau lại trên nền tảng đa phương và đoàn kết đối phó với Trung Quốc".

Lãnh đạo G7 ra thông báo mạnh mẽ phản đối Trung Quốc đơn phương thay đổi nguyên trạng trên biển sau khi nhóm họp tại Đức ngày 8/6.

Theo ông Blair, việc các bên liên quan ngồi lại và xác định luật chơi - bao gồm phân định quyền sở hữu các khu vực lãnh thổ - là phương án tối ưu để giải quyết vấn đề. Ông nhấn mạnh: "Sở dĩ Trung Quốc thành công trong các hoạt động của họ là vì họ xử lý từng tranh chấp với các nước khác ở Biển Đông trên cơ sở song phương". Do đó, vị cựu quan chức Mỹ cho rằng các bên cần mời Trung Quốc tham gia các hình thức tiếp cận đa phương, và trong trường hợp Bắc Kinh từ chối thì vẫn nên xúc tiến đàm phán (Ông Blair là chỉ huy PACOM từ cuối những năm 1990 tới khi về hưu năm 2002. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Tình báo Quốc gia dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama).

Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia, để chặn đứng các bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông, không chỉ Mỹ mà cả các cường quốc khác tiếp giáp với Biển Đông cần vào cuộc. Một vấn đề đang được thảo luận là vì Mỹ không phải là một bên đã ký kết vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cho nên một số thách thức đối với các tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông có thể được thực hiện bởi các nước như Australia chẳng hạn, quốc gia đã ký Công ước này.

Ngoài ra, theo ông Thayer, phải có những hành động thách thức Trung Quốc. Thứ nhất là về vấn đề từ ngữ, nhiều người mô tả các hoạt động Trung Quốc là “cải tạo đất”. Không phải vậy, những gì đang diễn ra là Bắc Kinh đang lấy đất cát từ dưới đáy biển lên, không phải là từ các vùng đất nổi mà từ các vùng đất chìm dưới mặt biển mà theo luật gọi là bãi nổi khi thủy triều xuống. Do vậy, bất kể những gì Trung Quốc xây dựng trên đó cho dù là đảo nhân tạo đi nữa, theo luật quốc tế, họ cũng không đủ tư cách pháp lý đối với một vùng phòng không mà chỉ đủ tư cách pháp lý với vùng an toàn riêng của họ mà thôi. Mà Trung Quốc thì đang tìm cách nhận chủ quyền vượt hơn những thứ đó nữa.

Kế hoạch về các cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải do Mỹ nêu lên gần đây, dù chưa thông báo chính thức, là một cách để thách thức Trung Quốc bằng việc cho tàu bè qua lại các vùng biển để khẳng định quyền tự do hàng hải và thực hiện các chuyến bay ngang qua vùng biển mà Trung Quốc không có căn cứ pháp lý nhận đó là không phận quân sự của mình. Trung Quốc hành xử vô trách nhiệm và vô luật lệ.

Cho nên, một trong những cách phản ứng là phải đương đầu với họ bằng các thách thức, cho tàu bè qua lại bình thường và tìm cách chấm dứt các cuộc tuần tra của họ. Tương tự như đối với vùng nhận dạng phòng không ADIZ của Trung Quốc ở Đông Bắc Á, phải điều máy bay B52 bay ngang qua đó để chứng minh cho Trung Quốc thấy rằng họ không thể thực thi vùng ADIZ ở  Biển Đông.

Mộc Thạch - Bảo Trân (tổng hợp)
.
.