Hội nghị thượng đỉnh LHQ về khí hậu: Bế tắc hoàn bế tắc

Thứ Tư, 30/09/2009, 10:41
3 tháng trước Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu Copenhagen, nhiều dấu hiệu cho thấy không ít quốc gia còn xem nhẹ hiệu ứng nhà kính. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) triệu tập hội nghị nhằm kêu gọi các chính phủ dứt khoát cam kết đi đến một sự đồng thuận giảm thiểu khí thải CO2 làm nóng trái đất. Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy đây là sự khởi đầu thuận lợi.

Nhận định chung của giới báo chí quốc tế thì đây là một hội nghị gây thất vọng. Các quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu thế giới như Mỹ và Trung Quốc không đưa ra được cam kết cụ thể nào.

Không đầy 3 tháng nữa là đến ngày khai mạc Hội nghị Copenhagen mà mục tiêu là một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu, tiếp nối Nghị định thư Kyoto. Do vậy, hội nghị do Tổng thư ký LHQ triệu tập hôm 22/9, quy tụ hàng trăm nguyên thủ quốc gia bên lề khóa họp Đại hội đồng LHQ là một cuộc trắc nghiệm. Theo ông Ban Ki-moon, đã đến lúc các chính phủ phải ý thức rằng tương lai hành tinh xanh rất nguy ngập. Là những người có trách nhiệm, họ phải dứt khoát cam kết đi đến một sự đồng thuận giảm thiểu khí thải CO2. Do bất đồng giữa các quốc gia công nghiệp và các nước đang phát triển, những người quan tâm đến vận mệnh của trái đất và nhân loại rất bi quan về kết quả hội nghị môi trường Copenhagen vào tháng 12 tới đây.

Theo ông Ban Ki-moon, hội nghị thượng đỉnh có một không hai này là một đòn thúc chính trị ở cấp cao nhất. Chắc chắn là nhiều số liệu được thông báo. Đầu tiên tỉ lệ khí thải gây hiệu ứng nhà kính phải được giảm thiểu. Để có thể ngăn chặn nhiệt độ không được tăng quá 20C trong 100 năm tới, giới chuyên gia yêu cầu các nước công nghiệp phải giảm thải 40% lượng khí CO2 từ nay cho đến năm 2020.

Cho đến giờ, Na Uy đã đồng ý. Liên minh châu Âu (EU) chỉ chấp nhận con số 20% và cam kết sẽ giảm thêm đến 30%, nếu đạt được một thỏa thuận quốc tế. Nhưng vấn đề một hiệp ước quốc tế chắc chắn sẽ không thành vì có nhiều nước lớn, đứng đầu danh sách gây ô nhiễm không đồng ý trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Trái với sự chờ đợi của nhiều nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu, hai quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ đã khiến cho nhiều người thất vọng với những tuyên bố chung chung. Trước LHQ, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã cam kết sẽ giảm thiểu một cách đáng kể khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ đây đến năm 2020, thế nhưng, lãnh đạo Bắc Kinh không đưa con số cụ thể và như vậy, chưa chấp nhận một biện pháp ràng buộc nào. Người ta có thể hy vọng Bắc Kinh sẽ thay đổi lập trường.

Cho đến giờ, Trung Quốc vẫn phản đối lại mọi biện pháp ràng buộc. Theo Bắc Kinh thì chính các cường quốc đã gây ra tình trạng hiện nay cho dù trên nguyên tắc, Trung Quốc cũng nhận thấy có phần trách nhiệm của mình. Trong một văn kiện công bố hồi đầu năm, Bắc Kinh yêu cầu các nước giàu phải giảm ít nhất 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hơn nữa còn phải trợ giúp tài chính cho những nước đang phát triển.

Đây là lập trường không thay đổi, cho dù hiện tại, Trung Quốc cũng là nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới gần ngang với Mỹ. Một cách tổng quát hơn, các nước mới nổi nhận thấy các nước giàu phải chịu trách nhiệm lịch sử về tình trạng nóng lên của trái đất. Vì thế họ phải gánh chịu hậu quả của nó. Các nước Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ chủ yếu lo ngại việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ làm cản trở sự phát triển của họ.

Tuy vậy, cũng như Mỹ, Trung Quốc không muốn đưa ra những mục tiêu bằng con số cụ thể. Các nhà lãnh đạo nước này giải thích rằng đất nước họ sẵn sàng tự ấn định mục tiêu riêng về mặt hiệu quả năng lượng nhưng không đưa ra con số cụ thể.

Điều đáng chú ý là nếu Bắc Kinh mạnh dạn hơn trong đề xuất giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thì điều này có thể thúc đẩy Washington tích cực hơn trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu.

Chỉ riêng Trung Quốc và Mỹ, hai cường quốc này chịu trách nhiệm về việc sản xuất hơn 40% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tỏ ra rất thận trọng và điều này cho phép dự báo Hội nghị Thượng đỉnh Copenhagen vào tháng 12 tới có nguy cơ thất bại. Ông Obama tuyên bố: "Hãy đừng nên ảo tưởng. Những khó khăn to lớn nhất vẫn ở phía trước". Thái độ của ông Obama gây thất vọng, cho dù mọi người đều biết, chính sách của Mỹ không tùy thuộc vào tổng thống  và hồ sơ biến đổi khí hậu hiện đang bế tắc tại Thượng viện nước này. Theo các nhà phân tích, rất khó mà Thượng viện Mỹ thông qua được dự luật về biến đổi khí hậu trước năm 2010.

Vấn đề quan trọng thứ hai là ngân sách giúp đỡ các nước nghèo đang bị đe dọa trầm trọng nhất. Indonesia sẽ mất ít nhất 2.000 đảo. Nhưng ngay trước mắt, hiện tượng băng tan làm mực nước biển dâng cao đã đe dọa trực tiếp 42 đảo quốc nhỏ rải rác trên các đại dương. Tập hợp nhau trong Tổ chức Liên minh các Tiểu đảo quốc (AOSIS), các nước này đòi hỏi một mức hạn chế tối thiểu là nhiệt độ trong 100 năm tới không được quá 1,50C. Vì nếu lên 20C thì họ sẽ bị diệt chủng.

LHQ mong chờ các nhà lãnh đạo toàn cầu trong cuộc họp này đưa ra những tín hiệu khích lệ, nếu không, Hội nghị Copenhagen sẽ thất bại với hệ quả tất yếu ảnh hưởng đến sự tồn vong của con người.

Để phá vỡ tình trạng bế tắc này, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đề xuất một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn trên thế giới vào giữa tháng 11 tới nhằm tìm ra một giải pháp chính trị chung

N.Lê Bảo Phương (tổng hợp)
.
.